TIN TRONG NƯỚC
Xăng dầu trở lại vị trí tâm điểm, giá cà phê nội địa tiến gần mốc kỷ lục
Kết thúc ngày giao dịch 18/8, các mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy những diễn biến tương đối trái chiều. Tuy nhiên, lực mua mạnh mẽ trên thị trường năng lượng đã giúp chỉ số MXV-Index tăng 0,48% lên mức 2.612,09 điểm.
Xăng dầu là những mặt hàng dẫn đầu đà tăng khi thị trường kỳ vọng vào sức tiêu thụ vẫn đang khá ổn định. Giá dầu WTI hiện đã lấy lại mốc 90 USD/thùng.
Giá dầu phục hồi trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi thị trường được hỗ trợ bởi số liệu tiêu thụ năng lượng tích cực từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Kết thúc phiên giao dịch 19/08, giá WTI tăng 2,74% lên 90,5 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 3,14% lên 96,59 USD/thùng.
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá đường thiết lập chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp do ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá xăng dầu của Petrobras tại Brazil.
Giá cà phê nội địa trong sáng ngày 19/8 cũng ghi nhận đà suy yếu nhẹ với mức giảm 100 đồng/kg. Hiện tại, giá đang dao động trong khoảng 47.800 – 48.300 đồng/kg tuỳ từng khu vực. Tuy nhiên, giá cà phê trong nước vẫn đang dao động quanh mức cao trong vòng 6 năm.
Chỉ số nóng bức tại Hà Nội và Hà Tĩnh tới mức nguy hiểm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 19/8, chỉ số nóng bức (Heat - Index) tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh đạt mức nguy hiểm (41-54), người dân dễ bị say nắng, kiệt sức vì nóng; sốc nhiệt có thể xảy ra nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Ngoài ra, chỉ số nóng bức tại một số tỉnh, thành phố đạt mức đặc biệt cẩn trọng (32-41) gồm: tỉnh Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). Ở mức nhiệt này, người dân có khả năng chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời hoặc hoạt động thể chất kéo dài. Với thông tin này, người lao động ngoài trời nên lưu ý và thực hiện các phương pháp bảo đảm sức khoẻ khi làm việc.
TIN THẾ GIỚI
Lạm phát tăng mạnh, Nhật Bản vẫn tiếp tục chương trình kích thích kinh tế khổng lồ
Ngày 19/8, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết trong tháng 7/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,2 điểm so với tháng trước và cao nhất kể từ tháng 12/2014. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Giá cả nhiều hàng hóa đồng loạt tăng, khiến lạm phát ở Nhật Bản tiép tục tăng, nhưng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế nước này.
Trung Quốc nhập khẩu vàng từ Thụy Sĩ nhiều nhất kể từ năm 2016
Theo mạng tin Bloomberg, là một trong những nước mua vàng thỏi hàng đầu thế giới, Trung Quốc đã nhập về hơn 80 tấn từ Thụy Sĩ vào tháng 7. Theo Cơ quan Hải quan Liên bang Thụy Sĩ, con số này cao hơn gấp đôi so với tháng trước và gấp 8 lần so với tháng 5. Dữ liệu chỉ ra rằng nhu cầu vàng của Trung Quốc đang tăng lên. Mặc dù động thái mua vàng của Trung Quốc hiếm khi đẩy giá vàng lên cao nhưng có thể là nơi để các nhà đầu tư phương Tây bán ra. Hiện tại, giá vàng ở Trung Quốc cũng đã cao hơn khoảng 7 USD so với giá quốc tế. Mức chênh này tương đối cao, sẽ thúc đẩy các ngân hàng trong nước nhập khẩu vàng miếng.
Giao thông, tin tức mỗi ngày cùng Nhịp Sống Sài Gòn trên tần số VOH Fm95.6Mhz
Tổng đài giao thông: 028.3822.1188
Fanpage liên hệ: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/