Mã QR của hộ chiếu vaccine có thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ Y tế ký số xác nhận. Khi mã hết hạn, người dân sẽ được thông báo và tự động khởi tạo mã QR mới để sử dụng. Đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Hiện Việt Nam đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 19 nước, trong đó có nhiều quốc gia có số lượt người Việt xuất - nhập cảnh ở mức cao như Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc.
Theo Bộ Y tế, những người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được ký số xác nhận "Hộ chiếu vaccine" mà không phải làm thủ tục gì thêm.
Người dân có thể xem, kiểm tra "Hộ chiếu vaccine" trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.
Lịch trực tiếp SEA Games 31 ngày 7/5: U23 Thái Lan - U23 Malaysia
Hôm nay 7/5, bảng B môn bóng đá nam SEA Games 31 sẽ mở màn với 2 trận U23 Singapore - U23 Lào lúc 16h và U23 Thái Lan gặp U23 Malaysia lúc 19h.
Cả hai trận đều được trực tiếp trên VTV6, FPT Play và On Football. Ở trận đấu lúc 16h, U23 Singapore được đánh giá cao hơn U23 Lào. Nhiều khả năng U23 Singapore sẽ có chiến thắng đậm.
Ở cuộc đọ sức còn lại, U23 Thái Lan nhỉnh hơn U23 Malaysia - đội bóng không sử dụng cầu thủ quá tuổi tại SEA Games lần này. Tuy nhiên, U23 Thái Lan được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn vì quá trình chuẩn bị chưa thực sự thuận lợi.
Ở chiều ngược lại, U23 Malaysia dù không sở hữu dàn cầu thủ quá nổi bật nhưng thầy trò HLV Brad Maloney có sự chuẩn bị khá tốt, cộng với quyết tâm cao độ và sẵn sàng tạo ra bất ngờ trong ngày mở màn bảng B.
Hà Nội mở lại phố đi bộ Trịnh Công Sơn
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội) sẽ hoạt động trở lại từ chiều tối nay 7-5 với sự kiện mở màn là chương trình nghệ thuật "Có những con đường" với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng. Công chúng cũng sẽ được trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật trên đường phố như ca trù, nhạc trẻ, nhảy hiện đại...
Trước đó, quận Tây Hồ tạm đóng cửa tuyến phố đi bộ này để phòng chống dịch COVID-19. Trong thời gian tạm đóng cửa, quận đã sửa sang, nâng cấp nhiều hạng mục để phục vụ người dân tốt nhất trong ngày mở cửa trở lại.
Nhà nước góp 18,1% vốn đầu tư dự án BOT sân bay Sa Pa giai đoạn 1
Trong tổng vốn đầu tư dự án BOT sân bay Sa Pa giai đoạn 1 khoảng 3.651 tỉ đồng, Nhà nước tham gia góp vốn khoảng 661 tỉ đồng, tương đương khoảng 18,1% tổng vốn đầu tư. Khoảng 2.990 tỉ đồng còn lại là vốn tự có, vốn vay của nhà đầu tư BOT, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Cũng theo bộ này, sân bay Sa Pa sẽ được xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, công suất 1,5 triệu hành khách/năm. Thời gian nhà đầu tư BOT vận hành khai thác sân bay để hoàn vốn đầu tư là 46 năm 2 tháng.
Hiện có 2 nhà đầu tư quan tâm dự án, dự kiến trong quý 3 năm nay sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Hải Dương: vải thiều đầu vụ bán được 180.000 đồng/kg
Hôm qua 6-5, một số người dân ở xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bán vải u trứng trắng sớm với giá 180.000 đồng/kg, tăng 60.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Loại vải này được thu hoạch sớm nhất ở Thanh Hà, có vị thơm, ngon, ngọt. Do áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiệu quả nên vải u trứng trắng dày cùi hơn những loại vải khác và được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Năm 2022, huyện Thanh Hà trồng khoảng 3.300ha vải, trong đó có 1.600ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ.
Huyện đang duy trì 35 vùng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, 51ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2022, huyện tiếp tục mở rộng 30ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 50ha theo tiêu chuẩn Global GAP phục vụ xuất khẩu.
Năm nay, sản lượng vải thiều Thanh Hà dự kiến đạt khoảng 40.000 tấn (vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 15.000 tấn), tương đương vụ vải năm 2021.
Vải u trứng trắng dự kiến thu hoạch từ ngày 10 đến 25-5, vải u trứng gai từ ngày 18 đến 30-5, vải nhỡ từ ngày 25-5 đến 10-6, vải tàu lai từ ngày 1 đến 10-6, vải thiều chính vụ từ ngày 10-6 đến 5-7.
TP.HCM: Cảnh sát giao thông xử lý hơn 300 xe máy có dấu hiệu 'độ chế'
Hàng trăm thanh thiếu niên tham gia hội South Vietnam Scooter Team (tạm dịch: Đội tuyển xe tay ga Việt Nam) đang họp mặt giao lưu thì bị CSGT TP.HCM ngăn chặn, xử lý.
