Tin nóng sáng 23/1: Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111: Trung bình hơn một phút có một cuộc gọi tới

Trung bình cứ hơn 1 phút là có một cuộc gọi đến Tổng đài. Tổng đài cùng các cơ quan liên quan đã can thiệp hàng nghìn sự việc, hỗ trợ, ngăn chặn và cứu sống hàng chục, hàng trăm trẻ/năm.

TIN TRONG NƯỚC

Thủ tướng: Yêu cầu nghiên cứu mở cửa trở lại rạp chiếu phim trên toàn quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉ đạo xử lý việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128. Theo đó, hoạt động của thư viện; rạp chiếu phim; cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật thì giảm 50% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 2 và giảm 70% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 3.

Tin nóng sáng 23/1: Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111: Trung bình hơn một phút có một cuộc gọi tới 1
Khử khuẩn rạp chiếu phim

Đắk Nông: Người dân về đón tết cần lưu ý gì?

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành kế hoạch phòng chống dịch Covid -19 và các dịch bệnh truyền nhiễm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán năm 2022.

Người về từ vùng có dịch (địa phương cấp độ 4, khu vực phong tỏa ổ dịch) phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lần đầu ngay tại trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc trình kết quả xét nghiệm Covid-19 còn giá trị trong vòng 72 giờ.

Người tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (sau 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (trong vòng 6 tháng) tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu và ngày thứ 7.

Người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19 phải thực hiện cách ly y tế tại nhà 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 thực hiện cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Người về từ vùng cấp độ 3: Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (sau 14 ngày); người đã khỏi bệnh Covid -19 trong vòng 6 tháng tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày. Đối với người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19 phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày và tiếp tục hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khoẻ trong vòng 7 ngày tiếp theo. Thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 trong thời gian cách ly y tế.

Người về từ các vùng có cấp độ dịch 1, 2 và không thuộc khu vực có nguy cơ cao, nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (sau 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (trong vòng 6 tháng) không bắt buộc cách ly y tế, nhưng phải khai báo y tế tại trạm y tế xã ngay khi về đến địa phương.

Hiện UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu tất cả người dân từ nơi khác về/đến tỉnh này phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc nhằm chủ động kiểm soát dịch tại địa phương.

Hôm qua 22/1: Cả nước có 15.707 ca nhiễm mới, TP.HCM chỉ còn hơn 200 ca

Hôm qua (22/01), cả nước có 15.707 ca nhiễm mới, trong đó 49 ca nhập cảnh và 15.658 ca ghi nhận trong nước (giảm 243 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.986 ca trong cộng đồng). Trong đó, TP.HCM ghi nhận 214 ca.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.945), Đà Nẵng (973), Hải Phòng (745), Hưng Yên (693), Bến Tre (555), Bình Phước (498), Quảng Ngãi (461), Thanh Hóa (443), Bắc Ninh (386), Bình Định (347), Quảng Ninh (338), Đắk Lắk (332), Hải Dương (324), Quảng Nam (319), Vĩnh Phúc (315), Khánh Hòa (305).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Cà Mau (-88), Trà Vinh (-75), Bình Định (-73).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+140), Quảng Trị (+88), Đắk Nông (+76).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 3.512 ca

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 16.123 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 135 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2).

Tin nóng sáng 23/1: Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111: Trung bình hơn một phút có một cuộc gọi tới 2
Ảnh minh họa

Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111: Trung bình hơn một phút có một cuộc gọi tới

Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết trung bình mỗi năm, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận hơn 400.000 cuộc gọi khác nhau. Song năm 2021 số cuộc gọi tăng lên 500.000 cuộc gọi/năm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài, nguy cơ bạo hành có xu hướng gia tăng.

Trung bình cứ hơn 1 phút là có một cuộc gọi đến Tổng đài. Tổng đài cùng các cơ quan liên quan đã can thiệp hàng nghìn sự việc, hỗ trợ, ngăn chặn và cứu sống hàng chục, hàng trăm trẻ/năm.

Lãnh đạo Cục Trẻ em cho biết, nhiều vụ việc bạo hành diễn ra nhưng nhiều người lo ngại phiền phức nên quyết định im lặng và chấp nhận sống trong xã hội dung túng bạo hành trẻ em. Cục Trẻ em kêu gọi người dân hãy lên tiếng khi nghi ngờ hành vi bao lực đầu tiên như tiếng kêu, tiếng khóc và gọi ngay 113 hoặc 111. Các cuộc gọi cung cấp thông tin được giữ kín, người dân không sợ bị trả thù.

Ngoài cuộc gọi đến Tổng đài 111, người dân cũng có thể tải các ứng dụng 111 để gửi các video có hành vi xâm hại trẻ nhỏ cho Tổng đài 111, bên cạnh Tổng đài 111 còn tiếp nhận việc tố cáo qua kênh Youtube, fanpage 111.

TPHCM: Chuyển 5 huyện lên quận và thành phố

UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch khẩn về xây dựng Đề án Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-2030, gồm Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.

TPHCM sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng các tiêu chuẩn của huyện, xã - thị trấn theo quy định về phân loại đô thị, về tiêu chuẩn đơn vị hành chính để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị đạt tiêu chuẩn của quận (hoặc thành phố) và phường trực thuộc.

TPHCM sẽ xây dựng 5 đề án nhánh nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển huyện thành quận (hoặc thành phố) nhanh và bền vững bao gồm: Kinh tế đô thị, Văn hóa đô thị, Hạ tầng đô thị, Con người đô thị và Quản lý nhà nước.

