Tin nóng trưa 3/1/2022: Mạo danh nhân viên Điện lực Việt Nam lừa đóng tiền điện

(VOH) - Trong những ngày đầu năm mới, nhiều người nhận được thông báo từ một số đối tượng tự xưng là nhân viên điện lực, Tổng đài ngành điện hay Điện lực VN về những khoản nợ tiền điện với mức rất cao

TIN TRONG NƯỚC

TP.HCM: Thêm 9 người nhập cảnh cần giải trình tự gene

Đại diện Bệnh viện dã chiến số 12, TP Thủ Đức cho biết trong hai ngày 31/12/2021 và 1/1/2022 bệnh viện tiếp nhận 9 người nhập cảnh bằng đường hàng không và đường biển dương tính với COVID-19.

9 người nhập cảnh này có 1 người đến từ Tây Ban Nha, 1 người đến từ Nga, 1 người đến từ Trung Quốc và 6 người Việt Nam về từ Mỹ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã gửi mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân này đến Viện Pasteur TP.HCM để giải trình tự gene nhằm xác định có nhiễm biến chủng Omircon hay không. Hiện sức khỏe tất cả các bệnh nhân đều ổn định.

Việc cần giải trình tự gene cho những người nhập cảnh trên là theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh của Bộ Y tế.

Trước đó, từ ngày 7-12, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Bệnh viện dã chiến số 12 là nơi tiếp nhận, điều trị các trường hợp nhập cảnh nhiễm COVID-19. Tính đến nay đã có 12 trường hợp xuất viện, kết quả giải trình gene đều nhiễm biến chủng Delta, không triệu chứng.

Bình Phước: Toàn tỉnh ở cấp độ dịch màu cam - nguy cơ cao

Trước diễn biến phức tạp bởi dịch COVID-19 khi số ca mắc ở mức cao, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn phân loại cấp độ dịch, nâng từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 trên địa bàn toàn tỉnh, áp dụng từ ngày 3-1.

Hiện tỉnh Bình Phước chỉ có 1 huyện Bù Đốp có nguy cơ dịch ở cấp độ 2; còn lại 10/11 huyện, thị xã, thành phố có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 (tăng 5 huyện so với lần công bố ngày 29-12-2021). Đối với cấp xã, có 80/111 xã có nguy cơ dịch ở cấp độ 3

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, hiện nay mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 700 ca mắc mới COVID-19, trong đó phần lớn các ca mắc mới trong cộng đồng.

Tin nóng trưa 3/1/2022: Mạo danh nhân viên Điện lực Việt Nam lừa đóng tiền điện; 1
Ảnh minh họa: TTO

Hà Nội: Số ca mắc liên tục gia tăng

Ngày 2/1, số ca COVID-19 ở Hà Nội đã vượt 2.000 ca, đây là ngày có số mắc mới cao nhất từ trước đến nay ở thủ đô.

Cộng dồn đến ngày /-1, Hà Nội ghi nhận hơn 53.000 ca COVID-19, trong đó riêng từ giai đoạn thực hiện bình thường mới (11/10/2021 đến 2/1/2022), tổng số ca COVID-19 mới ghi nhận gần 49.000 ca.

Từ 12h trưa nay 3/1, quận Thanh Xuân bắt đầu siết chặt hoạt động, nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được bán mang về, tạm dừng tổ chức dạy và học trực tiếp cho khối lớp 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, dừng buôn bán kinh doanh tại chợ cóc, chợ tạm...

