- TIN TRONG NƯỚC
- Giá vé xe tăng 10-20%, có nhà xe tăng tới 50%
- Phú Yên: Mưa to, sóng lớn làm 3 người mất tích, 40 tàu cá bị chìm
- Quảng Ninh: Chuẩn bị các phương án tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
- Chung tay đẩy lùi Covid-19 nơi vùng cao, biên giới
- Nam Định bảo đảm các điều kiện cho học sinh trở lại trường học
- TIN THẾ GIỚI:
- Tổng thống Mỹ tiêm mũi tăng cường thứ hai vaccine ngừa COVID-19
- Mỹ đóng cửa hàng loạt điểm xét nghiệm, tiêm chủng
- WHO cập nhật kịch bản dịch COVID-19
- Nhật Bản: Dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại
- Trung Quốc đề xuất giảm độ tuổi kết hôn
- Hoàn thành công tác tìm kiếm, cứu hộ vụ rơi máy bay ở Trung Quốc
TIN TRONG NƯỚC
Giá vé xe tăng 10-20%, có nhà xe tăng tới 50%
Viện dẫn lý do giá xăng dầu tăng, nhiều nhà xe chạy tuyến TP.HCM đi các tỉnh đã tăng giá vé từ 10-20%, thậm chí có nhà xe tăng tới 50%. Ông Trần Nhân Hậu, trưởng phòng điều hành của bến xe Miền Tây, cho biết tại bến hiện có 46/127 đơn vị kê khai tăng giá vé.
Giá vé tăng khoảng 10-20%, mức tăng này do các đơn vị tính toán các chi phí và gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM phê duyệt, sau đó chuyển về bến xe để niêm yết giá cho người dân được biết. Còn ông Đỗ Phú Đạt, phó tổng giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết áp lực từ việc nhiên liệu tăng giá và khó khăn trong kinh doanh vận tải do dịch COVID-19, nên nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá vé.
Về việc nhiều nhà xe chạy tuyến cố định từ TP.HCM đi các tỉnh tăng giá vé thời gian qua, ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sở có tiếp nhận hồ sơ kê khai điều chỉnh giá của 20/57 đơn vị. Tuy nhiên, Sở GTVT sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các bến xe để xem các đơn vị vận tải có để mức giá đúng như đã đăng ký hay không, căn cứ vào đó để có những biện pháp xử lý thích hợp", ông Hưng cho biết về quy trình.
Đầu tư hai tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Hôm qua 30/3, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai hai dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM và các bộ liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được đưa vào quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chiều dài toàn tuyến khoảng 38km. Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84km, có điểm đầu từ ga Trảng Bom, điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải.
Ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) dự kiến là điểm đầu của dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Phú Yên: Mưa to, sóng lớn làm 3 người mất tích, 40 tàu cá bị chìm
Sáng nay 31.3, ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND H.Tuy An (Phú Yên), cho biết mưa to, gió lớn bất thường đã khiến các vùng biển neo đậu tàu thuyền của ngư dân ở xã An Hòa Hải và xã An Chấn xuất hiện sóng lớn, nhấn chìm khoảng 20 tàu cá. Hiện có 3 người bị mất tích. Chính quyền địa phương cùng người dân đang nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ tàu thuyền.
Chính quyền địa phương cũng đã huy động lực lượng biên phòng, công an và bộ đội cùng người dân cứu hộ các tàu cá gặp nạn. Tuy nhiên, do sóng lớn nên việc cứu hộ, cứu nạn phải triển khai từng bước để đảm bảo an toàn.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết sóng lớn cũng đã đánh chìm 20 tàu cá của ngư dân ở xã An Phú, TP.Tuy Hòa. Trong sáng 31.3, các lực lượng đang cố gắng tiếp cận để hỗ trợ cứu hộ các tàu cá này. Riêng vùng biển ở thôn Phú Thường và thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải (H.Tuy An), sóng vẫn còn lớn nên đang cho triển khai các xe cẩu kéo các tàu thuyền của ngư dân gần bờ lên bờ an toàn, tránh thiệt hại.
Quảng Ninh: Chuẩn bị các phương án tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Tại cuộc họp triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 ngày 30/3, tỉnh Quảng Ninh dự kiến từ tháng 4 và thời gian còn lại của năm 2022 nhiệm vụ trọng tâm là triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương nhanh chóng phối hợp với ngành Y tế, ngành Giáo dục họp bàn, chốt lại toàn bộ số liệu; chuẩn bị các phương án triển khai tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, báo cáo Sở Y tế để báo cáo UBND tỉnh chậm nhất trong ngày 1/4; đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch, không bỏ sót đối tượng, nhất là các đối tượng có bệnh lý, bệnh nền… để đảm bảo công tác tiêm chủng được triển khai nhanh gọn và an toàn tối đa.
