TIN TRONG NƯỚC
TPHCM: Hơn 1 triệu trẻ mầm non, tiểu học trở lại trường
Đến ngày 12/2, hầu hết các trường mầm non, tiểu học, THCS ở TP.HCM đã tổ chức họp phụ huynh, đồng thời tiến hành khử khuẩn lần cuối trước khi chính thức đón hơn 1 triệu học sinh 3 - 11 tuổi trở lại trường.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện tất cả các trường mầm non, tiểu học đều có phân luồng học sinh ở các cổng ra vào, bố trí giờ vào lớp, giờ ra về lệch ca để tránh ùn tắc, tụ tập đông người trong cùng một thời điểm.
Thậm chí, nhiều trường còn tổ chức gặp gỡ, tập trung học sinh để rèn cho các em kỹ năng thực hiện quy định 5K, hướng di chuyển từ cổng trường lên lớp học, khu vực đi vệ sinh…
Ngày 12/2, khảo sát sơ bộ của phóng viên Tuổi Trẻ ở nhiều trường tiểu học tại TP.HCM cho thấy tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho trẻ đi học lại ở mức cao, trên 90%.
Vũng Tàu: Thu hồi 28ha mặt bằng Bãi Sau
UBND TP Vũng Tàu sẽ thu hồi mặt bằng của hạ tầng bãi tắm ở Bãi Sau để 'làm sạch' bãi tắm này. Trước đó, theo kết luận thanh tra, việc quản lý, sử dụng hạ tầng ở đây có nhiều sai phạm với số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Năm 2018, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký quyết định thu hồi gần 400 tỉ đồng của 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Bãi Sau, TP Vũng Tàu.
Theo kết quả thanh tra, việc quản lý, sử dụng đất, hạ tầng, quy hoạch tại bãi tắm Thùy Vân (Bãi Sau, TP Vũng Tàu) xảy ra nhiều sai phạm trong một thời gian dài.
Cụ thể, năm 1996, Công ty Đầu tư xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lúc đó là doanh nghiệp thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là Công ty cổ phần bất động sản và đầu tư VRC, vốn nhà nước 0%) được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao 3.000m2 bờ biển để đầu tư cải tạo, nâng cấp xây dựng bãi tắm Thùy Vân hết hơn 122 tỉ đồng.
Tiền đầu tư do ngân sách nhà nước bỏ ra. Sau khi đầu tư xong, công ty này đã cho 8 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch thuê hạ tầng, thuê đất kinh doanh.
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, cả chủ đầu tư và các doanh nghiệp chưa nộp đầy đủ tiền thuê đất với tổng số tiền hơn 320 tỉ đồng (đến ngày 31-12-2017).
Cáp treo Núi Sam khánh thành sau gần 6 năm vận hành thử nghiệm
Chiều tối 12/2, Công ty cổ phần MGA Việt Nam phối hợp UBND TP Châu Đốc, An Giang tổ chức lễ khánh thành hệ thống cáp treo Núi Sam sau gần 6 năm đầu tư xây dựng và vận hành thử nghiệm.
Cáp treo Núi Sam có tổng chiều dài 900m, với 37 cabin, có sức chứa 8 người/cabin, được vận hành liên tục 24/24 giờ, để đáp ứng nhu cầu du khách đến tham quan, cúng viếng tại khu du lịch quốc gia Núi Sam.
Đây là hệ thống cáp treo hiện đại, được nhà cung cấp cáp treo hàng đầu thế giới là Công ty Doppel Mayr (Cộng hòa Áo) lắp đặt. Việc đưa vào sử dụng hệ thống cáp treo này không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển lên đỉnh núi Sam để ngắm toàn cảnh khu du lịch quốc gia Núi Sam và TP Châu Đốc, mà còn góp phần giảm tình trạng quá tải du khách tại đây.
Giá hoa hồng tăng 4-7 lần, khu vui chơi tăng giờ mở cửa dịp Lễ tình nhân
Nguồn cung ở mức thấp so với nhu cầu nên giá hoa tại TP.HCM đã tăng mạnh dịp Lễ tình nhân 14-2, trong đó hoa hồng tăng tới 4-7 lần so với ngày thường. Nhiều khu vui chơi cho biết sẽ tăng giờ phục vụ, đồng thời miễn, giảm giá vé dịp này.