Đến 20h ngày 6-5, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đang phối hợp với Công an TP Thủ Đức lập hồ sơ, chuyển hơn 300 xe máy tay ga có dấu hiệu "độ" về trụ sở trên đường Đồng Văn Cống để xác minh, xử lý.
Theo PC08, nhóm này có tên là "South Vietnam Scooter Team" (tạm dịch: Đội tuyển xe tay ga Việt Nam). Nhóm này trên mạng xã hội, thường xuyên trao đổi, tổ chức các gặp gỡ để trao đổi đam mê, sở thích "độ" xe, tốc độ.
Chiều cùng ngày, PC08 phát hiện nhóm này tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu về chơi xe tay ga "độ" tại một quán nằm trong hẻm 188 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức nên phối hợp Công an TP Thủ Đức tiến hành kiểm tra hành chính.
Có hơn 300 xe dựng gần hết con hẻm 188.
Trong quán có nhiều xe đang được trưng bày cho các thành viên nhóm xem. Lực lượng chức năng phong tỏa quán và yêu cầu các thanh thiếu niên ngồi tại chỗ, hơn 300 xe tay ga được CSGT vận chuyển về trụ sở để lập hồ sơ, xử lý.
TIN THẾ GIỚI:
Tỷ lệ lạm phát tại Lào tiếp tục lập đỉnh mới
Tổng cục Thống kê Lào cho biết tỷ lệ lạm phát trong tháng 4/2022 của nước này tiếp tục lập đỉnh mới, lên tới 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lạm phát cao nhất từng được ghi nhận tại Lào trong 5 năm qua, sau khi chỉ số này đạt 10% vào tháng 1/2016.
Các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tại nước này tăng liên tục trong thời gian gần đây là do sự tăng giá của nhiên liệu và các mặt hàng nhập khẩu khác. Giá dầu toàn cầu tăng do xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề đến các nước nhập khẩu nhiên liệu và khiến giá nhiên liệu nội địa ở Lào tăng tới 86%.
Dấu hiệu tích cực trong đàm phán bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19
Ngày 6/5, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông báo cuộc họp đầu tiên của cơ quan này với nội dung thảo luận về dự thảo thỏa thuận liên quan việc tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 đã diễn ra "rất tốt đẹp".
WTO tin rằng có thể có giải pháp thỏa hiệp hợp lý, theo đó cho phép các nước đang phát triển tiếp cận nhiều hơn với chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19, trong khi vẫn bảo vệ sự đổi mới và nỗ lực nghiên cứu. Tuy nhiên, một số quốc gia EU, những nước phát triển, lại cho rằng điều này sẽ không khuyến khích sự đổi mới và có thể thực hiện các biện pháp khác nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vaccine.
Australia thử nghiệm tiêm mũi tăng cường phòng COVID-19 liều thấp
Cuộc thử nghiệm này nhằm củng cố hệ miễn dịch, giúp giảm các tác dụng phụ và đảm bảo nguồn cung vaccine dồi dào.
Chương trình này sẽ tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech với liều lượng 15 microgram, giảm một nửa so với liều lượng ban đầu là 30 microgram. Đối với vaccine của hãng Moderna, liều lượng sẽ là 20 microgram thay vì 50 microgram. Sau khi tiêm chủng, những tình nguyện viên buộc phải thực hiện xét nghiệm máu 4 lần nhằm đánh giá mức độ kháng thể. Toàn bộ kết quả xét nghiệm sẽ được đăng tải trên hệ thống theo dõi trực tuyến trong 7 ngày và những người tham gia sẽ nhận được các cuộc gọi để tư vấn về các phản ứng phụ mà họ gặp phải.
EU tìm kiếm đồng thuận trong việc cấm vận dầu của Nga
EU đã đề xuất một lệnh cấm vận theo giai đoạn đối với dầu mỏ của Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Tuy nhiên, mạng lưới phân phối phức tạp của châu Âu cùng nhiều thách thức khác có thể khiến lệnh cấm vận này khó có thể triển khai. Nếu được nhất trí, lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực sau 6 tháng và sau 8 tháng đối với dầu diesel cũng như các sản phẩm dầu mỏ khác.
Hiện các nước thành viên EU vẫn đang bất đồng quan điểm về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Ủy ban châu Âu (EC) đang đề xuất những điều chỉnh trong lệnh cấm vận dầu của Nga nhằm có được sự đồng tình của Hungary, Slovakia và CH Séc.
Nguy cơ Phần Lan bị Nga cắt khí đốt vì quyết định gia nhập NATO
Ngày 5/5, Phần Lan đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng nước này có thể bị Nga cắt khí đốt trong bối cảnh sắp đưa ra quyết định có xin gia nhập NATO hay không trong vài tuần tới.
Phần Lan nhận tới 70% lượng khí đốt mà họ sử dụng từ Nga, mặc dù khí đốt không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể năng lượng nhập khẩu. Với nguy cơ bị cắt khí đốt của Nga, Phần Lan đã và đang chuẩn bị sử dụng các nguồn năng lượng thay thế khác. Tháng trước, Ủy ban về Chính sách Kinh tế của Chính phủ Phần Lan đã khuyến nghị thuê một tàu khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn với sự hợp tác của Estonia.