Đồng thời, ngành Y tế khẩn trương rà soát lại các đội tiêm chủng đã được tập huấn; tăng cường tối đa các đội cấp cứu của các bệnh viện tuyến đầu cho các điểm tiêm vùng sâu, vùng xa, nơi có năng lực y tế tuyến cơ sở chưa cao; đảm bảo mỗi điểm tiêm phải có ít nhất 1 đội cấp cứu có chuyên môn.
Chung tay đẩy lùi Covid-19 nơi vùng cao, biên giới
Thời gian gần đây, mỗi ngày tỉnh Lai Châu ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm virus SAR-CoV-2 và dịch bệnh đang lan rộng tới nhiều địa phương vùng cao, biên giới, gây khó khăn cho cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác kiểm soát và điều trị. Trước thực trạng đó, các Trạm Y tế ở các xã biên giới đã phối hợp chặt chẽ với quân y các đồn biên phòng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và điều trị cho các bệnh nhân, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn cho người dân.
Đại úy Tạ Quang Hạnh, y sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải chia sẻ, công việc của anh những ngày này là đến từng hộ dân, hỗ trợ lực lượng y tế điều trị các ca bệnh F0 và tuyên truyền bà con cách phòng, chống dịch bệnh. Do nhiều người không biết tiếng phổ thông, nên nội dung tuyên truyền được anh thực hiện bằng tiếng địa phương tập trung vào thông điệp 5K và cách nhận biết triệu chứng nhiễm Covid-19 cho người dân dễ hiểu nhất.
Xã biên giới Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có 4 bản, gần 540 hộ, với hơn 2.600 nhân khẩu. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã có trên 600 lượt người đi làm ăn xa trở về địa phương và thực hiện khai báo y tế, trong đó có gần 60 ca F0 và hơn 230 F1 có quyết định cách ly tại nhà. Nhờ lực lượng quân y biên phòng hỗ trợ, đến nay lực lượng y tế xã đã thực hiện lấy mẫu cho hơn 220 người và tiêm gần 2.800 mũi vaccine Covid-19 cho người dân trên địa bàn.
Nam Định bảo đảm các điều kiện cho học sinh trở lại trường học
Từ ngày 4/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định và các huyện, thành phố đã thống nhất cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 toàn tỉnh trở lại trường học trực tiếp (trừ những cơ sở giáo dục ở trên địa bàn thuộc “vùng đỏ” - cấp độ 4). Tuy nhiên, tạm thời các trường Tiểu học chưa tổ chức ăn bán trú cho đến khi có thông báo mới; học sinh Mầm non vẫn chưa đến trường.
Trước đó, ngày 3/3 vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số lượng học sinh mắc COVID-19 tăng cao, UBND tỉnh Nam Định ra thông báo đồng ý để các cơ sở giáo dục chuyển hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6; học sinh Mầm non tạm dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới. Các cấp học khác tổ chức dạy học trực tiếp tại trường trên tinh thần linh hoạt, căn cứ tình hình thực tế, diễn biến dịch bệnh tại trường, trong từng lớp học để áp dụng hình thức học trực tiếp hoặc trực tuyến, bảo đảm an toàn phòng dịch và nội dung chương trình năm học.
Để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ngày 22/3, Nam Định đã cho phép mở lại các hoạt động tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng; thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, rạp chiếu phim, cơ sở dịch vụ thể dục thể thao trong nhà và các cửa hàng, nhà hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh cà phê, quán bar, cơ sở làm đẹp, spa; quán vỉa hè...
TIN THẾ GIỚI:
Tổng thống Mỹ tiêm mũi tăng cường thứ hai vaccine ngừa COVID-19
Ngày 30/3, Tổng thống Mỹ Biden đã có kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ hai vaccine ngừa COVID-19, một ngày sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm mũi tăng cường thứ hai với nhóm tuổi của ông.
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Biden sẽ tiêm chủng sau khi đưa ra những phát biểu về cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của chính quyền Mỹ. Hôm 29/3, FDA đã cho phép tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai ngừa COVID-19 cho những người từ 50 tuổi trở lên, nhấn mạnh bất kỳ ai trong độ tuổi này đều có thể làm điều đó 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần đầu.
Tổng thống Joe Biden, 79 tuổi, đã tiêm mũi vaccine tăng cường đầu tiên của Pfizer vào cuối tháng 9/2021 sau khi liều tăng cường được cấp phép. Nhà lãnh đạo nước Mỹ có kế hoạch phát biểu về đại dịch tại Nhà Trắng, nêu bật một trang web mới được thiết kế để giúp người Mỹ tiếp cận vaccine, xét nghiệm, phương pháp điều trị và khẩu trang ngừa COVID-19.
Mỹ đóng cửa hàng loạt điểm xét nghiệm, tiêm chủng
Hàng loạt các bang tại Mỹ đã đóng cửa các điểm xét nghiệm, tiêm chủng miễn phí nhằm tiết kiệm chi phí bởi số ca nhiễm giảm đáng kể trong những tuần qua và hầu hết người dân đã trở lại các hoạt động bình thường. Tuy nhiên giới chuyên gia vẫn lên tiếng cảnh báo nước Mỹ cần thận trọng.
