- TIN TRONG NƯỚC
- Hơn 9.600 tỉ đồng từ gói phục hồi kinh tế được phân bổ cho 3 cao tốc trọng điểm phía nam
- Cân nhắc giảm thêm thuế để kìm giá xăng dầu
- TP.HCM: Đề xuất tăng hình phạt đối với tín dụng đen
- Giá vàng hôm nay 5/6: Giảm nhẹ sau nhiều tuần tăng liên tiếp
- 6.000 người khắp cả nước bị thanh niên 27 tuổi lừa 'làm cộng tác viên tại nhà', chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng
- TP.HCM: Triệt phá đường dây khai thác cát lậu lớn trên biển Cần Giờ
- TIN THẾ GIỚI
- EU tìm cách tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng
- Ba lựa chọn của Nga sau khi bị EU cấm 90% dầu
- Lý do châu Phi vẫn tăng cường quan hệ với Nga bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây
- Ukraine bắt đầu giai đoạn tái thiết đầu tiên sau xung đột
- Ấn Độ lần đầu cấp phép tiêm kết hợp vaccine ngừa COVID-19 làm mũi tăng cường
TIN TRONG NƯỚC
Hơn 9.600 tỉ đồng từ gói phục hồi kinh tế được phân bổ cho 3 cao tốc trọng điểm phía nam
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về đề xuất của Chính phủ về việc dành 9.620 tỉ đồng trong tổng số gói 176.000 tỉ đồng thuộc Nghị quyết 43 của Quốc hội để phân bổ vốn cho 3 dự án đường cao tốc thuộc danh mục các dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội vào sáng mai 6.6.
Trong đó, có 3.800 tỉ đồng dành cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; hơn 2.320 tỉ đồng cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; và 3.500 tỉ đồng cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Cân nhắc giảm thêm thuế để kìm giá xăng dầu
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/6, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, bộ này đang xin ý kiến các bộ, ngành sửa đổi Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12%. Việc này sẽ đa dạng hoá nguồn cung xăng dầu. Hiện nay các sắc thuế đánh vào xăng gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
So sánh với thế giới, ông Tuấn cho biết tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu ở nhiều quốc gia (trừ nước có trữ lượng dầu mỏ lớn) trung bình là 40-60%. Với Việt Nam, tỉ trọng thuế trong giá xăng là 29-31%, dầu diesel là hơn 13%, trong khi không có phí, lệ phí thu trên xăng dầu. Tức là, tỉ trọng thuế trong xăng dầu Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới.
TP.HCM: Đề xuất tăng hình phạt đối với tín dụng đen
Từ ngày 15/4/2019 đến ngày 14/4/2022, toàn TP.HCM đã tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc có liên quan đến tín dụng đen (trong đó khởi tố 112 vụ, 268 bị can).
UBND TP.HCM đề xuất Bộ Công an kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của điều 201 Bộ luật hình sự theo hướng tăng hình phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng, vốn là hành vi gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
UBND TP.HCM đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục hỗ trợ Công an TP.HCM trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (nhất là công tác phối hợp, trao đổi thông tin tình hình hoạt động, di biến động của các băng nhóm, đối tượng lưu động từ các tỉnh, thành khác vào TP để hoạt động và trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cho vay trực tuyến)...
Giá vàng hôm nay 5/6: Giảm nhẹ sau nhiều tuần tăng liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM niêm yết ở mức 68,75 triệu đồng/lượng (mua vào) - 69,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại SJC Hà Nội, mua vào ở mức 68,75 triệu đồng/lượng, bán ra tại mức 69,67 triệu đồng/lượng.
Tại hệ thống cửa hàng Doji TP.HCM: giá mua vào là 68,7 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 69,6 triệu đồng/lượng. Doji Hà Nội, mua vào 68,7 triệu đồng/lượng, bán ra 69,65 triệu đồng/lượng
Vàng vẫn được báo là kênh đầu tư an toàn khi lạm phát thế giới lên cao. Các nhà phân tích dự báo giá vàng có thể chịu sức ép khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất khiến đồng USD mạnh lên, với chỉ số USD tháng trước ở mức cao kỷ lục 20 năm.
6.000 người khắp cả nước bị thanh niên 27 tuổi lừa 'làm cộng tác viên tại nhà', chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng
Ngày 4/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lạng Giang ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Tình (27 tuổi, ở xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, Tình đã lừa khoảng 6.000 người khắp cả nước, chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng.
Kết quả điều tra cho biết, khoảng tháng 6/2021, Tình mở một tài khoản tại Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm để gửi và nhận hàng. Sau đó, đối tượng nhập các nguyên liệu gia công với giá rẻ về nhà mở xưởng và đăng bài trên các trang mạng xã hội để lừa các cộng tác viên tham gia rồi chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của Tình là sử dụng các tài khoản Facebook khác nhau để đăng bài quảng cáo tìm cộng tác viên làm việc tại nhà với mức thu nhập hấp dẫn, chỉ cần trả trước 450.000 đồng/đơn hàng (tiền nguyên liệu), sau khi hoàn thiện Tình sẽ mua lại thành phẩm với giá 1,4 triệu đồng/đơn hàng.
