Tin nóng chiều 30/3: EVN lo ngại nguy cơ thiếu điện từ tháng 4/2022

EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm...

TIN TRONG NƯỚC

Cẩn trọng với khám hậu Covid-19

Lợi dụng tâm lý nhiều người lo lắng về di chứng hậu Covid-19, nhiều cơ sở y tế tung ra các gói, 'combo' khám hậu Covid-19, bên cạnh đó thị trường cũng tràn lan sản phẩm được quảng cáo có đủ thứ công dụng hỗ trợ, chữa trị hậu Covid-19.

Mặc dù Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đưa ra khuyến cáo, chỉ đạo các bệnh viện (BV), phòng khám (PK) không đưa ra các gói khám hậu Covid-19, khi người bệnh có triệu chứng gì thì khám triệu chứng đó theo BHYT hoặc theo yêu cầu; tuy nhiên khuyến cáo này hầu như chỉ các BV công chấp hành nghiêm… Ngược lại, nhiều cơ sở y tế khác đưa ra các gói khám hậu Covid-19 với chi phí khá cao, nhất là các cơ sở tư.

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có văn bản gửi các cơ sở y tế về việc thực hiện thu giá khám, chữa bệnh và tổ chức khám sức khỏe hậu Covid-19. Cụ thể, không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám chữa bệnh kể cả các dịch vụ theo yêu cầu; không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám hậu Covid-19; không gợi ý, ép BN tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe hậu Covid-19 với giá khám theo yêu cầu. 

Tin nóng chiều 30/3: EVN lo ngại nguy cơ thiếu điện từ tháng 4/2022 1
Một sản phẩm từ nước ngoài được quảng cáo điều trị hỗ trợ hậu Covid-19 - Ảnh: TNO

EVN lo ngại nguy cơ thiếu điện từ tháng 4/2022

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, căn cứ số liệu tổng hợp được cập nhật đến ngày 30/3/2022, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của tập đoàn vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.

Trong quý 1/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp điện từ phía người sử dụng điện, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ,... góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện. EVN rất mong nhận được sự chia sẻ của các khách hàng sử dụng điện.

Thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu từ ngày 1/4

Tổng cục Thuế cho biết thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn sẽ giảm 50% và thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa giảm 70%, từ ngày 1/4-31/12.

Cụ thể, từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn sẽ giảm 50% và thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa giảm 70%.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.

Ngày 1/4 tới, Liên Bộ Công Thương-Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ.

Tin nóng chiều 30/3: EVN lo ngại nguy cơ thiếu điện từ tháng 4/2022 2
Ảnh minh họa - Nguồn: Vietnam+

Các khoản nợ của Tập đoàn FLC liệu có đáng lo ngại?

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán," "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán."

Điều này ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến giá các cổ phiếu họ FLC, không những vậy, cổ phiếu của các ngân hàng cấp tín dụng cho tập đoàn này cũng bị vạ lây do lo ngại các khoản nợ xấu có thể phát sinh từ vụ việc này.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2021 của Tập đoàn FLC cho thấy tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của FLC lên tới gần 34.000 tỷ đồng. Nợ phải trả của tập đoàn này vượt 24.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ vay của FLC lại không lớn so với quy mô vốn chủ sở hữu.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng dư nợ của FLC gần 6.200 tỷ đồng (không tính dư nợ thuê tài chính), bao gồm khoản vay ngắn hạn hơn 2.000 tỷ đồng; vay dài hạn gần 4.200 tỷ đồng. Tổng dư nợ của tập đoàn này không thay đổi nhiều so với năm 2020, chiếm trên 18% tổng nguồn vốn.

TIN QUỐC TẾ 

Saudi Arabia và UAE tuyên bố OPEC+ không can dự các vấn đề chính trị

Ngày 29/3, các bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhấn mạnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, không can dự vào các vấn đề chính trị, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng liên minh này vẫn có thể hoạt động mà không có Nga.

Phát biểu tại phiên thảo luận nhóm trong khuôn khổ một sự kiện diễn ra tại Dubai (UAE), Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al-Mazrouei tuyên bố các nước thành viên OPEC+ không đứng về bên nào cũng như không đánh giá các vấn đề chính trị.

Theo ông, OPEC+ không thể bị ép buộc phải trục xuất một số đối tác của mình vì điều này sẽ dẫn đến sự leo thang giá dầu trên các thị trường quốc tế.

Tin nóng chiều 30/3: EVN lo ngại nguy cơ thiếu điện từ tháng 4/2022 3
Trụ sở OPEC tại Vienna (Áo) - Ảnh: AFP/TTXVN

Liên hợp quốc lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo xung đột tại Ukraine đang đe dọa phá hủy thành quả mà WFP đã nỗ lực suốt nhiều năm qua để đảm bảo lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ vì Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/3, ông Beasley nhấn mạnh trước khi xảy ra xung đột, 50% lượng ngũ cốc mà WFP hỗ trợ các nước là mua của Ukraine.

Ngoài ra, xung đột khiến WFP cũng không nhập được các sản phẩm phân bón từ Nga và Belarus. Do vậy, mùa màng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sản lượng thu hoạch được dự báo sẽ giảm ít nhất 50%.

Lãnh đạo Mỹ và EU thảo luận về kết quả đàm phán Nga-Ukraine

Ngày 29/3, các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã có cuộc điện đàm về kết quả vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu với báo giới tại Washington sau cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các bên đồng thuận "sẽ chờ xem" các động thái tiếp theo của Nga và Ukraine.

Cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul được cho là đạt tiến triển tích cực. Sau cuộc đàm phán, Nga thông báo sẽ "giảm đáng kể các hoạt động" gần Kiev và Chernihiv.

Trong khi đó, nhà đàm phán Ukraine David Arakhamia cho rằng những tiến bộ đạt được trong đàm phán có thể dẫn tới một cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, theo tuyên bố của Nhà Trắng, các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy trong cuộc điện đàm nói trên đã nhất trí chưa dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế đối với Nga và sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Tin nóng chiều 30/3: EVN lo ngại nguy cơ thiếu điện từ tháng 4/2022 4
Các nhà đàm phán Ukraine phát biểu với báo giới sau cuộc đàm phán với phái đoàn Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/3/2022 - Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Ba Lan ngày 29/3 công bố một dự luật cấm nhập khẩu than từ Nga. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên của châu Âu liên quan đến nguồn năng lượng từ Nga.

* Nội dung này được phát sóng trên kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz
Giao thông, tin tức mỗi ngày cùng Nhịp Sống Sài Gòn trên tần số VOH Fm95.6Mhz
Tổng đài giao thông: 028.3822.1188
Fanpage liên hệ: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/