TPHCM khuyến khích lập khoa COVID-19 tại viện chuyên khoa Nhi
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.120.301 ca mắc COVID-19, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 31.588 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.112.985 ca, trong đó có 2.352.802 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (528.265), Bình Dương (295.560), Hà Nội (236.800), Đồng Nai (100.923), Tây Ninh (89.723).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 57.160 ca/ngày.
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.355.619 ca
Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, nhất là trẻ dưới 12 tuổi chưa tiêm chủng ở thời điểm hiện tại, Sở Y tế TP HCM yêu cầu các bệnh viện công và ngoài công lập khuyến khích thành lập khoa COVID-19 tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi hoặc đơn vị chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại các khu cách ly dành cho người mắc COVID-19 của bệnh viện. Lưu ý: Trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine phải được xem là nhóm nguy cơ, nhất là trẻ có bệnh nền như béo phì, các bệnh lý bẩm sinh...
Khi có trẻ test dương tính và chỉ định nhập viện điều trị, các đơn vị liên hệ ngay với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 để chuyển viện kịp thời.
Cảnh báo 'kẽ hở' bùng dịch từ F0 không khai báo
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), phần lớn ca nhiễm COVID-19 hiện nay đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ do hiệu quả của chiến dịch tiêm vắc xin vừa qua, tuy vậy tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó lường nên việc khai báo y tế khi nhiễm bệnh là cần thiết. Theo nhiều chuyên gia, tình trạng gia tăng F0 nhưng không khai báo là "kẽ hở" để dịch có thể bùng phát trở lại.
"Việc khai báo sẽ giúp người bệnh được hướng dẫn, tư vấn và điều trị phù hợp với tình hình sức khỏe, tránh việc dùng thuốc không theo chỉ dẫn, tránh việc tự ý điều trị theo các phương pháp không đúng được chia sẻ trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến diễn tiến bệnh. Đặc biệt, khi khai báo thì F0 sẽ được theo dõi sức khỏe để phòng những trường hợp chuyển nặng được điều chuyển kịp thời", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.
Dù hiện nay Việt Nam đang thực hiện chiến lược là trạng thái bình thường mới và thích ứng an toàn với dịch bệnh nhưng vẫn cần thống kê số ca nhiễm ở từng địa phương để có thể xác định ổ dịch, tránh làm nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là khi có sự tiếp xúc xã hội nhiều như ở trường học, các cơ quan... Từ đó, ngành y tế có thể đề ra các phương án phòng và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Ngoài ra, việc khai báo cũng giúp người bệnh có được giấy chứng nhận và hưởng các chế độ nhất định. Ngược lại, nếu không khai báo mà để lây lan dịch bệnh, người vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Người dân Hà Nội đổ xô đi mua thuốc điều trị COVID-19
Ngay sau khi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kê khai giá và phê duyệt cho bán buôn, bán lẻ, thuốc kháng virus điều trị COVID-19 có hoạt chất Molnupiravir đã được nhiều nhà thuốc ở Hà Nội bắt đầu bán từ ngày 24/2. Đến ngày 25/2, lượng người mua vẫn khá đông. Thế nhưng, đa phần người dân lại chưa nắm rõ quy định về việc mua thuốc như: phải có chỉ định của bác sĩ hay giấy xác nhận là F0 của y tế cơ sở.
Không quan tâm đến tác dụng phụ, chỉ cần biết là có nhanh khỏi hay không là tâm lý chung của nhiều người dân khi đi mua thuốc.
Theo khuyến cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong trường hợp cần điều trị bằng thuốc Molnupiravir bắt buộc người dân phải liên hệ với trạm y tế và bác sĩ để được chỉ định. Hà Nội cũng đã giao quản lý thị trường và các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Y tế và hệ thống phòng y tế tại các quận huyện kiểm soát việc thực hiện quy định bán thuốc theo đơn.
TP Lai Châu cho học sinh nghỉ học trực tiếp trong những ngày rét đậm, rét hại
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại đảm bảo an toàn về sức khỏe cho học sinh các cấp học, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lai Châu đã có công văn gửi các trường trên địa bàn tạm thời cho học sinh nghỉ học trực tiếp trong 5 ngày, bắt đầu từ ngày 22/2 đến hết ngày 26/2.
Theo đó, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Phổ thông có nhiều cấp học chuyển sang các hình thức dạy học không trực tiếp phù hợp với người học trên địa bàn. Việc dạy học tập trung vào ôn tập, củng cố kiến thức, nội dung cốt lõi mà học sinh đã học, giúp các em rèn luyện nề nếp, ý thức học tập, củng cố kiến thức, kỹ năng. Thời gian, thời lượng dạy học không trực tiếp cần phù hợp với từng độ tuổi, môn học, tránh quá tải đối với học sinh.
Đồng thời, các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, quản lý việc dạy học không trực tiếp của đơn vị; quán triệt giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy học
25 dự án cải tạo, hồi sinh kênh rạch ở TP.HCM xếp hàng chờ vốn
Mục tiêu của kế hoạch là di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết thoát nước, cải thiện môi trường, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị. Tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỉ đồng.