Cảnh báo: Mạo danh nhân viên Điện lực Việt Nam lừa đóng tiền điện

Trong những ngày đầu năm mới, rất nhiều người đã nhận được thông báo từ một số đối tượng tự xưng là nhân viên điện lực, Tổng đài ngành điện hay Điện lực Việt Nam về những khoản nợ tiền điện với mức rất cao. Các nhóm đối tượng lừa đảo này còn lập cả tổng đài chăm sóc khách hàng với nhiều cách thức giả mạo tinh vi.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội đã nhận được hơn 1.000 cuộc gọi của khách hàng phản ánh về vụ việc này. Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, đều xuất hiện tình trạng giả danh nhân viên lực Việt Nam để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, khi nhận được những cuộc gọi lạ, cuộc gọi đầu số không rõ ràng, người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu và thông báo đến trung tâm chăm sóc khách hàng điện lực ngay lập tức.

Tin nóng trưa 3/1/2022: Mạo danh nhân viên Điện lực Việt Nam lừa đóng tiền điện; 2
Ảnh minh họa: EVN

Hàng trăm miếng đinh sắc nhọn tiếp tục xuất hiện dọc quốc lộ 1

Ngày 2-1, người dân tiếp tục phát hiện hàng trăm mảnh đinh sắc nhọn rải trên quốc lộ 1 đoạn qua cầu vượt nút giao Bình Thuận (thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM) hướng về miền Tây. Đa số các miếng đinh đều có hình thoi sắc nhọn, trong đó có những miếng đinh có màu đen còn rất mới. 

Ngày trước đó (1-1), Đoàn xã Tân Quý Tây, Chi đoàn Trạm CSGT Tân Túc và Đoàn Công an huyện Bình Chánh đã ra quân, đưa xe hút đinh qua đoạn đường trên. Tuy nhiên chỉ sau một ngày, lại có hàng trăm mảnh đinh mới rải rác để bẫy người đi đường.

Các  cơ quan chức năng cảnh báo người dân đi xe máy trên quốc lộ 1 đoạn qua cầu vượt nút giao Bình Thuận, huyện Bình Chánh, TP.HCM hướng về miền Tây lưu ý quan sát và chạy xe với tốc độ chậm dưới 40km để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Khách qua sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết dương lịch đạt 20.000 - 30.000 lượt/ngày

Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết lượng khách đi, đến sân bay có tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Theo đó, mỗi ngày có khoảng 20.000 - 30.000 lượt khách đi, đến với hơn 300 chuyến bay/ngày.

Mới đây, Vietnam Airlines tăng mạnh tần suất nhiều đường nội địa, trung bình mỗi ngày thực hiện gần 300 chuyến bay. Tương tự, Vietjet, Bamboo Airways cũng tăng tần suất bay từ Hà Nội, TP.HCM đến Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng…

Hiện tại các hãng đang trông đợi vào mùa cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán 2022 khi nhu cầu đi lại dồn nén dịp cuối năm. Giá vé máy bay vẫn còn dồi dào với nhiều dải vé có sự điều chỉnh giá theo từng ngày, xu hướng tăng khi gần đến Tết.

Hành khách đi lại trong dịp Tết dương lịch 2022 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTO

TIN THẾ GIỚI

Ấn Độ đối diện đợt dịch Covid-19 mới đang lây lan nhanh

Theo tờ Hindustan Times, làn sóng dịch Covid-19 hiện nay ở Ấn Độ đang lây lan với một tốc độ chóng mặt, vượt qua tất cả các làn sóng dịch trước, kể cả làn sóng dịch nghiêm trọng thứ 2 hồi đầu Hè năm ngoái. Đây là dấu hiệu cho thấy làn sóng dịch Covid-19 mới nhất này với sự xuất hiện của biến thể Omicron đang diễn biến nhanh chóng ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới, giống như xu hướng ở nhiều quốc gia khác.

Theo báo cáo của cơ quan y tế, trong tuần lễ tính đến ngày 25/12/2021, số ca mới trung bình mỗi ngày ở Ấn Độ là 6.641 ca. Điều này đồng nghĩa chỉ trong một tuần, tỷ lệ ca mắc mới đã tăng vọt 175%. Đây là mức tăng theo tuần cao nhất kể từ ngày 9/4/2000, vượt qua cả mức tăng đỉnh dịch trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 khi mức tăng vào khoảng 75%.

