Tin nóng trưa 13/3: Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma

(VOH) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã dâng hương tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa)

TIN TRONG NƯỚC

Hà Nội có tổng số ca COVID-19 cao nhất nước, số tử vong tiếp tục giảm

Tính đến nay, Hà Nội ghi nhận xấp xỉ 780.000 ca mắc, TP.HCM trên 566.500 ca, kế đến là Bình Dương 336.200 ca, Bắc Ninh trên 217.700 ca và Nghệ An gần 206.000 ca.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện còn trên 2 triệu F0 đang điều trị, nhưng trong số này chỉ có dưới 4.000 người chuyển nặng, số chuyển nặng như vậy đã giảm nhẹ so với tuần trước. 

Đáng chú ý số ca tử vong cũng tiếp tục giảm, ngày 12-3 có 62 bệnh nhân tử vong, trong khi trung bình tuần vừa qua ghi nhận 81 ca tử vong/ngày, còn tuần trước đó là 87 ca/ngày.

Tỉ lệ tử vong/tổng số mắc nhờ vậy đã tiếp tục giảm, xuống mốc 0,7%, trong khi cao điểm tỉ lệ này là 2,2%, thời điểm tháng 2 ở mức 1%. Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục theo dõi số ca tử vong, số chuyển nặng và đây là những căn cứ quan trọng khi có thể đánh giá COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa.

Tin nóng trưa 13/3: TPHCM có chỉ số tia cực tím gây hại cao nhất cả nước 1
Ảnh minh họa

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma

Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa, chiều 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại huyện Cam Lâm; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và thăm, tặng quà các lực lượng thuộc Vùng 4 Hải quân nhân dân Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động viết trong sổ lưu niệm khu tưởng niệm: Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động viết trong sổ lưu niệm khu tưởng niệm: Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: VGP

Tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), sau khi dâng hương tại tượng đài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên trong đoàn công tác Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã dâng hương tại khu mộ gió của 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. 

Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng, quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là những tấm gương chói sáng minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.

H'Hen Niê đạp xe khởi động chiến dịch 'Giờ Trái đất 2022'

Sáng 13/3, hoa hậu H'Hen Niê và gần 500 tình nguyện viên tham gia hoạt động 'Đạp xe khởi động chiến dịch Giờ Trái đất 2022', tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM.

Chiến dịch Giờ Trái đất 2022 do Thành đoàn TPHCM, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức nhằm kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cũng chính là bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.

Đạp xe khởi động chiến dịch Giờ Trái đất 2022 là hoạt động khởi đầu cho chiến dịch Giờ Trái đất năm nay, sau 2 năm chuyển đổi sang hoạt động online vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê đồng hành cùng chiến dịch Giờ Trái đất 2022 với vai trò đại sứ. 

Tin nóng trưa 13/3: TPHCM có chỉ số tia cực tím gây hại cao nhất cả nước 2
Chụp hình kỷ niệm với đại sứ chiến dịch giờ trái đất năm 2022 là Hoa hậu H'Hen Niê

Giá xăng 'leo thang', hàng ngàn tàu cá phải nằm bờ

Hàng ngàn tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung phải nằm bờ do giá xăng dầu tăng quá cao. Nhiều ngư dân cho biết chi phí nhiên liệu, tiền nhân công cao mà tiếp tục đánh bắt sẽ lỗ nặng.

Thanh Hóa: 1.200 tàu cá nằm bờ: Hiện nay, tại 6 huyện, thị, thành phố ven biển của Thanh Hóa có gần 7.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ và gần bờ. Do xăng dầu tăng giá, đến nay tỉnh này có 1.200 tàu cá nằm bờ, trong đó có 555 tàu lớn đánh bắt xa bờ.

Ngư Lộc là xã ven biển huyện Hậu Lộc, có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, với 325 tàu, trong có 160 tàu khai thác hải sản xa bờ. 

Tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, nhiều chủ tàu cá neo tàu không ra khơi vì lo sợ thua lỗ: Ngày 12/3, các cảng cá tại Quảng Nam và Quảng Ngãi khá vắng vẻ dù đây là thời gian đánh bắt chính vụ. Các ngư dân cho biết phải neo tàu nằm bờ vì giá dầu diesel tăng hơn 25.000 đồng/lít (gấp đôi so với năm ngoái) nên càng ra khơi càng lỗ.

Tại cảng cá Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), một hàng dài tàu cá xếp hàng dọc cảng. Không khí rất vắng vẻ, chỉ vài tàu nhỏ đánh bắt gần bờ hoạt động.

Hà Nội yêu cầu phân loại, cung cấp đầy đủ túi đựng rác tại gia đình có F0

Để đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình phân loại, vận chuyển chất thải nơi cách ly, F0 tại nhà, UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã lập phương án cụ thể thu gom, xử lý rác thải y tế phát sinh.