Cụ thể, các mẫu hoa có sẵn được bán ở mức 300.000 - 700.000 đồng/sản phẩm tùy loại, trong đó phần lớn là hoa hồng đỏ. Trường hợp bán lẻ sẽ ở mức 15.000 - 20.000 đồng/hoa hồng tùy màu, và 20.000 đồng/hoa hướng dương.
Trong khi đó, để hỗ trợ du khách vào dịp lễ này, nhiều điểm vui chơi cho biết sẽ tăng giờ hoạt động, và áp dụng các ưu đãi. Cụ thể, công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11) cho biết đơn vị sẽ tăng giờ hoạt động với khung giờ áp dụng từ 8h đến 21h và giảm 50% giá vé cổng cho khách mặc áo cặp ngày 13-2.
Đại diện khu du lịch văn hóa Suối Tiên (TP Thủ Đức) cho biết sẽ miễn phí vé cổng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và trẻ em, giảm 50% giá vé combo trò chơi vào dịp Lễ tình nhân.
Bắc Bộ tiếp tục rét, vùng núi cao khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết
Dự báo ngày 13-2, đồng bằng Bắc Bộ có nơi rét đậm, vùng núi và trung du nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C, vùng núi 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 6 độ C và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết.
Để phòng ngừa mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín... Người cao tuổi tránh từ trong nhà ấm ra ngoài lạnh đột ngột vì sẽ gây thay đổi về huyết áp, dẫn đến nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
Người dân miền núi hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm. Bên cạnh đó, người dân cần che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, nhất là ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao.
TIN THẾ GIỚI
Ngày thứ ba liên tiếp, số ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc vượt quá 50.000
Tính đến sáng 13/2, thế giới ghi nhận hơn 410 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 5,8 triệu trường hợp tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 79,228 triệu ca mắc, trong đó 942.006 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 42,586 triệu ca mắc, trong đó 508.012 ca tử vong, Brazil ghi nhận hơn 27,291 triệu ca mắc, trong đó 637.232 ca tử vong.
Tại khu vực châu Á, Hàn Quốc thông báo ghi nhận 54.941 ca nhiễm mới và 33 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 1.294.205 ca và 7.045 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc vượt quá 50.000 ca. Nguyên nhân được cho là do sự lây lan mạnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Ngày 12/2, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 1.514 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong vì COVID-19. Giới chuyên gia thuộc Đại học Hong Kong dự báo, số ca nhiễm mới có thể lên đến hàng chục nghìn người mỗi ngày trong vài tuần tới, gây rủi ro lớn cho những người cao tuổi mà nhiều người trong số đó chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trước sự lây lan mạnh của dịch bệnh, giới chức Hong Kong ngày 12/2 đã đến thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) để thảo luận các biện pháp hỗ trợ với các quan chức Trung Quốc đại lục. Đến nay, Hong Kong ghi nhận tổng cộng hơn 20.000 ca bệnh, trong đó hơn 200 người tử vong.
Thái Lan thông báo ghi nhận thêm 16.330 ca mắc mới cùng 25 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.577.445 ca, trong đó có 22.412 người không qua khỏi. Bất chấp tình hình các ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) hôm 11/2 đã không thay đổi việc phân loại các tỉnh dựa trên mức độ nghiêm trọng của dịch và giữ nguyên các biện pháp phòng chống dịch hiện nay.
Trung Quốc siết chặt gia hạn hộ chiếu du lịch
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh quốc gia Trung Quốc cho biết, sẽ không gia hạn hộ chiếu cho những trường hợp di chuyển không thiết yếu.
Theo cơ quan Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh quốc gia Trung Quốc, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng, hộ chiếu chỉ được cấp cho các cá nhân cần ra nước ngoài để du học, làm việc và kinh doanh.
Trước đó, Trung Quốc đã tạm dừng cấp mới hộ chiếu phổ thông cho các cá nhân đi nước ngoài vì những lý do không khẩn cấp.
Dù nhiều quốc gia đã từ bỏ chiến lược Zero-COVID, Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách này. Trung Quốc chủ trương thắt chặt kiểm soát qua lại biên giới nhằm hạ thấp nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ nước ngoài vào.
Giá dầu tăng mạnh đầu năm báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu
Giá tăng do sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn mở cửa, điều chỉnh các hoạt động từ xã hội đến kinh tế theo hướng thích ứng và sống chung với COVID-19.
Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 55% - mức tăng lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại trong hơn một thập kỷ, trong khi giá dầu Brent tăng 50% - mức tăng lớn nhất trong nửa thập kỷ.
Giá dầu chạm mức tăng giá hàng năm lớn nhất kể từ năm 2009 khi việc triển khai vaccine COVID-19 nhanh chóng trên toàn thế giới, đã kích thích sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế, thúc đẩy tiêu thụ, trong khi sản lượng dầu vẫn hạn chế sau đại dịch.
Hiện tượng nhu cầu nhiên liệu và giá dầu tăng cao đang khiến chính các nhà sản xuất dầu lửa lớn cũng bất ngờ. Các hoạt động kinh tế, xã hội khôi phục trở lại sau đại dịch mạnh mẽ đến nỗi lấn át nguồn cung dầu lửa, kéo theo tình trạng khan hiếm nhiên liệu. Nhiều quốc gia OPEC+ đã phải chật vật để tăng thêm sản lượng, trong khi ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ phải đối phó với các yêu cầu của nhà đầu tư để giữ chi phí ở mức giới hạn.
Dù có những yếu tố cản trở, song với bước phục hồi trong năm 2021, kinh tế thế giới đang có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng quay lại quỹ đạo ổn định như trước đại dịch. Nhu cầu năng lượng tăng cao báo hiệu một bức tranh kinh tế hồi sinh năm 2022 này. Cái khó là cân đối cung cầu để kiềm chế giá ổn định, tránh sức ép lên mặt bằng giá cả.
Tranh tường khổng lồ bao phủ hàng trăm ngôi nhà tại Peru
Bức tranh tường khổng lồ là tác phẩm nghệ thuật vừa được ra mắt, mang thông điệp lan tỏa niềm vui tại thủ đô Lima của Peru.
Các nghệ sĩ mất 9 tháng để vẽ lên hàng trăm ngôi nhà ở ngọn đồi trong thành phố. Bức tranh chỉ có thể được quan sát trọn vẹn bằng cách nhìn từ khoảng cách xa hoặc nhìn từ trên cao xuống. Đây là khu vực dân cư thu nhập thấp và phức tạp của thành phố Lima.
Dự án tranh tường "Cầu vồng" giúp trang hoàng lại không gian các con phố và nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng. Giới chức địa phương cũng hy vọng tác phẩm tranh tường khổng lồ có thể trở thành địa điểm mới, thu hút du khách tới thăm thành phố.
Khám phá ngôi nhà lộn ngược ở Colombia
Trong bộ dạng như vừa bị thổi bay, ngôi nhà bị đảo ngược cả bên ngoài lẫn bên trong. Ô tô, khu vực phòng khách hay bếp với toàn bộ nội thất nằm ngược, dường như bất chấp trọng lực. Phần mái nhà sát dưới mặt đất, sàn nhà thì lại trở thành phần che nắng che mưa.
Ngôi nhà có thiết kế đặc biệt ở thành phố Guatavita của Colombia đang thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách. Đến với ngôi nhà này, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và có chút ngỡ ngàng khi bên trong, mọi thứ không tuân theo những nguyên tắc thông thường. Khách du lịch sẽ có cảm giác như đang đi bộ trên trần nhà và đồ nội thất thì lơ lửng phía trên đầu họ. Chính vì sự sắp xếp ngược đời của các vật dụng trong ngôi nhà mà nhiều người thậm chí cảm thấy "hoa mắt chóng mặt".
Ngôi nhà do chính chủ sở hữu là một người Áo, ông Fritz Schall thiết kế. Cảm hứng xây ngôi nhà đến từ một chuyến đi trở về quê hương của ông cùng các cháu của mình vào năm 2015 và đã nhìn thấy một ngôi nhà tương tự. Sau chuỗi ngày dài mệt mỏi vì đại dịch và những biện pháp hạn chế, công trình lộn ngược này được kỳ vọng mang lại một sự nhẹ nhõm và thư giãn trong những ngày đầu năm mới.