Tin nóng trưa 22/5: Đề nghị Bộ GD-ĐT quy định lịch sử là môn học bắt buộc

(VOH) - Đề nghị Bộ GD-ĐT quy định lịch sử là môn học bắt buộc; Người đẹp Bạc Liêu đăng quang Hoa hậu du lịch Việt Nam toàn cầu 2021; Xe tải cháy dữ dội ở dốc cầu Rạch Miễu là những tin đáng chú ý.
Ủy ban Văn hóa, giáo dục: Đề nghị Bộ GD-ĐT quy định lịch sử là môn học bắt buộc
Ủy ban Văn hóa, giáo dục: Đề nghị Bộ GD-ĐT quy định lịch sử là môn học bắt buộc

Ủy ban Văn hóa, giáo dục: Đề nghị Bộ GD-ĐT quy định lịch sử là môn học bắt buộc

Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử cấp trung học phổ thông là môn bắt buộc.

Sáng 22-5, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 3. Tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đã báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn lịch sử bậc THPT.

Theo báo cáo, đa số ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn với một số lý do.

Trong đó, lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân...

2 trận chung kết bóng chuyền nam và nữ: Cơ hội lịch sử cho bóng chuyền Việt Nam

Hôm nay 22/5, tại nhà thi đấu Đại Yên (Quảng Ninh) diễn ra hai trận chung kết bóng chuyền (nam và nữ) SEA Games 31. Chủ nhà Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử khi có mặt ở cả hai trận đấu chung kết này.

Dù vậy, con đường đến với HCV của cả hai đội tuyển chủ nhà Việt Nam được đánh giá rất gian nan, khi đối thủ của họ là đương kim vô địch Indonesa (nam) và Thái Lan (nữ).

Bóng chuyền nữ nữ Việt Nam có lẽ là "vua về nhì" khi đã 9 lần góp mặt chung kết trong 10 kỳ SEA Games gần nhất.

Thế nhưng các "chân dài" Việt Nam chưa một lần chạm tay đến chiếc HCV bởi "rào cản" cuối cùng của họ chính là tuyển nữ Thái Lan - đội tuyển đang xếp hạng 19 thế giới, hạng 4 châu Á chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, tuyển nữ Việt Nam hạng 84 thế giới, hạng 12 châu Á.

Ở lần gặp lại này, tương quan hai đội đã không còn quá nhiều cách biệt bởi Thái Lan không còn quá mạnh do đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ.

Bóng chuyền nam Indonesia đã vươn tầm châu lục với dàn cầu thủ tài năng. Họ toàn thắng 4 trận (chỉ mất đúng 2 ván) trên đường đến trận chung kết.

Nhưng việc ở "kèo dưới" và sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả sẽ là lợi thế tâm lý cho tuyển Việt Nam. Đồng thời, chiến thắng trước kình địch Thái Lan ở bán kết sẽ tạo đà phấn khích cho các cầu thủ chủ nhà.

Mặc dù giới chuyên môn nhận định chuyên gia Trung Quốc Li Huan Ning chưa để lại nhiều dấu ấn đậm nét nhưng về thực lực, Việt Nam vẫn có những ngôi sao có thể tạo nên bất ngờ như Từ Thanh Thuận, Quản Trọng Nghĩa, Cù Văn Hoàn...

Đặc biệt, phụ công cao 2m Cù Văn Hoàn sẽ là con bài chiến lược với những cú nhảy phát bóng uy lực và có quỹ đạo bay rất khó chịu.

Người đẹp Bạc Liêu đăng quang Hoa hậu du lịch Việt Nam toàn cầu 2021
Người đẹp Bạc Liêu đăng quang Hoa hậu du lịch Việt Nam toàn cầu 2021

Người đẹp Bạc Liêu đăng quang Hoa hậu du lịch Việt Nam toàn cầu 2021

Tối 21/5, 30 thí sinh xuất sắc nhất đến từ mọi miền đất nước tiếp tục tranh tài trong vòng chung kết Hoa hậu du lịch Việt Nam toàn cầu 2021. Thí sinh Lý Kim Thảo đến từ Bạc Liêu đã đăng quang ngôi vị cao nhất.

Với câu trả lời thuyết phục, Lý Kim Thảo (Bạc Liêu) đăng quang Hoa hậu du lịch Việt Nam toàn cầu 2021.

Danh hiệu á hậu 1 trao cho thí sinh Trần Tuyết Mai (Hải Phòng). Thí sinh Trần Thu Hà (Nam Định) đoạt giải á hậu 2.

6 nữ sinh lớp 8 rủ nhau đi chụp ảnh, 1 em rơi xuống khe nước tử vong

Sáng 22/5, thông tin từ lãnh đạo phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết thông tin trên.

