TIN TRONG NƯỚC
Tăng thêm 7,4% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM vừa có thông báo, từ tháng 1/2022, cơ quan thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người hưởng lương hưu, mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 12/2021.
Đối với người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995, nếu sau khi thực hiện điều chỉnh xong mà mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng dưới 2,3 triệu đồng thì được tăng thêm 200.000 đồng.
Nếu mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng từ 2,3 triệu đến dưới 2,5 triệu đồng thì được điều chỉnh tăng lên bằng 2,5 triệu đồng.
TPHCM kiến nghị tổ chức trạm y tế theo khu vực, quy mô dân số
Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi đến UBND TP về 8 khó khăn, vướng mắc cần đề xuất, kiến nghị Chính phủ, trong đó khó khăn liên quan cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở.
Theo đó, cần đổi mới cơ cấu và tổ chức trạm y tế thì không phân bổ trạm y tế theo hệ thống hành chính (mỗi phường, xã, thị trấn có 1 trạm y tế) mà theo khu vực và quy mô dân số (cứ mỗi khu vực có 10.000 dân thì có một trạm y tế).
Bổ sung định mức số lượng người làm việc, loại hình nhân viên y tế của trạm y tế đảm bảo phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của trạm, và cho phép triển khai thí điểm chuyển trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện từ trực thuộc Sở Y tế trở về trực thuộc UBND quận, huyện.
Đồng thời, sớm trình Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề và quy định nơi thực hành là y tế cơ sở, mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà.
Ngoài ra cho phép triển khai thí điểm cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế đối với phòng khám bác sĩ gia đình, chăm sóc người bệnh tại nhà, khám và tư vấn sức khỏe nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
Hà Nội tối 29/12 cho biết trong 24 giờ ghi nhận 1.882 ca dương tính mới, trong đó có 661 ca cộng đồng, 1.034 ca tại khu cách ly và 187 ca tại khu phong tỏa. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (252); Hai Bà Trưng (209); Long Biên (205); Nam Từ Liêm (183); Hà Đông (169); Đống Đa (136); Tây Hồ (98).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 45.159 ca, trong đó số ca cộng đồng 16.101 ca. Tới hết ngày 28-12, Hà Nội có 20.156 F0 đang điều trị, trong đó có 14.226 F0 đang điều trị tại nhà; số còn lại điều trị tại bệnh viện, các cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện.
Từ ngày 5/10 đến 7h ngày 29/12, Sơn La đã phát hiện 761 ca COVID-19; 15.479 người cách ly, theo dõi sức khỏe. Tỉnh đã tiêm vắc xin COVID-19 được 1.313.593 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên và 155.205 mũi cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Sơn La cùng 12 huyện, thành phố và 184 xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch 1; 16 xã, phường cấp độ dịch 2; 2 xã cấp độ dịch 3 và 2 xã, thị trấn cấp độ dịch 4.
Ngày 29/12, Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến nay toàn tỉnh có 12.106 ca F0. Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi là 7.874 người. Riêng trong ngày 28/12, trên địa bàn có 365 ca COVID-19 mới.
Thừa Thiên Huế cũng đã ghi nhận 49 ca tử vong, trong đó có 47 ca là già yếu, lão suy, mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, suy tim mãn, suy thận mãn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn, ung thư giai đoạn cuối... Thừa Thiên Huế quyết định điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà từ ngày 28/12.
Khoảng 80% bệnh nhân mắc COVID-19 ở Bến Tre không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Từ 6h đến 11h ngày 29/12, tỉnh ghi nhận 86 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 25.248 ca. Trong đó có 15.564 trường hợp kết thúc điều trị, 167 ca tử vong.
Đồng Nai làm khu tái định cư hơn 8,5ha ở trung tâm TP Biên Hòa
Sáng 30/12, UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khởi công dự án tái định cư trên khu đất ở ngay trung tâm thành phố có diện tích hơn 8,5ha để bố trí chỗ ở cho người dân nhường đất làm các dự án.
Cụ thể, UBND TP Biên Hòa (chủ đầu tư) khởi công dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư ở đường Võ Thị Sáu (thuộc phường Thống Nhất và phường Tân Mai).
Ông Nguyễn Tôn Trọng - giám đốc Ban quản lý dự án TP Biên Hòa - cho biết dự án có tổng mức đầu tư gần 826 tỉ đồng, trong đó có chi phí xây dựng và chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Dự án này nằm trên khu đất hơn 8,5ha sẽ được nhà thầu thi công trong 11 tháng và đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho 1.872 người, tương đương với 468 lô tái định cư.
Để thực hiện dự án, TP Biên Hòa giải tỏa 317 hộ dân và 5 tổ chức, trong đó 225 hộ. Các hộ này sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ khi giai đoạn 1 hoàn thành.
Cũng theo đại diện UBND TP Biên Hòa, hiện nay trên địa bàn thành phố đang cùng lúc triển khai nhiều dự án trọng điểm như dự án đường ven sông Đồng Nai, dự án kè sông Đồng Nai, dự án đường ven sông Cái… nên nhu cầu về các khu tái định cư để bố trí chỗ ở cho những hộ dân bị giải tỏa là rất lớn.
