Tin nóng trưa 2022: Người không đeo khẩu trang, không khai báo y tế có thể bị phạt tới 3 triệu đồng

(VOH) - Nghị định 124 quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, bao gồm: đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác…

 

TIN TRONG NƯỚC

Thủ tướng: Không để giá thuốc tăng đột biến, phải đảm bảo người dân đón tết an toàn

Ngày 31/12, Thủ Tướng yêu giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Ngành y tế chủ động các phương án đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly và điều trị phù hợp ngay khi phát hiện ca bệnh; thần tốc hơn nữa về tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi và mũi thứ 3 vắc xin phòng Covid-19.

thuốc, covid-19
Molnupiravir, thuốc kháng virus được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để điều trị cho người trưởng thành mắc Covid-19 

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; có phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị (nhất là máy thở, oxy y tế) để tổ chức điều trị người bệnh Covid-19, cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ trong những ngày Tết…

Các cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19; Bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi đầu cơ, tích trữ, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành.

Xem thêm: Tin nóng sáng 1/1/2022: Dịch tại TPHCM vẫn ở cấp độ 2, nhiều quận huyện giảm cấp độ dịch

Người không đeo khẩu trang, không khai báo y tế có thể bị phạt tới 3 triệu đồng

Đây là nội dung được nêu tại Nghị định 124 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định quy định cụ thể hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, bao gồm: đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác.

Nếu vi phạm một trong các hành vi trên, người thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.

Ngoài ra, liên quan đến vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch, theo Nghị định 117/2020, người thực hiện một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng:

- Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;

- Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch;

- Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch;

- Thu tiền khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A...

Hành khách bay về từ các nước có Omicron sẽ phải test tại sân bay

Trong ngày 31/12, Cục Hàng không Việt Nam triển khai việc thu giá test nhanh Covid-19 tại các cảng hàng không Việt Nam, đối với hành khách nhập cảnh Việt Nam đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron. Yêu cầu hãng hàng không đưa chi phí test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 vào giá vé đối với hành khách vận chuyển đến các cảng hàng không quốc tế Việt Nam. Như vậy, hành khách nhập cảnh Việt Nam đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron sẽ phải test Covid-19 tại sân bay.

Liên quan đến 14 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, là hành khách trên 4 chuyến bay từ Mỹ và Hàn Quốc về Đà Nẵng từ ngày 21 – 24/12. Bộ Y tế đề nghị tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, các hãng Vietnam Airlines và Bamboo Airways tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan, phối hợp truy vết thần tốc. Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nguy cơ.

TPHCM: 5 bệnh nhân Covid-19 mắc biến thể Omicron đã âm tính

Sở Y tế TPHCM cho biết: "5 trường hợp nhập cảnh được lấy mẫu và giải trình tự gene tại Viện Pasteur có kết quả dương tính với biến chủng Omicron. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm lại ngày 31/12/2020 cả 5 trường hợp trên điều đã âm tính, sức khỏe các bệnh nhân bình thường".

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) thông báo danh sách hành khách tại các tỉnh (đi cùng các chuyến bay với các bệnh nhân) đến Viện Pasteur TPHCM để truy vết theo quy định.

TPHCM: Đón các chuyến bay quốc tế thường lệ từ 1/1/2022

Ngày 31/12, Bộ Giao thông Vận tải thông báo kế hoạch khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ (từ 5 quốc gia, vùng lãnh thổ) chở khách nhập cảnh TPHCM giai đoạn từ ngày 1 đến 9/1/2022, sẽ có chuyến bay đầu tiên ngay từ ngày 1/1.

Hiện tại, hành khách nhập cảnh phải thực hiện khai báo điện tử tại các ứng dụng PC-COVID và IGOVN theo quy định, bao gồm cả thông tin lưu trú sau nhập cảnh. Cục Hàng không đã hướng dẫn cho các hãng kiểm tra nhằm đảm bảo hành khách trước khi lên máy bay vào Việt Nam đã hoàn thành các yêu cầu phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. 

