Chờ...

Tin nóng chiều 22/1: Trước khi về quê ăn tết, người dân cần tra cứu cấp độ dịch Covid-19 ở đâu?

(VOH) - Trước khi về quê ăn Tết người dân cần nắm được các quy định của địa phương và tra cứu trên bản đồ dịch để biết mình sống ở vùng dịch nào.

 

TIN TRONG NƯỚC

Trước khi về quê ăn tết cần tra cứu cấp độ dịch Covid-19 ở đâu?

Một số tỉnh, thành phố đang có những quy định khác nhau trong phòng chống dịch Covid-19. Trước khi về quê ăn Tết người dân cần nắm được các quy định của địa phương và tra cứu trên bản đồ dịch để biết mình sống ở vùng dịch nào.

Để biết được nơi mình đang sống thuộc nguy cơ nào, người dân truy cập vào bản đồ Covid-19 capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) quản lý.

Tại đây, người dân tìm kiếm địa phương đang sinh sống, làm việc bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình. Tiếp đến, chọn cấp độ hành chính quận/huyện/thành phố/thị xã và theo dõi chi tiết bên bảng thống kê cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn phía bên trái.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân khi di chuyển bằng phương tiện di chuyển trong dịp Tết được ưu tiên theo thứ tự: Xe riêng (ôtô, xe máy), máy bay, tàu hỏa, xe khách.

Trong trường hợp di chuyển bằng phương tiện công cộng, cần mở cửa kính xe khách, taxi thoáng khí hoặc có khoang riêng (tàu). Người dân ăn uống dọc đường cần đảm bảo 5K - Khai báo hành trình trên ứng dụng PC-Covid.

PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, khuyến cáo trong dịp Tết khi di chuyển mỗi người cần chuẩn bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay (nên loại nhỏ để trong người). Mỗi người nên chuẩn bị sẵn 1 test nhanh kháng nguyên Covid-19. Nếu có điều kiện nên thực hiện test nhanh trước khi về quê. Người dân nên đeo khẩu trang trong suốt hành trình di chuyển, chỉ mở khi không có tiếp xúc người khác, bỏ khẩu trang khi về đến nhà.

Tin nóng chiều 22/1: Trước khi về quê ăn tết cần tra cứu cấp độ dịch Covid-19 ở đâu? 1

Trước đó, nhiều hộ dân ở xã Thiệu Phú (Thanh Hóa) bị chính quyền khóa cổng khi có người về quê ăn Tết - Ảnh: NLĐ

Đã cần thiết tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng chưa cần thiết triển khai tiêm vắc xin mũi 4 và nếu xét về khoa học có thể có hại hơn lợi. 

Ông Dũng phân tích: "Mũi 4 chỉ nên tiêm cho người đã tiêm mũi 3 quá thời gian từ 6 tháng trở đi, người trong nhóm nguy cơ hoặc trước đó đã tiêm một số loại vắc xin có hiệu quả bảo vệ thấp. Hiện nay nếu áp dụng tiêm mũi 4 đại trà, tôi thấy rằng quá cập rập, chưa kể sẽ gây tác hại cho một số người được tiêm".

Trong khi đó, ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, dịch COVID-19 xuất hiện và diễn tiến quá nhanh nên các loại vắc xin được phê duyệt sử dụng trong điều kiện khẩn cấp, chưa có một phác đồ tiêm chủng ổn định, rõ ràng như các loại vắc xin khác. 

Bác sĩ Vân Anh cho rằng "Cần dựa vào tình hình thực tế dịch bệnh để cơ quan chức năng quyết định sự cần thiết của việc tiêm mũi 4. Mũi 4 có hiệu quả như thế nào, tác dụng phụ không mong muốn ra sao là những yếu tố cần được đưa ra phân tích. Nếu thấy lợi nhiều hơn hại thì có thể cân nhắc tiêm chủng".

Về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 tuổi, bác sĩ Vân Anh cho rằng cần hết sức thận trọng, cần tham khảo các nước, bởi đây là nhóm rất nhạy cảm. 

Tin nóng chiều 22/1: Trước khi về quê ăn tết cần tra cứu cấp độ dịch Covid-19 ở đâu? 2

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 3 cho người dân ở phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: TTO

TP.HCM: Đạt 'vùng xanh' 3 tuần liên tiếp

UBND TP.HCM vừa có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn TP.HCM theo nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế đến ngày 20-1-2022.

Toàn địa bàn TP.HCM vẫn đạt cấp độ 1 (vùng xanh), đây là tuần thứ 3 liên tiếp TP.HCM trở thành "vùng xanh". Hiện chỉ còn huyện Nhà Bè là "vùng vàng", không có quận huyện nào tăng cấp độ dịch so với tuần trước.

Dù đã trở thành "vùng xanh" nhưng TP.HCM vẫn có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và giường hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh, sẵn sàng đáp ứng khi dịch ở cấp độ 4.

TP.HCM: Người lao động ở doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo nghề miễn phí

Mới đây, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn.

Người lao động (không quá 50 với nam và 45 tuổi với nữ) được cử tham gia các khoá đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng, được hỗ trợ một lần 100% chi phí đào tạo, nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người/khóa học. Nguồn kinh phí từ ngân sách TP.HCM.

Trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức hỗ trợ và các chi phí phát sinh khác thì phần chi phí chênh lệch sẽ do doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng người lao động thỏa thuận đóng góp (có thể có sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác).

Ưu tiên cho người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

CSGT TP.HCM: Tăng cường bảo vệ cửa ngõ thành phố dịp Tết Nguyên đán

Sáng 22-1, 10 đơn vị thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM phối hợp với lực lượng chức năng tại khu vực cửa ngõ TP HCM tập trung các giải pháp kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông trên địa bàn, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải chủ động xác định và dự báo sát, đúng tình hình, xây dựng, triển khai, thực hiện các kế hoạch, phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho sát với thực tế; Phấn đấu tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông; Tiếp tục thực hiện các phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Tin nóng chiều 22/1: Trước khi về quê ăn tết cần tra cứu cấp độ dịch Covid-19 ở đâu? 3

Lực lượng chức năng ra quân sáng 22-1. Ảnh NLĐ

TP.HCM: Phát hiện gần 8 tấn ngó sen ngâm hóa chất không rõ nguồn gốc

Ngày 22.1, Công an TP.HCM PC05 phát hiện một cơ sở sử dụng hóa chất để chế biến hàng tấn ngó sen đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trước đó, tối ngày 21.1, PC05 bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh ngó sen của ông Nguyễn Bá Thinh (49 tuổi) trên đường Bình Mỹ (xã Bình Mỹ, H.Củ Chi).

Tại thời điểm kiểm tra, nơi đây có 13 công nhân đang đổ ngó sen trên nền xi măng để chế biến, trong cơ sở còn có hơn 20 thùng nhựa lớn đang ngâm ngó sen với hóa chất.

Qua kiểm tra, số ngó sen ngâm hóa chất có trọng lượng khoảng 8 tấn cùng nhiều can nhựa không nhãn mác, bên trong can nhựa có chứa hóa chất dạng lỏng. Ngoài ra, công an còn phát hiện trong cơ sở có nhiều bao hóa chất dạng bột, đây là loại hóa chất không được sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Qua làm việc, bà Yến (vợ ông Thinh) cho biết việc ngâm ngó sen với hóa chất dùng để tẩy trắng, đẹp nhằm thu hút người mua. Hằng ngày, cơ sở này cung cấp ra thị trường vài tấn ngó sen, trong đó chủ yếu phân phối cho các tiểu thương tại chợ Hóc Môn và chợ Thủ Đức.

PC05 phối hợp cùng các đơn vị liên ngành lập biên bản về hành vi sử dụng phụ gia hóa chất không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm đối với cơ sở này. Đồng thời lực lượng chức năng cũng tạm giữ số ngó sen và hóa chất tại đây và lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

TIN THẾ GIỚI

Mỹ tạm dừng hơn 40 chuyến bay của hãng hàng không Trung Quốc

Ngày 21/1, Mỹ thông báo tạm dừng 44 chuyến bay chở khách Trung Quốc tới nước này để phản đối những biện pháp hạn chế mà Bắc Kinh áp dụng với các hãng hàng không của Mỹ theo quy định phòng dịch COVID-19. Theo đó, 44 chuyến bay do các hãng hàng không Trung Quốc gồm Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines và Xiamen Airlines vận hành sẽ không được thực hiện lịch trình đã dự kiến từ ngày 30/1 đến 29/3.

Trung Quốc hiện vẫn duy trì các biện pháp bảo vệ biên giới nghiêm ngặt, trong đó có việc cắt giảm các chuyến bay quốc tế đến và chính sách "ngắt mạch" cho phép tạm dừng khai thác một tuyến bay nếu có quá nhiều ca bệnh ghi nhận trong các chuyến bay theo tuyến đó. Giới chức quản lý hàng không Trung Quốc cũng từng áp dụng chính sách này để hủy các chuyến bay của một số hãng hàng không Mỹ như American, Delta và United Airlines sau khi phát hiện các hành khách đi trên các chuyến bay của các hãng này dương tính với virus khi đến dù có kết quả âm tính khi khởi hành.

Tin nóng chiều 22/1: Trước khi về quê ăn tết cần tra cứu cấp độ dịch Covid-19 ở đâu? 4

 Máy bay của hãng hàng không Trung Quốc China Eastern Airlines tại sân bay quốc tế Daxing ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Biến thể Omicron lây lan đến những đảo quốc hẻo lánh

Vị trí địa lý biệt lập cùng với chính sách kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ giúp các nước ở Nam Thái Bình Dương gần như miễn nhiễm trước COVID-19. Thế nhưng quãng thời gian yên bình đó đã hết. Biến thể Omicron với mức độ lây lan mạnh đã bắt đầu xâm nhập vào nhiều đảo quốc, với những ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được xác định. Một số nước có tổng số ca mắc ở mức một con số giờ cũng đối diện với tình cảnh đáng báo động, khi nhiều ổ dịch cộng đồng xuất hiện.