Khoảng 16h chiều 21/5, sáu em học sinh lớp 8 của Trường THCS Kỳ Thịnh (phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh) rủ nhau tới khu vực khe Đá Mài (thuộc tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh) để chụp ảnh.

Em N.T.H.T. (14 tuổi, ngụ tổ dân phố Đồ Gỗ) và em V.T.H. (14 tuổi, ngụ tổ dân phố Tân Phong) bị trượt chân rơi xuống khe nước.

Những học sinh còn lại gọi người đến ứng cứu, tuy nhiên khu vực xa khu dân cư nên khi người dân đến thì em T. đã tử vong, em H. kịp thời được đưa đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh cấp cứu.

Sau vụ việc, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường, phối hợp với gia đình đưa thi thể em T. về để tổ chức mai táng.

Xe tải cháy dữ dội ở dốc cầu Rạch Miễu, tài xế ráng chạy thêm 300m để không cháy xe khác
Xe tải cháy dữ dội ở dốc cầu Rạch Miễu, tài xế ráng chạy thêm 300m để không cháy xe khác

Xe tải cháy dữ dội ở dốc cầu Rạch Miễu, tài xế ráng chạy thêm 300m để không cháy xe khác

Chiều 21/5, Công an thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết đang điều tra nguyên nhân một vụ cháy xe chở bia trên quốc lộ 60.

Trước đó, khoảng 12h30 cùng ngày, trên quốc lộ 60 đoạn dốc cầu Rạch Miễu, một xe tải chở bia bốc cháy dữ dội, thiêu rụi hoàn toàn phần đầu xe và một phần hàng hóa trên xe.

Theo thông tin ban đầu, chiếc xe tải do tài xế Nguyễn Hoàng Thân (37 tuổi, ngụ TP.HCM) lái chở bia đang chạy từ Bến Tre về Tiền Giang.

Khi xe của tài xế Thân vừa đổ dốc cầu Rạch Miễu thì người dân phát hiện khói bốc ra từ phía đầu xe và sau đó bốc cháy dữ dội. Lúc này tài xế không thắng xe lại mà cố gắng lái xe chạy thêm 300m, ra khỏi khu vực dốc cầu mới dừng xe để không gây tai nạn cho xe khác và bung cửa chạy thoát thân.

Tại hiện trường, xe tải cháy rụi hoàn toàn phần đầu xe, một phần hàng hóa bị hỏng nặng, rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Hiện Công an tỉnh Tiền Giang đang điều tra nguyên nhân và thống kê thiệt hại vụ cháy.

Nam Bộ nhiều nơi âm u, chiều tối mưa to

Sáng 22/5, mây dông đã phát triển trên khu vực Nam Bộ, trong đó có TP.HCM. Từ giờ đến trưa, mây dông càng phát triển mạnh hơn và gây mưa sớm cho khu vực, đến chiều tối nhiều nơi mưa to.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết hiện tại Tây Nguyên và Nam Bộ đang chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh. Gió mang hơi ẩm và mây dông từ biển vào đất liền gây mưa sớm cho khu vực.

Cụ thể, từ hôm nay đến ngày mai 23-5, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, vài nơi có mưa to đến rất to với lượng mưa khoảng 20-50mm/24h, có nơi trên 80mm/24h. Mưa dông tập trung vào chiều và tối.

Tại khu vực Bắc Bộ từ nay đến ngày 24-5, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, một số nơi có mưa rất to với lượng mưa 200-400mm/đợt, có nơi trên 400mm đợt như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Từ ngày 25-5, mưa vừa, mưa to diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng giảm dần.

TIN THẾ GIỚI

Thượng Hải sẽ phong tỏa trở lại?
Thượng Hải sẽ phong tỏa trở lại?

Thượng Hải sẽ phong tỏa trở lại?

Thành phố lớn Thượng Hải của Trung Quốc mới cho mở cửa từ từ các hoạt động thương mại từ ngày 16-5 vừa qua nhưng đang có dấu hiệu phong tỏa trở lại, với việc một khu kinh doanh ở trung tâm bị buộc "ai ở đâu ở yên đó" trong 4 ngày.

Lý do là chính quyền phải tiến hành xét nghiệm đại trà nhưng chính quyền địa phương không nói rõ do dịch bùng phát trở lại hay gì khác.

Đáng chú ý là những giấy phép ra khỏi nhà phát ra ngay sau khi được "mở cửa từng bước" nay cũng bị hủy. Điều này khiến không chỉ người dân lo lắng vì dịch bùng phát trở lại mà giới doanh nghiệp cũng mệt mỏi vì không thể hoạt động.