Ngày 12/3, UBND TP Hà Nội cho biết đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã lập phương án cụ thể để thu gom rác thải y tế phát sinh.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm ký hợp đồng hoặc giao bộ phận chuyên môn ký hợp đồng với đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép xử lý chất thải y tế nguy hại. Đồng thời chịu trách nhiệm rà soát cung cấp đầy đủ túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm theo đúng quy định cho các hộ gia đình cách ly, F0 (mắc COVID-19) điều trị tại nhà.

Đối với đơn giá thu gom rác thải y tế phát sinh tại các hộ gia đình, UBND TP Hà Nội cho biết tạm vận dụng theo đơn giá duy trì vệ sinh ngõ xóm bằng xe cơ giới kết hợp thủ công.

Tin nóng trưa 13/3: TPHCM có chỉ số tia cực tím gây hại cao nhất cả nước 3
Rác thải y tế (thu gom riêng), rác thải sinh hoạt cũng được thí điểm phân loại thành rác vô cơ và hữu cơ tại một khu chung cư ở quận Nam Từ Liêm

TPHCM có chỉ số tia cực tím gây hại cao nhất cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 3 ngày, từ 13 đến 15/3, tia cực tím tại các thành phố thuộc Bắc Bộ gây hại ở ngưỡng nguy cơ cao, các thành phố thuộc Trung Bộ và Nam Bộ ở ngưỡng rất cao.

Ngày 12/3, chỉ số tia cực tím ở thành phố Hà Nội gây hại ở mức trung bình; các thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hải Phòng, Cà Mau (tỉnh Cà Mau) ở mức gây hại cao; các thành phố Huế (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), TPHCM và Cần Thơ ở mức gây hại rất cao.

TPHCM có chỉ số tia cực tím cao nhất cả nước, từ 7.5 - 10 và gây hại rất cao từ 11h-14h.

Thang bảng đo chỉ số tia cực tím quy định, từ 3 - 6 là trung bình, từ 6 - 8 là cao, từ 8 - 10 là rất cao, gây bỏng trong thời gian 25 phút và từ 10.5 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.

TIN THẾ GIỚI

Thế giới có thêm 10 triệu ca mắc COVID-19 trong tuần qua

Tính đến sáng 13/3, thế giới ghi nhận 455,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 6,06 triệu trường hợp tử vong.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 164,3 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 124,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,6 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ trên 55,1 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,6 triệu ca và châu Đại Dương trên 4,1 triệu ca nhiễm.

Tin nóng trưa 13/3: 1
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul (Hàn Quốc), ngày 12/2/2022.

Tại các cuộc thảo luận kín tại Tổ chức Y tế Thế giới, các chuyên gia đang tập trung xem xét những điều kiện nào sẽ báo hiệu rằng tình trạng khẩn cấp y tế công cộng được tuyên bố cách đây hai năm sẽ kết thúc. Cuộc thảo luận đang dừng ở các điều kiện để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp và WHO hiện chưa xem xét đưa ra tuyên bố như vậy.

WHO vốn thận trọng khi đưa ra tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Cũng như tuyên bố tình trạng khẩn cấp, quyết định chấm dứt sẽ do Tổng giám đốc WHO đưa ra, sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia.

Người dân Mỹ chưa yên tâm khi dỡ bỏ quy định phòng dịch

Với hàng triệu người dân Mỹ vốn đã quen với việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, việc dỡ bỏ các quy định này giúp họ cảm thấy nhẹ nhõm nhưng kèm theo đó là sự thất vọng, bực bội và bất an.

Hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra: Liệu mình có nên tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Liệu mình có làm người khác không thoải mái khi đến siêu thị hay vào phòng tập gym. Liệu mình có nên tiếp tục giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm cho bạn bè và người thân dễ bị tổn thương?. Một số phụ huynh vui mừng vì cuối cùng con mình đã được đến trường mà không cần phải đeo khẩu trang trong khi nhiều phụ huynh khác lo lắng con họ còn quá nhỏ để có thể tiêm phòng và vì thế có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Cụ thể, chỉ có 6% người dân Mỹ cho rằng đại dịch đã được kiểm soát hoàn toàn, 27% nhận định rằng đại dịch đã gần như được kiểm soát. Trong khi đó có tới 49% cho rằng mới chỉ phần nào được kiểm soát, 15% cho rằng chưa kiểm soát được dịch bệnh.

Nhật Bản sẽ thay đổi tiêu chí đánh giá mức độ dịch COVID-19

Ủy ban chuyên gia phòng chống dịch COVID-19 của Nhật Bản đã thống nhất sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá mức độ dịch COVID-19, theo đó, hiện nay tiêu chí để dỡ bỏ việc áp dụng các biện pháp trọng điểm tại các địa phương là số ca mắc mới và áp lực đối với hệ thống y tế phải giảm xuống mức thấp đã không còn phù hợp. Do đó, ủy ban này đã quyết định, nếu số ca mắc mới và áp lực đối với hệ thống y tế vẫn cao, nhưng chỉ cần có xu hướng giảm, thì đã có thể dỡ bỏ áp dụng các biện pháp trọng điểm tại các địa phương, bình thường hóa các hoạt động kinh tế, xã hội.