Một trường hợp điển hình là Kiribati, đảo quốc được hình thành từ nhiều hòn đảo nằm rải rác ở châu Đại Dương, có diện tích lớn gấp đôi bang Alaska (Mỹ). Quốc gia có dân số 119.000 người này phần lớn đóng cửa với khách quốc tế trong đại dịch vừa qua. Thế nhưng khi đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Fiji tháng vào cuối tuần trước sau 10 tháng gián đoạn, Kiribati đã ghi nhận 36 hành khách dương tính.

Đảo quốc Solomon trong tuần này cũng ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên. Nguồn lây là từ một chiếc thuyền hoạt động bất hợp pháp, chở một người bị nhiễm COVID-19 cập bến tại đảo Ontong Java thuộc Solomon hôm 18/1.

Chuyên gia Mỹ: 'Năm 2022, COVID-19 sẽ không chi phối cuộc sống của chúng ta quá nhiều'

Chương tiếp theo của đại dịch sẽ như thế nào và khi nào nó sẽ đến, đó là những gì mà các các chuyên gia y tế Mỹ khác đang cố gắng tìm ra.

Có nhiều mô hình bệnh dịch và bài học từ các đại dịch trong quá khứ, nhưng cách mà biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao xuất hiện đang khiến các nhà khoa học có phần bối rối. Omicron đã càn quét rất nhanh. Hơn 1/4 trong tổng số ca mắc của toàn bộ đại dịch COVID-19 ở Mỹ được ghi nhận chỉ trong một tháng qua do làn sóng Omicron - theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã nhìn thấy hy vọng từ những gì xảy ra ở Nam Phi. Các nhà khoa học Nam Phi lần đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron vào tháng 11/2021. Các ca nhiễm ở đó đạt đến đỉnh điểm và giảm nhanh chóng. Ở Anh cũng vậy. Và đó là điều mà các chuyên gia cho rằng sẽ xảy ra ở khắp mọi nơi.

Tin nóng chiều 22/1: Trước khi về quê ăn tết cần tra cứu cấp độ dịch Covid-19 ở đâu? 5

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung Quốc: Omicron đang thử thách chiến lược 'Zero Covid-19'

Ngay khi phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên là một nhân viên ngân hàng 26 tuổi sống tại Bắc Kinh, chính quyền thành phố đã nhanh chóng xét nghiệm Covid-19 cho hơn 13.000 người.

Chỗ làm việc và tòa nhà nơi "bệnh nhân số 0" sinh sống lập tức bị phong tỏa. Tại các cuộc họp báo, chính quyền liên tục phát đi những lời cảnh báo tới hơn 20 triệu người dân thành phố, kèm theo đó là trấn an họ rằng giới chức trách đang nỗ lực hết mình để bảo vệ sự an toàn cho người dân.

Các chuyên gia dự báo nhà chức trách Trung Quốc sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch trong những tuần tới. Đầu tháng này, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu người dân tránh xa những phương tiện chuyên chở các vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông, ngay cả trong trường hợp có tai nạn xảy ra. Các vận động viên cùng những cá nhân liên quan sẽ sinh hoạt trong các "vòng tròn khép kín" ngăn cách họ với người dân Trung Quốc.

Biến thể Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng ở trẻ nhỏ

Một nghiên cứu mới đây cho thấy biến thể Omicron dường như có ít nguy cơ gây triệu chứng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ hơn so với biến thể Delta.

Kết luận trên dựa trên công trình nghiên cứu và phân tích hồ sơ sức khỏe của gần 80.000 trẻ em Mỹ dưới 5 tuổi đã từng mắc COVID-19 một lần, trong đó 7.201 trẻ mắc bệnh vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022, thời điểm biến thể Omicron chiếm tới 90% ca mắc mới tại nước này. 

Sau khi cân nhắc các yếu tố rủi ro khác, gồm điều kiện y tế và bối cảnh kinh tế xã hội, các nhà khoa học phát hiên rằng những trẻ mắc COVID-19 trong thời gian biến thể Omicron xuất hiện và lây lan có nguy cơ phải cấp cứu thấp hơn 29%, nguy cơ phải nhập viện ở nhóm đối tượng này thấp hơn 67%, nguy cơ phải điều trị tích cực thấp hơn 68% và khả năng phải dùng máy thở thấp hơn 71% so với những trẻ nhiễm biến thể Delta.

Tin nóng chiều 22/1: Trước khi về quê ăn tết cần tra cứu cấp độ dịch Covid-19 ở đâu? 6

Nhân viên y tế đo nhiệt độ cho trẻ em. (Nguồn: Getty Images)