Theo Sở Xây dựng, 25 dự án được sắp xếp theo các nhóm ưu tiên. Cụ thể, nhóm ưu tiên số 1 gồm 3 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Đó là dự án nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp) có mức vốn khoảng 9.350 tỉ đồng. Hai dự án tiếp theo là cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) với mức vốn khoảng 1.980 tỉ đồng và nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) với mức vốn khoảng 1.200 tỉ đồng. Nhóm dự án ưu tiên số 2 gồm 14 dự án di dời nhà trên và ven kênh đã triển khai xong các bước chuẩn bị đầu tư, như: cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 3 (quận 6), cải tạo rạch nhánh cầu Sơn (quận Bình Thạnh), cải tạo mương Nhật Bản và kênh A41 (quận Tân Bình), cải tạo rạch Bà Tiếng, lắp đặt cống hộp kênh Liên Xã (quận Binh Tân)…
Ngoài ra, còn 8 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư công, đã được giao kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hoặc đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên do thời gian thực hiện dự án kéo dài hoặc điều chỉnh làm thay đổi tổng mức đầu tư nên phải lập lại thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư công.
TIN THẾ GIỚI
Đại hội đồng Liên hợp quốc thúc đẩy tiêm chủng ngừa COVID-19 bình đẳng toàn cầu
Ngày 25/2, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận cấp cao theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm thúc đẩy tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu một cách bình đẳng, để cả thế giới đều được bảo vệ trước đại dịch này.
Theo Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, mặc dù đã có hơn 10 tỷ liều vaccine được tiêm cho người dân trên thế giới - một con số đủ để tiêm phòng cho tất cả dân số thế giới, hiện có tới 83% người dân tại các nước châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Hiện vẫn còn 27 nước trên thế giới có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 chưa tới 10% dân số, trong khi nhiều nước khác đã tiêm xong mũi thứ 3 cho người dân và mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế.
Nga nới lỏng các biện pháp hạn chế ở thủ đô Moskva
Ngày 25/2, Thị trưởng thủ đô Moskva của LB Nga, ông Sergei Sobyanin, đã ký sắc lệnh bãi bỏ một số biện pháp hạn chế được áp dụng khi virus corona lây lan.
Theo đó, thủ đô Moskva sẽ bãi bỏ việc chặn thẻ đi lại của tất cả những cư dân trên 60 tuổi và người mắc bệnh mãn tính. Ngoài ra, yêu cầu chuyển 30% nhân viên sang chế độ làm việc từ xa cũng được chuyển từ mức “bắt buộc” thành “khuyến cáo”. Hiện các bệnh viện và phòng khám đa khoa ở Moskva đã trở lại hoạt động như lúc bình thường và tăng cường tiếp nhận bệnh nhân theo lịch.
Twitter thông báo chính sách mới về Nga-Ukraine, Moskva hạn chế Facebook
Mạng xã hội Twitter đã công bố những chính sách mới nhằm ưu tiên thông tin quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, Moskva đã áp đặt những hạn chế với Facebook để phản ứng việc mạng xã hội này "kiểm duyệt" truyền thông Nga.
Twitter đã tạm ngừng hiển thị quảng cáo trên nền tảng của mình ở Ukraine và Nga trong một nỗ lực được tuyên bố là ưu tiên sự an toàn của người dân trong bối cảnh xung đột quân sự giữa hai nước. Twitter lưu ý rằng quảng cáo có thể khiến người dùng mất tập trung khỏi những thông tin quan trọng.
Niềm tin tiêu dùng ở Anh giảm mạnh do chi phí sinh hoạt tăng cao
Tại London, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Anh vào tháng 2 giảm 7 điểm xuống mức -26, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021 và là một trong những mức điểm tệ nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng là thước đo tình hình tài chính cá nhân của người dân cũng như những dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô. Lo ngại về khả năng phục hồi sau đại dịch khiến đánh giá của người dân về tình hình tài chính cá nhân trong năm tới đã giảm 12 điểm xuống -14, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 khi Anh áp lệnh phong tỏa phòng dịch đầu tiên.
Người dân Hong Kong đổ xô đăng ký mua nhà 17m2
Cơ quan Quản lý Nhà ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết đã nhận được tổng cộng 17.000 hồ sơ nộp trực tuyến trong ngày đầu mở bán.
Dự án căn hộ diện tích từ 17m2 đang thu hút được sự quan tâm của người dân Hong Kong. Một số người bày tỏ thà mua được nhà diện tích nhỏ còn hơn trong tay không có gì. Chung cư xây dựng trên sân bay Kai Tak cũ nằm trong dự án nhà ở gồm 8.926 căn hộ được chính quyền hỗ trợ dành cho những người thu nhập tầm trung trong năm 2022. Ngoài Kai Tak, 6 khu vực trung tâm khác cũng là điểm bán các căn hộ nhà ở xã hội.