Thí điểm sử dụng xe máy điện giao nhận bưu điện
Vừa qua, công ty Honda Việt Nam (HVN) cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) tổ chức lễ ký kết công bố triển khai thí điểm dự án sử dụng xe điện giao hàng và cung cấp mô hình đổi pin điện.
Trong phạm vi của dự án, từ ngày 1/1/2022, Bưu điện Việt Nam sẽ thuê tổng cộng 70 xe điện của Honda Việt Nam. Xe được thiết kế chuyên chở hàng hóa bưu phẩm nên việc sử dụng loại phương tiện này khi đi giao hàng sẽ giúp nhân viên bưu điện nâng cao năng suất, chất lượng giao hàng. Với thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với hệ thống giao thông tại Việt Nam, xe điện sẽ hỗ trợ tối đa nhân viên giao hàng di chuyển tại cả thành thị và nông thôn. Việc sử dụng xe điện giúp tiết kiệm được chi phí vận hành, nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Nhân viên giao hàng có thể chủ động đổi pin nhằm đảm bảo sự di chuyển liên tục.
HVN và Bưu điện Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào lộ trình toàn diện cho các hoạt động thân thiện với môi trường, đồng thời mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ Chính phủ, các bộ ban ngành và các doanh nghiệp liên quan trong việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp.
TIN THẾ GIỚI
Nhiều nước siết chặt quy định phòng dịch dịp nghỉ lễ
Tại Nhật Bản, hai thành phố Tokyo và Osaka hối thúc người dân tránh tụ tập vào dịp cuối năm trong bối cảnh xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron. Chính phủ Nhật Bản đẩy nhanh chương trình tiêm mũi tăng cường và duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại biên giới.
Trung Quốc phong tỏa thành phố Tây An với 13 triệu dân trong ngày thứ 8 liên tiếp. Tây An ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm trong 20 ngày qua. Tiếp tục theo đuổi chính sách “không Covid-19”, giới chức y tế Trung Quốc bắt đầu tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ người dân thành phố.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ áp dụng mức báo động màu vàng do số ca mắc mới ngày càng tăng. Nhiều bang trên khắp Ấn Độ lần lượt áp đặt các lệnh giới nghiêm ban đêm hoặc những biện pháp mạnh hơn, trong bối cảnh nhiều chuyên gia cho rằng làn sóng thứ ba do biến thể Omicron gây ra đang cận kề.
Ngày 29/12, Australia ghi nhận 16.500 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay. Các cơ sở xét nghiệm Covid-19 tại New South Wales, bang đông dân nhất Australia, trở nên quá tải. Loại trừ biện pháp phong tỏa, giới chức Australia thông báo sẽ rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường xuống còn 4 tháng, đồng thời siết chặt một số hạn chế, trong đó có quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm trong nhà.
Chính phủ Phần Lan thông báo cấm nhập cảnh đối với những du khách chưa tiêm phòng Covid-19. Đức siết chặt các quy định trên toàn quốc, ngay cả với những người đã tiêm chủng và phục hồi sau khi mắc bệnh. Theo quy định mới, các cuộc tụ họp của những người đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc Covid-19 được giới hạn tối đa 10 người.
Hàn Quốc phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nhanh biến thể Omicron
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum vừa cho biết, nước này đã phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nhanh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng thực tế từ hôm nay 30/12.
Thủ tướng nhấn mạnh cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh hiện nay là ngăn chặn tối đa sự lây lan của biến thể Omicron thông qua các biện pháp phòng dịch triệt để và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Người dân Hàn Quốc không nên chủ quan với biến thể mới này nếu chỉ dựa trên việc tỷ lệ bệnh chuyển biến nặng ở mức thấp. Nếu số ca mắc mới Covid-19 tăng gấp đôi, hệ thống y tế sẽ chịu gánh nặng lớn.
Hiện tổng số ca nhiễm biến thể Omicron ở Hàn Quốc là 558 ca. Số bệnh nhân Covid-19 nặng là 1.151 ca, tăng 49 ca so với một ngày trước, tiếp tục là con số cao kỷ lục kể từ đầu dịch. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 nặng ở ngưỡng 1.000 ca.
Nga đề xuất ký hiệp định quốc tế về quản lý Internet
Nga vừa đề xuất ký kết hiệp định về quy định quốc tế trong quản lý Internet nhằm bảo vệ quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc điều hành phân khúc quốc gia của Internet. Thỏa thuận sẽ chỉ có hiệu lực nếu được tất cả các quốc gia thông qua.
Hiện Nga đang siết chặt các quy định đối với nhiều tập đoàn công nghệ và mạng xã hội, các biện pháp mà Nga đang áp dụng buộc các nền tảng công nghệ không chạy theo doanh thu mà quên đi sự an toàn của trẻ em. Bộ luật xử phạt vi phạm hành chính của Liên bang Nga buộc các mạng xã hội và các nhà cung cấp dịch vụ phải chặn và xóa các trang có thông tin bị cấm theo yêu cầu của các cơ quan chức năng như rao bán chứng chỉ và bằng cấp giả, quảng cáo sòng bạc, phổ biến lạm dụng ma túy, kêu gọi chủ nghĩa cực đoan, khiêu dâm…