Tin nóng trưa 3/1/2022: Mạo danh nhân viên Điện lực Việt Nam lừa đóng tiền điện; 3
Ảnh minh họa: AFP

Theo Tân Hoa xã, hơn 4.000 chuyến bay đã bị hủy bỏ trên toàn cầu trong ngày 2/1, trong đó hơn một nửa là ở Mỹ trong bối cảnh số ca nhiễm mới biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tiếp tục gây ra tình trạng thiếu hụt nhân viên tại các hãng hàng không và sân bay trong mùa du lịch dịp nghỉ lễ đón Giáng sinh và năm mới.

Cũng trong ngày hôm qua, 2/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và có các triệu chứng nhẹ, song vẫn sẽ tiếp tục giải quyết mọi công việc trong suốt thời gian tự cách ly tại nhà trong 5 ngày tới.

Tại buổi họp báo về công tác ứng phó với biến thể Omicron đang hoành hành ở Israel vào tối 2/1, Thủ tướng Israel Naftali Bennett thông báo nước này sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 liều thứ 4 cho những người trên 60 tuổi và đội ngũ nhân viên y tế. Ông Bennett cũng cảnh báo đỉnh điểm của làn sóng Covid-19 thứ 5 ở Israel có thể lên tới 50.000 ca bệnh mới/ngày. Hiện tỷ lệ mắc mới Covid-19 mỗi ngày khoảng 5.000 người. Số bệnh nhân mới trong vòng 1 tuần qua là gần 27.000 người, tăng gần gấp đôi so với 1 tuần trước đó. Tính đến ngày 2-1, Israel đã nghi nhận tổng cộng hơn 1,392 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 8.244 người tử vong.

Cũng trong ngày hôm qua, 2/1, Đại sứ quán Kuwait tại London đã hối thúc các công dân nước này rời khỏi Vương quốc Anh do tình trạng hoành hành của biến thể Omicron.

Hàn Quốc áp dụng “giấy thông hành vaccine”

Yonhap đưa tin, kể từ hôm nay, ngày 3/1, “giấy thông hành vaccine” sẽ được áp dụng tại nhiều điểm công cộng ở Hàn Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng nhanh gần đây. Giấy này sẽ chỉ có hiệu lực bắt đầu từ thời điểm đủ 6 tháng sau khi tiêm các mũi cơ bản hoặc tiêm mũi tăng cường.

Theo đó, những người đã hoàn thành tiêm chủng vào ngày 6/7/2021 trở về trước sẽ được phép sử dụng giấy thông hành này để đến các điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê, nhà hát… hoặc các cơ sở đa năng trong phòng kín.Những người chưa tiêm phòng sẽ cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi vào các địa điểm trên.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch áp dụng một hệ thống giấy thông hành cho giới trẻ từ tháng 3/2022 sau giai đoạn tạm hoãn thực hiện 1 tháng. Quy định cũng bao gồm việc phạt hoặc thậm chí truy tố người vi phạm, bắt đầu từ ngày 10/1.

Pháp cấm đóng gói rau củ quả bằng màng nhựa

- Luật cấm đóng gói hàng chục loại trái cây và rau củ bằng màng nhựa có hiệu lực ở Pháp từ ngày 1/1 trong nỗ lực loại bỏ nhựa dùng một lần. Tổng cộng có 30 loại trái cây và rau củ…

- Các loại rau củ quả đóng gói trên 1,5kg và trái cây cắt nhỏ hoặc sơ chế không bị cấm. Theo France 24, tất cả các loại trái cây và rau củ sẽ bị cấm bọc ni lông vào năm 2026. Chính phủ Pháp cho rằng, lệnh cấm sẽ cắt giảm hơn 1 tỷ mặt hàng đóng gói bằng nhựa dùng một lần mỗi năm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi lệnh cấm trên là cuộc cách mạng thực sự, và cho biết Pháp đang dẫn đầu toàn cầu khi ban hành luật loại bỏ dần mọi loại nhựa dùng một lần trước năm 2040.