Tuy nhiên, sau khi cộng tác viên hoàn thiện sản phẩm, liên lạc lại để bán thành phẩm thì Tình lấy lý do dịch bệnh COVID-19, hàng lỗi hoặc chặn liên lạc.
Hiện Công an huyện Lạng Giang đang mở rộng điều tra vụ án, đề nghị ai là bị hại của Tình liên hệ với Công an huyện Lạng Giang theo số điện thoại 0984225793.
TP.HCM: Triệt phá đường dây khai thác cát lậu lớn trên biển Cần Giờ
Ngày 4/6, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phối hợp Thủy đoàn II triệt phá đường dây khai thác cát lậu lớn tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ, tang vật thu giữ khi bắt quả tang là gần 7.500 m3 cát.
Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Trương Văn Chinh (37 tuổi), Trương Văn Thắng (37 tuổi), Vũ Ngọc Đại (46 tuổi, cùng quê Hải Dương) cùng về tội "Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên". Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND TP.HCM phê chuẩn.
Trước đó, khoảng khuya ngày 5/5, Thủy đoàn II - Cục CSGT (C08), Bộ Công an làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực Cồn Ngựa, thuộc thủy phận H.Cần Giờ, phát hiện 15 sà lan với 64 thuyền viên, trong đó có 12 sà lan đang lắp thiết bị khai thác cát trái phép và 3 sà lan chờ vận chuyển cát khai thác được đem đi tiêu thụ.
Lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản, tạm giữ 15 phương tiện. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 11/15 sà lan có chứa cát, tổng khối lượng là gần 7.500 m3 cát.
Hiện Công an TP.HCM đang phối hợp Thủy đoàn II - Cục CSGT (C08), Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
TIN THẾ GIỚI
EU tìm cách tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng
Ngày 4/6, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các quốc gia thành viên trong khối sẽ được phép sử dụng tiền từ quỹ phục hồi của EU - vốn được thiết lập để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19 - để nâng cao năng lực nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Nga đã đối mặt với 6 gói trừng phạt của EU, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có dầu mỏ, và với mức độ ngày càng gia tăng nhằm gây sức ép với Moskva. Các lệnh trừng phạt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, các nước EU cũng thiệt hại hàng chục tỷ USD do áp đặt các biện pháp cấm vận Nga.
Ba lựa chọn của Nga sau khi bị EU cấm 90% dầu
Theo công ty trí tuệ nhân tạo hàng hải Windward, kể từ đầu cuộc chiến Nga-Ukraine, đã có 180 lần thay đổi quyền sở hữu tàu thuyền từ các thực thể Nga sang các tàu không thuộc Nga.
Windwards cho biết những thay đổi được ghi nhận chỉ trong ba tháng đã tương đương hơn một nửa số lần thay đổi quyền sở hữu đối với các tàu của Nga trong cả năm 2021. Nhiều tàu của Nga đã được bán cho các công ty có trụ sở tại Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Na Uy. Nga có thể tiếp tục bán và vận chuyển dầu trên các con tàu được chuyển đổi quyền sở hữu này nhằm tránh bị trừng phạt.
Lý do châu Phi vẫn tăng cường quan hệ với Nga bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây
Nhiều nước châu Phi vẫn mua vũ khí từ Nga và một số nước coi Moskva từng đóng vai trò trong cuộc đấu tranh giành độc lập của họ, trong khi các lệnh trừng phạt từ phương Tây không phải là của Liên hợp quốc.
Nhiều quốc gia trên khắp châu Phi đang ký kết các thỏa thuận với Nga. Vì một lý do đơn giản là Nga, cũng như Trung Quốc, không can thiệp vào công việc nội bộ của họ, đồng thời coi họ như những đối tác bình đẳng và có chủ quyền.
Ukraine bắt đầu giai đoạn tái thiết đầu tiên sau xung đột
Thủ tướng Ukraine ngày 3/6 cho biết nước này đã bắt đầu triển khai giai đoạn tái thiết đầu tiên sau xung đột.
Theo đó, ở giai đoạn phục hồi đầu tiên, giới chức Ukraine sẽ đánh giá những thiệt hại do xung đột gây ra, chuẩn bị tài liệu kỹ thuật cho các dự án tái thiết và tiến hành sửa chữa các cơ sở quan trọng. Nhiệm vụ của chính phủ là khôi phục hầu hết các cơ sở trọng yếu bị hư hỏng vào mùa Thu tới.
Ấn Độ lần đầu cấp phép tiêm kết hợp vaccine ngừa COVID-19 làm mũi tăng cường
Ấn Độ đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Biological E làm mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm liều cơ bản bằng các vaccine khác. Đây là lần đầu nước này cho phép tiêm kết hợp vaccine làm mũi tăng cường.
Ấn Độ, quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ ba trên thế giới, đã thực hiện hơn 1,87 tỷ mũi tiêm trong nỗ lực tiêm 2 mũi vaccine cho những người từ 12 tuổi trở lên.
* Nội dung được phát sóng trong “Nhịp Sống Sài Gòn” kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz
Tổng đài giao thông: 028.3822.1188
Fanpage: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/