Tin nóng trưa 13/3: 2
Người dân đeo khẩu trang đi bộ tại một khu vực chờ của ga xe lửa giữa đại dịch COVID-19 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/2/2022.

Cùng với việc thay đổi các tiêu chí đánh giá mức độ dịch COVID-19, Nhật Bản cũng triển khai những biện pháp linh hoạt đối phó với dịch bệnh, như quay trở lại cho phép sử dụng chứng nhận tiêm chủng và chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 để tham gia các sự kiện và hoạt động kinh tế, xã hội một cách bình thường, bên cạnh đó, các sự kiện có quy mô lớn sẽ được tổ chức mà không giới hạn số người tham dự với điều kiện sự kiện sẽ diễn ra trật tự và có kế hoạch phòng dịch chi tiết.

Trung Quốc hoạch định kế hoạch khám phá vũ trụ

Phát biểu với báo giới, người phụ trách chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc cho biết, nước này sẽ tiếp tục triển khai hoạt động thám hiểm không gian sâu và sứ mệnh khám phá sao Hỏa của họ sẽ được thực hiện với các sứ mệnh thám hiểm Thiên Vấn-2, Thiên Vấn-3 và Thiên Vấn-4.        

Sứ mệnh Thiên Vấn-1 được Trung Quốc triển khai vào ngày 23/7/2020, gồm một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu thám hiểm, đã đáp xuống sao Hỏa vào tháng 2/2021. Trong sứ mệnh này, tàu thám hiểm Chúc Dung đã di chuyển trên bề mặt sao Hỏa vào ngày 22/5/2021 và tiến hành khám phá "Hành tinh Đỏ".        

Theo ông Ngô Vĩ Nhân, nhiệm vụ chính trong các hoạt động tiếp theo sẽ là khám phá các tiểu hành tinh trong không gian sâu và đưa các mẫu vật lấy được từ các tiểu hành tinh về Trái Đất để phục vụ công tác nghiên cứu. Ngoài ra, nhà khoa học này cũng cho biết Trung Quốc còn đặt mục tiêu "thực hiện các cảnh báo sớm về các tiểu hành tinh có thể gây ra mối đe dọa cho con người và có thể va vào Trái Đất".

Nga và Ukraine đều sẵn sàng tiếp tục đàm phán

Mặc dù không đạt được tiến bộ về lệnh ngừng bắn sau cuộc gặp ngày 10/3 tại Thổ Nhĩ Kỳ, cả Nga và Ukraine đều bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đàm phán.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nhấn mạnh, ông sẵn sàng gặp lại Ngoại trưởng Nga Lavrov theo hình thức này nếu có triển vọng tìm kiếm các giải pháp cho tình hình hiện nay.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng bày tỏ, Nga sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Kiev theo hình thức các cuộc họp đã diễn ra ở Belarus. 

Trước đó tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận các nội dung chính như hành lang nhân đạo, lệnh ngừng bắn, an ninh hạt nhân và lập trường trung lập của Ukraine. Tuy nhiên, hai bên không nhất trí về vấn đề cụ thể nào.

Tin nóng trưa 13/3: 3
Ảnh minh họa

Khốc liệt cuộc chiến kinh tế Nga - phương Tây

Song hành các diễn biến căng thẳng quanh chiến sự khi Nga tiến quân vào Ukraine, các xung đột kinh tế giữa Moscow với phương Tây cũng đang ngày càng khốc liệt. 

CNN ngày 12/3 đưa tin tỉ phú Vladimir Potanin, tài phiệt giàu nhất nước Nga, khuyên Tổng thống nước này Vladimir Putin không nên quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài ngưng hoạt động tại Nga.

Theo đó, tỉ phú Potanin cho rằng việc quốc hữu hóa trên có thể khiến Nga rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn như đầu thế kỷ 20. Nhà tài phiệt này cảnh báo thêm: “Sự mất lòng tin trên toàn cầu về chính sách của Nga đối với nhà đầu tư nước ngoài”. Điều đó có thể khiến cho Nga mất rất nhiều năm để thay đổi.

Giải pháp quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài dừng hoạt động tại Nga được xem là đòn “ăn miếng trả miếng” mà Điện Kremlin tính đến sau khi nước này chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây do chiến dịch quân sựmà Moscow tiến hành nhằm vào Ukraine. Mỹ cùng Anh và nhiều nước, đặc biệt là EU, đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt, cấm vận không chỉ nhằm vào Moscow, mà còn áp dụng đối với hàng loạt nhà tài phiệt, quan chức, doanh nghiệp Nga.