- Theo kết quả thăm dò năm 2019 của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), 85% người Pháp ủng hộ cấm sử dụng sản phẩm và bao bì nhựa dùng một lần. Hơn 2 triệu người đã ký vào bản kiến nghị của WWF kêu gọi chính phủ các nước chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa.

Tin nóng trưa 3/1/2022: Mạo danh nhân viên Điện lực Việt Nam lừa đóng tiền điện; 4
Thực phẩm bọc màng nhựa tại một siêu thị ở Pháp. Ảnh: AP

Taliban đổ 3.000 lít rượu xuống kênh

Các thành viên chính quyền Taliban hôm 21-2022 đã đổ khoảng 3.000 lít rượu xuống một con kênh ở thủ đô Kabul trong nỗ lưc mạnh tay trấn áp nạn buôn bán rượu ở Afghanistan. Đoạn video do Tổng cục Tình báo (GDI) của chính quyền Taliban công bố cho thấy nhân viên của họ đổ rượu trong thùng xuống kênh sau khi thu giữ chúng trong một cuộc đột kích ở thủ đô, theo Daily Pakistan.

Taliban khá hà khắc đối với rượu vì chúng bị cấm trong đạo Hồi và bị xem là bất hợp pháp. Việc tiêu thụ rượu cũng bị coi là không trong sạch.

Kể từ khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8/2021, tần suất các cuộc kiểm tra bất ngờ đã gia tăng trên cả nước. Đối tượng nghiện ma túy ở Afghanistan đồng thời lọt vào tầm ngắm. Trước đó, chính quyền Taliban cũng ban hành một số quy tắc nhằm hạn chế quyền của phụ nữ.

Trung Quốc và thách thức thuyết phục người dân chi tiêu

Chi tiêu tiêu dùng xuống thấp là một trong những yếu tố khiến kinh tế Trung Quốc gặp khó kể từ khi đại dịch bùng phát và không có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình được cải thiện trong năm 2022. Theo đài CNBC, tiêu dùng, cùng với thị trường bất động sản, là hai lĩnh vực khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại nhất khi đề cập đến viễn cảnh tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay.

Thông cáo của Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc vào tháng rồi cũng nhấn mạnh đến một loạt sức ép mà kinh tế đất nước đối mặt, trong đó có nhu cầu tiêu dùng giảm, cú sốc về nguồn cung…Thông cáo này khẳng định Bắc Kinh sẽ tập trung vào ổn định nền kinh tế và giữ tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý trong năm nay.

Thông tin thế giới nổi bật về bảo vệ môi trường 2021

Tạp chí National Geographic đã chọn ra 5 thành tựu bảo vệ môi trường nổi bật mang lại hy vọng cho thế giới trong một năm tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường như năm 2021.

1. Nói không với nhiên liệu hóa thạch

Tháng 6/2021, Bộ Nội vụ Mỹ quyết định đình chỉ tất cả hợp đồng khai thác dầu và khí đốt tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc cực ở bang Alaska (ANWR).

Bên cạnh đó, nhằm cắt giảm ô nhiễm đến năm 2026, tháng 8-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký lệnh hành pháp, quy định một nửa số xe hơi mới bán ra vào năm 2030 phải là xe không phát thải, đồng thời đề xuất các quy tắc phát thải xe mới.

Sau khi lên kế hoạch từ đầu năm, chính quyền ông Biden cũng chính thức rút giấy Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) khai mạc tại Glasgow (Anh) vào hôm 31-10, hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm 30% khí methane vào cuối thập niên. LHQ cho biết nỗ lực cắt giảm lượng khí methane đáng kể trong thập kỷ này có thể ngăn được tình trạng Trái đất nóng lên gần 0,3 độ C vào năm 2040.