Từ 1/1/2022: Áp dụng mức phạt nặng với hàng loạt vi phạm giao thông

Khoản 11 Điều 2 của Nghị định 123 đã rút thời gian giấy phép lái xe ô tô hết hạn làm căn cứ tính mức xử phạt từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Đồng thời, tăng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng. Cụ thể, phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn dưới 3 tháng.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 10-12 triệu đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn từ 3 tháng trở lên. Nghị định cũng tăng mức phạt với hành vi điều khiển xe không có Giấy phép lái xe và hành vi che biển số xe ô tô, xe gắn máy.

Khoản 9 Điều 2 quy định người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng khi:

Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định, gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp…

Bên cạnh đó, từ 1/1, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể bị phạt tới 600.000 đồng.

Người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng nếu không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;

Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng được áp dụng với người điều khiển xe có hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc; Nhận, trả hàng trên đường cao tốc. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện các hành vi trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

Nghị định tăng mức phạt với hành vi bán, sản xuất biển số xe trái phép. Theo đó, cá nhân có hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị phạt từ 30-35 triệu. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi, từ 60-70 triệu đồng.

Khoản 19 Điều 2 Nghị định này cũng tăng mức phạt đối với hành vi đua xe trái phép. Cụ thể, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép. Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với người đua xe ô tô trái phép (trước đó mức phạt tiền với hành vi này chỉ từ 8-10 triệu đồng).

TIN THẾ GIỚI

WHO kỳ vọng chiến thắng Covid-19 trong năm 2022

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt trong năm 2022 khi thế giới đã có kiến thức và năng lực để chống dịch.

Nhà lãnh đạo WHO cho biết thế giới hiện nay đã có đủ hiểu biết về virus gây bệnh và những công cụ hiệu quả để chống dịch, từ khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh, xét nghiệm, cho đến vắc xin phòng ngừa và phương pháp điều trị.

Tuy nhiên, những công cụ này hiện đang không được phân phối công bằng trên thế giới. "Sự bất bình đẳng càng kéo dài, thì khả năng vi rút đột biến thành các biến thể mới mà chúng ta không thể ngăn chặn cũng như dự đoán được càng lớn, trói chúng ta vào vòng lặp mất mát, khó khăn và hạn chế", ông Tedros nhấn mạnh.

Để đạt được kỳ vọng chấm dứt đại dịch, ông Tedros đưa ra các giải pháp cho năm mới, bao gồm việc tất cả các quốc gia phải cùng nhau để tiêm ngừa Covid-19 cho 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.

Anh: Nguy cơ nhập viện của người mắc Omicron bằng 1/3 Delta

Phép so sánh của các nhà nghiên cứu Vương quốc Anh củng cố giả thuyết biến thể có hàng chục đột biến Omicron có độc lực nhẹ hơn Delta nhưng dễ lây hơn biến thể tiền nhiệm.

Nguy cơ nhập viện của người nhiễm biến thể Omicron là khoảng 1/3 so với biến thể Delta. Với người đã tiêm 2 liều và mắc Omicron, nguy cơ này thấp hơn 65% so với những người không được tiêm bất kỳ mũi vắc xin nào.

Tỉ lệ nhập viện thậm chí còn thấp hơn ở những người đã tiêm 3 liều. Theo đó, những người đã được tiêm liều nhắc lại có nguy cơ nhập viện thấp hơn 81% so với những người không được tiêm chủng.

Đối với biến thể Omicron, 3 liều vắc xin giúp giảm 88% nguy cơ nhập viện của người mắc có triệu chứng nhẹ so với người chưa tiêm.

Nước Anh đang trải qua một đợt gia tăng các trường hợp Covid-19 với số ca nhiễm hằng ngày là 189.846 ghi nhận đến hết ngày 31/12/2021. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới tại nước này trên 180.000, trùng với giai đoạn Omicron đang lấn lướt biến thể Delta.

Số lượng bệnh nhân cần thở máy vẫn duy trì ổn định trong suốt tháng 12/2021, không giống như những đợt cao điểm bùng phát dịch trước đó.

Philippines với nguy cơ tăng mạnh số ca mắc/ngày

Ngày 31/12/2021, giới chức Philippines cảnh báo nguy cơ tăng mạnh số ca mắc Covid-19 trong dịp nghỉ lễ mừng năm mới 2022 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á mới ghi nhận ngày có số ca mắc mới cao nhất trong 2 tháng qua.

Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận 2.961 ca mắc mới trong 24 giờ qua và tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã tăng lên 10,3%, gấp đôi mức 5% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đến nay, Philippines đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều trong các khu cách ly.

Tuy nhiên, do khả năng giải trình tự gene của nước này còn hạn chế nên Bộ trưởng Duque đã đưa ra lưu ý trên. Hiện Philippines đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia, với tổng số trên 2,84 triệu ca Covid-19, trong đó có 51.504 trường hợp tử vong.

Ở cấp độ báo động này, các hoạt động như đến trường học, các môn thể thao có tiếp xúc, sòng bài... sẽ bị cấm. Các lực lượng chống dịch của chính phủ sẽ giảm hoạt động của các sự kiện xã hội, các điểm du lịch, công viên giải trí, dịch vụ ăn uống tại chỗ, phòng tập gym, dịch vụ chăm sóc cá nhân, để hạn chế đi lại.

Ngoài ra, chính quyền cũng sẽ phong tỏa cục bộ một khu dân cư, tòa nhà hoặc con đường để ngăn dịch.

Israel nhận lô thuốc điều trị Covid-19 Paxlovid đầu tiên

Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận được loại thuốc có khả năng ngừa biến thể Omicron này. Lô hàng Paxlovid đầu tiên được gửi tới Israel bao gồm hàng chục nghìn viên thuốc.

Chi phí mà Israel bỏ ra để điều trị cho mỗi bệnh nhân mắc Covid-19 bằng loại thuốc này ước tính khoảng 530 USD, nhưng chưa rõ người dân sẽ phải thanh toán bao nhiêu trong số tiền này.

Thuốc Paxlovid được phát triển để điều trị bệnh nhân nặng từ 12 tuổi trở lên tại nhà. Theo dữ liệu của Pfizer, loại thuốc này đã giúp giảm tới 89% tỷ lệ nhập viện và tử vong trong số hơn 2 nghìn bệnh nhân tham gia thử nghiệm.

Bên cạnh đó, chỉ dưới 1% bệnh nhân phải nhập viện và không có trường hợp nào tử vong sau 30 ngày điều trị.

Gió 170km/h thổi bùng cháy rừng vào giữa mùa đông ở Mỹ

Đám cháy rừng lan nhanh và thiêu rụi một vùng rộng hàng ngàn hecta cùng nhà cửa trong những ngày cuối năm 2021. Giới chuyên gia gọi đây là nghịch lý, còn giới chức mô tả là "phép mầu năm mới" vì không có người chết.

Đám cháy có tên Marshall bùng phát từ hôm 30/12 tại 2 thị trấn có hơn 34.000 người sống và cách Denver khoảng 32km về phía tây bắc.

Hàng chục ngàn người được yêu cầu sơ tán khi ngọn lửa bắt đầu quét qua các khu vực có người sống với tốc độ đáng báo động.

Chỉ trong vòng vài giờ, đám cháy đã lan ra hàng ngàn hecta, thiêu rụi ít nhất 500 căn nhà và có thể lên tới hơn 1.000 căn, theo chính quyền địa phương. Tốc độ của đám cháy nhanh đến nỗi nhiều người không kịp về nhà lấy đồ.

Các video trên mạng xã hội cho thấy cảnh đám đông hoảng loạn bỏ chạy khỏi những tòa nhà hoặc trung tâm mua sắm khi lửa bắt đầu "liếm" đến khu vực lân cận.

Nhiều người trở lại nhà của họ để lấy quần áo hoặc thuốc men, tắt nước để ngăn các đường ống bị đóng băng vào ngày 31/12. Một số buồn bã nhận ra thứ duy nhất còn sót lại của căn nhà chỉ là hộp thư trước cổng, theo Hãng thông tấn AP.

Chính quyền bang Colorado xác nhận có ít nhất 6 người bị thương sau đám cháy và đang điều tra nguyên nhân sự việc. Suy đoán ban đầu là do dây điện bị đứt rơi xuống làm bén lửa.