Tin nóng sáng 23/1: Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111: Trung bình hơn một phút có một cuộc gọi tới 3
Ảnh minh họa

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho phép ô tô chạy từ 25/1 - 10/2

Vừa qua, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, UBND tỉnh thống nhất phương án lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thời gian thực hiện trong 15 ngày (từ ngày 25/1 - 10/2).

Chỉ ô tô được lưu thông 2 chiều riêng biệt trên cáo tốc, mô tô, xe gắn máy không được phép chạy vào. Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm được quy định trong Nghị định 42 của Chính phủ được phép lưu thông nhưng phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp.

Các phương tiện chỉ được chạy trên tuyến chính cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn từ nút giao Thân Cửu Nghĩa tại Km 49+620 đến nút giao An Thái Trung tại Km 101+126 nối QL1 với QL30. Các tuyến đường nhánh khác không được phép lưu thông ra, vào cao tốc, trừ khi có sự điều tiết của lực lượng chức năng.

Tây Ninh: Bắt giữ hơn 1 tấn pháo nổ vận chuyển trái phép qua biên giới

Hôm qua ngày 22/1, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động và Công an H.Châu Thành tuần tra, phát hiện 2 ghe máy chở 1,2 tấn pháo nổ bởi các đối tượng Nguyễn Đức Cảnh (28 tuổi), Nguyễn Văn Đồng (23 tuổi, cùng ngụ xã Hảo Đước, H.Châu Thành) và Nguyễn Văn Tèo (35 tuổi, ngụ xã Ninh Điền, H.Châu Thành).

Các đối tượng khai nhận dùng ghe máy sang Campuchia mua pháo nổ đưa về Việt Nam, tập kết tại khu vực ấp Trường, xã Hảo Đước (H.Châu Thành) để giao cho đối tượng khác đưa tiêu thụ.

Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Tây Ninh điều tra, làm rõ.

TIN THẾ GIỚI

Campuchia cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron điều trị tại nhà

Thủ tướng Campuchia cho biết, những người mang quốc tịch Campuchia, đang sống ở trong nước hoặc từ nước ngoài về, cũng được phép điều trị tại nhà với thủ tục và quy trình tương tự như các ca nhiễm biến thể Delta và Alpha.

Các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đang điều trị tại các bệnh viện ở Campuchia, không phân biệt quốc tịch, có thể xin về nhà điều trị theo mong muốn. Các quy định mới có hiệu lực ngay lập tức. 

Tin nóng sáng 23/1: Cảnh báo Hong Kong đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng 1
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 14/1/2022.

Cảnh báo Hong Kong đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng

Hôm qua, cơ quan y tế Hong Kong (Trung Quốc) cảnh báo đặc khu tài chính này đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ khi số ca mắc và nghi ngờ mắc COVID-19 đang tăng lên từng ngày.

Theo đó, Hong Kong vẫn  duy trì chiến lược "Zero-COVID", tiến hành phong tỏa, truy vết và xét nghiệm ngay khi phát hiện ca mắc mới. Các trường học, phòng tập thể dục tạm thời đóng cửa; nhà hàng đóng cửa từ 18h cho đến sau Tết Nguyên đán. Nhiều chuyến bay đến và đi từ Hong Kong bị hủy hoặc gián đoạn nghiêm trọng. Đặc khu này khó có khả năng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội sau Tết Nguyên đán.

Ecuador cam kết hỗ trợ quá trình sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Nam Mỹ

Bộ trưởng Y tế Ecuador khẳng định Chính phủ quốc gia Mỹ Latinh này cam kết ủng hộ quá trình sản xuất lâu dài vaccine ngừa COVID-19, với mục tiêu đảm bảo quyền tiếp cận vaccine một cách công bằng cho 9 quốc gia thành viên khối Diễn đàn vì sự tiến bộ và phát triển của Nam Mỹ. Để đạt được mục tiêu này cần phải tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine.

Ecuador cam kết ủng hộ về mặt công nghệ và nhân lực trong mạng lưới cung cấp và phân phối vaccine đang được xây dựng tại các quốc gia thành viên. Ngoài ra, Chính phủ Ecuador hy vọng sớm đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất vaccine tại nước này.

Tin nóng sáng 23/1: Cảnh báo Hong Kong đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng 2
Ảnh minh họa

WB cho Nam Phi vay 750 triệu USD ứng phó với đại dịch COVID-19

Bộ Tài chính Nam Phi thông báo Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản cho vay 750 triệu USD hỗ trợ Nam Phi trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trước những tác động của đại dịch.

Thông báo cho biết khoản cho vay này của WB là nhằm bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tổn thương tại Nam Phi do những tác động tiêu cực của đại dịch đối với kinh tế, xã hội, đồng thời hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế bền vững và thích ứng của nước này. 

Thiệt hại ban đầu trong trận động đất tại Indonesia

Theo các nguồn tin chính thức tại Indonesia, trận động đất có độ lớn 6,1 xảy ra ngày 22/1 tại quần đảo Talaud thuộc tỉnh Bắc Sulawesi đã làm ít nhất 1 người bị thương và gây hư hại một số ngôi nhà.

Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia cho biết, trận động đất có tâm chấn nằm ở độ sâu 12 km ngoài khơi cách thành phố Melonguane trên quần đảo Talaud 39 km về phía Đông Nam. Ít nhất 9 dư chấn không đáng kể đã được ghi nhận sau đó. Nhà chức trách đã khuyến cáo người dân không nên đến gần các tòa nhà bị nứt hoặc hư hại.

Tin nóng sáng 23/1: Cảnh báo Hong Kong đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng 3
Ảnh minh họa
Bình luận