Mới hôm 16-5, phó thị trưởng Thượng Hải Zong Ming cho biết trung tâm tài chính của Trung Quốc này đặt mục tiêu từ ngày 1-6 tới trở lại cuộc sống bình thường, sau khi tuyên bố 15 trong số 16 quận trên địa bàn thành phố không còn ca mắc COVID-19 bên ngoài các khu cách ly.

Thượng Hải là trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc, nơi có các công ty đa quốc gia và bến cảng hàng hóa bận rộn bậc nhất thế giới. Làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 lan rộng ở Thượng Hải đã khiến thành phố này phải thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt.

Hàn Quốc: học sinh mắc COVID-19 được thi tại trường   

Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bị mắc COVID-19 sẽ được phép tham gia các kỳ thi ở trường bắt đầu từ học kỳ này.

Nhằm đảm bảo quy tắc phòng dịch, những học sinh đã và đang mắc COVID-19 sẽ được phép đến trường và dự thi nhưng phải tuân theo hướng dẫn y tế nghiêm ngặt. Các trường học được yêu cầu chuẩn bị các phòng thi riêng biệt, xác định những thí sinh nhiễm virus SARS-CoV-2 và báo cáo danh sách cho cơ quan y tế một ngày trước kỳ thi.

Các trường học cũng phải thực thi các quy tắc về giãn cách, đeo khẩu trang, ăn riêng và ngồi so le để ngăn dịch bệnh lây lan. Với quy định mới, ngành giáo dục Hàn Quốc hướng tới công bằng với những học sinh đã bỏ lỡ kỳ thi do bị COVID-19 trong các học kỳ trước.

Theo kế hoạch, các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên khắp Hàn Quốc sẽ tổ chức kỳ thi cuối kỳ từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 tới.

Số ca nhiễm đậu mùa khỉ có thể sẽ tăng nhanh
Số ca nhiễm đậu mùa khỉ có thể sẽ tăng nhanh

Số ca nhiễm đậu mùa khỉ có thể sẽ tăng nhanh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo sẽ có thêm các ca bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện khi cơ quan này mở rộng tầm theo dõi tại các nước mà bệnh này không thường xuất hiện.

Bệnh đậu mùa khỉ đang bất ngờ xuất hiện ở nhiều nước châu Âu và một số nước khác ngoài khu vực truyền thống ở châu Phi, khiến giới chuyên gia y tế tỏ ra lo ngại.

Đến ngày 21.5, có 91 ca bệnh và 28 ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ được báo cáo từ 12 thành viên WHO, những nơi mà đậu mùa khỉ không phải là bệnh đặc hữu.

Thông tin có được cho thấy việc lây lan từ người sang người đang diễn ra giữa người tiếp xúc gần với ca bệnh có triệu chứng. Bên cạnh đó, các chuyên gia nói rằng bệnh đang có vẻ lây lan qua đường tình dục. Có nhiều ca bệnh được phát hiện tại các cơ sở sức khỏe giới tính.

Quan chức WHO David Heymann, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cho biết tiếp xúc gần là đường lây lan chính của bệnh khi các vết thương rất dễ lây sang người khác, ví dụ như cha mẹ chăm sóc cho trẻ bị bệnh hay nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân.

Mỹ và cuộc khủng hoảng sữa bột

Ngày 18/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt sữa bột trên toàn quốc, đồng thời Bộ Quốc phòng cũng tham gia không vận sữa cho các địa phương.

Trên thực tế, tình trạng thiếu sữa công thức ở Mỹ đã bắt đầu từ năm 2020 vì người tiêu dùng tích cực thu gom sữa trong lúc nước này tiến hành các đợt phong tỏa vì COVID-19. Thời điểm đó, các hãng sữa công thức đẩy mạnh hoạt động sản xuất để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Đến năm 2021, nhu cầu giảm dần, trong khi hoạt động hàng hải toàn cầu bị bế tắc vì dịch. Người tiêu dùng Mỹ cảm thấy không còn cần phải tích trữ, và thế là các hãng sữa giảm hoạt động sản xuất. Đến khi Abbott đóng cửa nhà máy ở Michigan, mọi chuyện trở nên tệ hơn.

Hiện nhà máy ở Michigan vẫn chưa khởi động lại dây chuyền sản xuất. Theo thỏa thuận với FDA, Abbott cần phải thực hiện các biện pháp khắc phục để giải quyết những vấn đề được phía thanh tra liên bang nêu lên trong quá trình thị sát nhà máy này. Hãng dự kiến có thể mở cửa nhà máy ở Michigan trong 2 tuần nữa.

Quân đội Mỹ đã ký hợp đồng với các máy bay để vận chuyển sữa bột trẻ em nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lớn tại thị trường trong nước.