2. Ngăn chặn “chảy máu" rừng

Tháng 10/2021, Bộ trưởng Môi trường Congo thông báo tạm ngừng xuất khẩu gỗ tròn. Quyết định này không chỉ là nỗ lực phục hồi rừng tự nhiên mà còn cho phép Congo, quốc gia sở hữu diện tích rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới, thực hiện chương trình tái trồng rừng với các đối tác kỹ thuật, tài chính và phát triển.

Tại Ecuador, tháng 12/2021, Tòa án tối cao đã ra phán quyết rằng hoạt động khai thác khoáng sản ở Khu bảo tồn Los Cedros, một trong những vườn quốc gia đa dạng sinh học nhất Trái đất, đã tác động xấu đến đa dạng sinh học và vi phạm Hiến pháp Ecuador.

3. Giải quyết ô nhiễm nhựa

Từ tháng 9/2021, bang Queensland, Úc chính thức áp dụng lệnh cấm đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, dao, dĩa, hộp đựng thức ăn… và trở thành bang thứ ba ở quốc gia này cấm sử dụng những sản phẩm tiện lợi tức thời nhưng gây tác hại lâu dài đối với môi trường.

Nối gót Úc, bang California, Mỹ thông qua dự luật cấm các công ty sử dụng biểu tượng có thể tái chế, trừ khi họ chứng minh được loại vật liệu đó từng được tái chế thành công trên thực tế. Quyết định trên nhận về nhiều phản ứng tích cực từ đông đảo người dân, liên minh các nhóm bảo vệ môi trường và chính quyền địa phương.

Trong một phát biểu vào tháng 11-2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận Mỹ sẽ ủng hộ hiệp ước toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa được dự kiến tiến hành vào tháng 2-2022.

Theo một báo cáo được đệ trình lên chính phủ liên bang hôm 1-12, Mỹ là quốc gia xả thải nhựa nhiều nhất thế giới. Vì vậy, tạp chí National Geographic nhận định sự góp mặt của Mỹ trong hiệp ước này có ý nghĩa rất lớn.

4. Bảo vệ môi trường sống

Tháng 11/2021, Chính phủ Colombia, Costa Rica, Ecuador và Panama đã cam kết mở rộng các khu bảo tồn thuộc hành lang biển, nằm ở phía đông Thái Bình Dương nhiệt đới. Theo đó, 4 quốc gia Mỹ Latin sẽ khởi động lại sáng kiến Hành lang biển Đông Thái Bình Dương nhiệt đới (CMAR) để phù hợp với mục tiêu của liên minh toàn cầu về đại dương.

Cũng trong tháng 11, Chính phủ Bồ Đào Nha tiến hành mở rộng một khu bảo tồn biển xung quanh quần đảo Selvagens. Được biết, đây là khu bảo tồn biển lớn nhất châu Âu với diện tích 2.677km2.

Cuối năm 2021, chính quyền Biden quyết định tạm ngừng kế hoạch cho phép khai thác gỗ tại cánh rừng già rộng hơn 1 triệu hecta ở tây bắc Thái Bình Dương nhằm bảo vệ môi trường sống cho nhiều loài động vật hoang dã tại đây và nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo luật hiệp ước chim di cư.

5. Bảo vệ động vật hoang dã

- Tháng 7/2021, Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc thông báo đã loại tên gấu trúc lớn (giant panda) khỏi danh sách nguy cấp. Động thái này cho thấy các khu bảo tồn thiên nhiên ở quốc gia này đang triển khai tốt nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong một công bố vào tháng 9/2021, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cho biết nhiều loài cá ngừ từng được xếp vào danh sách loài cực kỳ nguy cấp đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tổ chức nhận định đây là “trái ngọt" của sự nỗ lực nhiều thập kỷ qua nhằm hạn chế tác động của hoạt động đánh bắt cá thương mại.

Bình luận