The New York Times cho hay số ca nhiễm mới vẫn tăng ở một số nơi, trong đó có New York, và nước Mỹ vẫn chậm hơn nhiều nước khác trong nỗ lực tiêm chủng phổ cập. Tới thời điểm hiện tại, khoảng 65% người dân sống tại Mỹ đã tiêm đủ liều cơ bản trong khi mới có khoảng 1/3 người dân đã tiêm một mũi tăng cường (tức là mũi thứ 3).
Các chuyên gia cho rằng nếu đại dịch bùng phát lại thì nước Mỹ sẽ rất khó có thể nhanh chóng mở lại các điểm xét nghiệm và tiêm chủng hàng loạt đã đóng cửa. Tuy nhiên, giới chức quản lý y tế ở các bang cho rằng họ chỉ đang chuyển hướng cách thức phòng chống dịch COVID-19 bởi nhu cầu xét nghiệm và tiêm chủng của người dân đã giảm mạnh.
WHO cập nhật kịch bản dịch COVID-19
Ngày 30/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố bản cập nhật đánh giá về dịch COVID-19, theo đó WHO đã nêu ra 3 kịch bản dịch bệnh có thể diễn biến trong năm nay.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO cho biết: "Dựa trên những gì mà chúng tôi đánh giá, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa, nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian, khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ vaccine và lây nhiễm". Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng thận trọng cho rằng những đợt gia tăng số ca nhiễm và tử vong sẽ xảy ra theo giai đoạn, khi miễn dịch suy giảm. Điều này có thể khiến việc tiêm bổ sung cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương là cần thiết.
Ngoài ra, ông cũng cho biết hai kịch bản còn lại là các biến thể ít nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện, và khi đó các mũi vaccine tăng cường hoặc công thức vaccine mới có thể sẽ không cần thiết, hoặc một biến chủng mới sẽ xuất hiện và sẽ khiến khả năng chống lây nhiễm của vaccine giảm xuống nhanh chóng.
Nhật Bản: Dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại
Trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang tái bùng phát tại Nhật Bản. Ngày 30/3, Nhật Bản ghi nhận thêm 53.753 ca mắc COVID-19, tăng 12.000 ca so với một tuần trước đó. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca bệnh mới ở nước này gia tăng.
Riêng tại thủ đô Tokyo, số ca mắc mới tăng 1,5 lần so với một tuần trước đó lên 9.520 ca. Số ca nhiễm mới bình quân trong tuần từ 24-30/3 cũng tăng 21,1%.
Trước đó, khi Chính phủ Nhật Bản quyết định dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm trên toàn quốc từ ngày 22/3, không ít chuyên gia y tế đã cảnh báo dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại ở nước này bất kỳ lúc nào vì khi đó tốc độ giảm số ca nhiễm mới ở một số khu vực vẫn còn khá chậm. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng quốc gia Đông Bắc Á này vẫn đang trong làn sóng lây nhiễm thứ 6.
Trung Quốc đề xuất giảm độ tuổi kết hôn
Sau khi số lượng người đăng ký kết hôn giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái, Trung Quốc đang phải đối mặt với đề xuất giảm độ tuổi kết hôn hợp pháp.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, một số nhà nhân khẩu học đã đặt câu hỏi về hiệu quả của đề xuất cho phép người dân kết hôn sớm hơn. Họ cho biết xu hướng kết hôn muộn sẽ tiếp diễn khi quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và những người trẻ ngại kết hôn vì chi phí chăm sóc con cái tăng cao.
Theo báo cáo về Hôn nhân và Gia đình Trung Quốc năm 2022 của Viện Nghiên cứu Dân số YuWa, số lượng người đăng ký kết hôn lần đầu ở nước này đã giảm gần 50%, từ mức cao nhất 23,58 triệu người vào năm 2013 xuống còn 12,28 triệu người vào năm 2020. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng này có thể khiến tỷ lệ sinh thậm chí còn giảm xuống mức thấp hơn trong những năm tới.
Hoàn thành công tác tìm kiếm, cứu hộ vụ rơi máy bay ở Trung Quốc
Ngày 31/3, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết nước này đã hoàn tất phần lớn công tác tìm kiếm, cứu hộ tại hiện trường vụ rơi máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không China Eastern Airlines, khiến 132 người trên máy bay thiệt mạng.
Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ngày 21/3 khi máy bay Boeing 737-800 số hiệu 5735 của hãng hàng không China Eastern Airlines, khởi hành từ thành phố Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) đến thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông), đã mất liên lạc khi bay qua thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây. Máy bay sau đó được xác định đã đâm xuống vùng núi.
Giới chức Trung Quốc xác nhận toàn bộ 132 người trên máy bay đã thiệt mạng. Hiện lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 hộp đen của máy bay.
Nội dung này được phát sóng trên kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz
Giao thông, tin tức mỗi ngày cùng Nhịp Sống Sài Gòn trên tần số VOH Fm95.6Mhz
Tổng đài giao thông: 028.3822.1188
Fanpage liên hệ: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz