Tin nóng sáng 29/3: Bộ Y tế: Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi theo hình thức 'chiến dịch'

Ngày 28-3, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nhanh chóng lập danh sách, chuẩn bị tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để triển khai ngay khi được phân bổ vắc xin.

TIN TRONG NƯỚC

Bộ Y tế: Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi theo hình thức 'chiến dịch'

Ngày 28-3, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nhanh chóng lập danh sách, chuẩn bị tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để triển khai ngay khi được phân bổ vắc xin.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương sẽ tổ chức tiêm vắc xin theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Với trẻ đang đi học sẽ lập danh sách theo lớp, gồm học sinh lớp 6 của trường THCS, học sinh đang học trường tiểu học (từ lớp 1 - 5) và trẻ 5 tuổi đang học mẫu giáo; Triển khai trước cho nhóm trẻ 11 tuổi (học lớp 6) và hạ thấp dần độ tuổi. Trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng.

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xây dựng tài liệu hướng dẫn việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.  Các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur lập kế hoạch tập huấn, hướng dẫn việc tiêm vắc xin cho các tỉnh, thành phố và tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công phụ trách trong quá trình tổ chức triển khai tiêm chủng.

Cha mẹ, người giám hộ sẽ ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ. Việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ phải được sự đồng ý của người giám hộ.

Tin nóng sáng 29/3: Bộ Y tế: Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi theo hình thức 'chiến dịch' 1

Hà Nội tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi - Ảnh: TTO

Từ tháng 4, các doanh nghiệp xin tăng giá thịt, trứng

Sau khi hoàn thành cam kết giữ giá bình ổn trước và sau Tết 1 tháng, các doanh nghiệp đã đăng ký điều chỉnh giá cả trong đợt bình ổn mới. Trong đó, giá thịt gia súc được đăng ký tăng 2-3%, thịt gia cầm tăng 6-12% và trứng gia cầm tăng 6-8%.  Sở Tài chính cùng các sở ngành sẽ họp với các doanh nghiệp thống nhất giá bình ổn.

Về cơ chế điều chỉnh giá của doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, ông Nguyễn Nguyên Phương – PGD Sở Công Thương cho biết kế hoạch năm 2022 sẽ do UBND TP công bố vào đầu tháng 4.

Tuy nhiên theo cơ chế của năm 2021, khi giá đầu vào tăng 5% thì các doanh nghiệp được quyền đăng ký điều chỉnh giá với Sở Tài chính. Nếu chứng minh được sự tăng giá đầu vào sẽ cho điều chỉnh giá. Trường hợp thị trường biến động liên tục và biến động mạnh, chỉ cần chứng minh chi phí đầu vào tăng 2 - 5% thì có thể đăng ký điều chỉnh giá.

Tin nóng sáng 29/3: Bộ Y tế: Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi theo hình thức 'chiến dịch' 2

Ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương - tại họp báo chiều 28-3 - Ảnh: TTO

Tràn lan vi phạm PCCC chung cư cao tầng tại TP.HCM

Ghi nhận thực tế trên địa bàn TP.HCM, nhiều chung cư chưa hoàn thiện, chưa lắp đặt trang thiết bị PCCC, chưa được cơ quan chức năng thẩm định, nghiệm thu PCCC nhưng đã bàn giao cho người dân vào ở.

Phần lớn các lỗi vi phạm của chung cư: Chưa thi công giải pháp ngăn cháy theo các trục kỹ thuật đường ống xuyên tường, sàn, vách và giải pháp ngăn cháy giữa 2 tầng hầm; thay đổi công năng công trình không đúng thiết kế được duyệt; đường giao thông không đảm bảo cho xe chữa cháy tiếp cận; không đảm bảo số lượng cầu thang bộ thoát nạn tại tầng hầm…

Trước thực trạng trên, PC07 Công an TP.HCM đã tham mưu, đề xuất, kiến nghị cho Công an TP.HCM, UBND TP.HCM, Sở Xây dựng, các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm PCCC trong đầu tư xây dựng. Đồng thời có biện pháp mạnh, kiên quyết xử lý triệt để các chung cư chưa nghiệm thu PCCC, chưa hoàn công công trình đã đưa dân vào ở. Nếu công trình, chung cư cố tình sai phạm, không khắc phục những sai phạm thì có thể tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và có thể xem xét xử lý hình sự nếu gây ra hậu quả về người và tài sản cho người dân.

Tin nóng sáng 29/3: Bộ Y tế: Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi theo hình thức 'chiến dịch' 3

Chung cư Đại Thành bị PC07 Công an TP.HCM yêu cầu khắc phục

Sắp đưa cao tốc nối Huế-Đà Nẵng hơn 11.000 tỷ đồng vào khai thác

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan (cao tốc La Sơn-Túy Loan) đã được Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu (có điều kiện) từ tháng 10/2021.

Hiện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang cùng các bên liên quan phối hợp hoàn thiện một số tồn tại về an toàn giao thông, đường gom dân sinh, phấn đấu giải quyết dứt điểm trong tháng Ba để đưa dự án vào khai thác trong tháng Tư tới.

Ông Nguyễn Minh Khánh, đại diện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án cao tốc La Sơn-Túy Loan) thông tin khối lượng còn lại gồm hơn 500m dài hàng rào bảo vệ và gần 100m tôn lượn sóng, đơn vị đang phối hợp địa phương bảo vệ thi công, hoàn thiện dứt điểm để đưa công trình vào khai thác bảo đảm an toàn.

Người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà nhiều nhất 1 triệu đồng/tháng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo Quyết định, hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới được tuyển dụng bổ sung thêm bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.

Tin nóng sáng 29/3: Bộ Y tế: Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi theo hình thức 'chiến dịch' 4

Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện, được Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. (Ảnh: TTXVN)

Tin thế giới

Nga bắt đầu đáp trả mạnh, dọa khóa van khí đốt sang châu Âu

Theo Hãng tin AFP, ngày 28-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Matxcơva đang chuẩn bị các biện pháp nhằm hạn chế nhập cảnh đối với công dân các nước "không thân thiện", trong đó có Anh, tất cả các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Còn theo Hãng thông tấn RIA của Nga, ngày 28-3, nghị sĩ Nga Ivan Abramov cho rằng việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ chối thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng rúp sẽ dẫn đến tình trạng gián đoạn hoàn toàn nguồn cung. Ông Abramov là thành viên Ủy ban chính sách kinh tế tại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga.

Cùng ngày, theo Hãng thông tấn TASS, thông báo trên trang web Bộ Tư pháp Nga cho biết bộ đã đưa Đài Deutsche Welle (DW) của Đức vào danh sách "tình báo nước ngoài".

Tin nóng sáng 29/3: Bộ Y tế: Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi theo hình thức 'chiến dịch' 5

Logo đài truyền hình Đức Deutsche Welle (DW) - Ảnh: REUTERS

Nga, Ukraine đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ

Điện Kremlin ngày 28.3 cho hay cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine có thể diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm nay 29.3, theo Reuters.

Trong cuộc điện đàm hôm 27.3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vlimir Putin đã nhất trí tổ chức cuộc đàm phán nói trên tại TP.Istanbul.

Ankara cho hay cuộc đàm phán có thể bắt đầu từ ngày 28.3, nhưng phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc đó là không thể vì các nhà đàm phán mới đến Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày.

Tin nóng sáng 29/3: Bộ Y tế: Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi theo hình thức 'chiến dịch' 6

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Indonesia kêu gọi người dân hấp, luộc thức ăn vì giá dầu ăn tăng cao

Đảng cầm quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang kêu gọi người dân nước này chuyển sang luộc, hấp và nướng thực phẩm thay vì chiên do giá dầu ăn tăng cao.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng đến nguồn cung của các loại dầu thực vật khác, khiến giá dầu cọ tăng mạnh. Dầu ăn đã trở thành mặt hàng khan hiếm ở Indonesia. Một số nhà bán lẻ phải quy định mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 lít dầu ăn.

Tờ Bloomberg đưa tin Indonesia đã công bố khoản trợ cấp 7,28 nghìn tỷ rupiah cũng như tăng thuế xuất khẩu mặt hàng dầu cọ để bảo vệ nguồn cung trong nước và ổn định giá dầu ăn.