Tin trong nước
Khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2
Ngày 29-3, tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Đây là cây cầu thứ 2 có quy mô lớn bắc qua sông Tiền nối Tiền Giang - Bến Tre.
Theo ông Nguyễn Duy Lâm - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6km, quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ); vận tốc thiết kế 80km/h. Đây là dự án đầu tư công với tổng kinh phí trên 5.175 tỉ đồng từ ngân sách trung ương.
Vị trí xây dựng cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8km về phía thượng lưu, điểm đầu giao cắt giữa quốc lộ 1 với đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, điểm cuối kết nối với quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Miền Trung đón đợt mưa lớn trái mùa, có nơi trên 400mm
Từ ngày 30-3 đến ngày 2-4, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đón đợt mưa lớn trái mùa với lượng mưa phổ biến từ 150-350mm, có nơi trên 400mm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ngày 29-3, trong 1-2 ngày tới, rãnh áp thấp dịch chuyển dần lên phía Bắc, trên rãnh áp thấp có khả năng hình thành một vùng áp thấp có xu hướng dịch chuyển về phía đất liền nước ta.
Dự báo do ảnh hưởng của rãnh áp thấp với hoàn lưu vùng áp thấp trên, kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh nên từ ngày 30-3 đến ngày 2-4, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh tăng cường nên từ ngày 31-3, ở miền Bắc cũng có mưa, mưa rào và dông, riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to. Từ đêm 31-3, trời chuyển rét.
Đường truyền hỏng, người mua xe nhập khẩu 'không đăng ký được'
Nhiều ngày qua, người mua xe nhập khẩu đến các điểm đăng ký xe tại TP.HCM không thể làm thủ tục vì đường truyền bị hỏng.
Sáng 29-3, thượng tá Nguyễn Cao Thúy - phó trưởng phòng hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện (Phòng 5) Cục CSGT (C08) Bộ Công an - khẳng định sự cố trên do đường truyền từ Bộ Tài chính đến Bộ Công an bị hỏng, không truyền được về hệ thống đăng ký xe của Cục CSGT.
Do đó, hồ sơ đăng ký xe nhập khẩu tại TP.HCM và một số tỉnh, thành trên cả nước bị dồn ứ. Những ngày qua, Cục CSGT đã nắm được thông tin và phối hợp với Tổng cục Hải quan (thuộc Bộ Tài chính) khắc phục sự cố.
Thượng tá Thúy thông tin thêm, đến 9h sáng nay (29-3), Cục CSGT và Tổng cục Hải quan đã phối hợp khắc phục được đường truyền của hệ thống, việc đăng ký xe nhập khẩu trở lại bình thường, không bị gián đoạn.
Giá xăng có thể giảm bao nhiêu ngày 1-4?
Hiện tại giá cơ sở tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán xăng dầu trong nước ở mức 1.200 đồng/lít, còn dầu diesel (DO) cao hơn 3.500 đồng/lít. Tuy nhiên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường với mức giảm 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu kể từ 1-4 nên giá xăng nhiều khả năng sẽ giảm, còn dầu DO có thể phải tăng giá.
Như vậy, theo tính toán, với xăng, sau khi đã trừ đi 2.000 đồng/lít do giảm thuế, giá xăng sẽ cao hơn giá cơ sở (đã gồm giá thế giới, thuế phí, lợi nhuận định mức...) khoảng 800 đồng (tính đến ngày 28-3). Nếu liên bộ Tài chính - Công thương không trích quỹ bình ổn hoặc trích ở mức thấp, xăng sẽ giảm giá. Riêng với dầu DO, do chênh lệch giá bán và giá đầu vào cao, nên dù đã giảm thuế, giá dầu vẫn cao hơn giá cơ sở 2.500 đồng/lít. Vì vậy nhiều khả năng dầu sẽ tăng giá trên 2.000 đồng/lít nếu không chi mạnh quỹ bình ổn.
Tin thế giới
Điện Kremlin: Phương Tây 'đừng dồn Nga vào đường cùng'
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi phương Tây "đừng dồn Nga vào đường cùng", đồng thời khẳng định Matxcơva đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc NATO mở rộng về phía đông.
Ngoài ra, ông Peskov cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện nay giống như một cuộc chiến chống lại Nga trong lĩnh vực thương mại. Mỹ và nhiều nước đồng minh đang áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế lên Nga, sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Matxcơva tại Ukraine. Ông cũng kêu gọi sự thấu hiểu dành cho nước Nga để "thích nghi với thực tế mới".
Ngày 28-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương Nga, Chính phủ và Tập đoàn khí đốt Gazprom phải báo cáo về các biện pháp để nhận thanh toán khí đốt bằng đồng rúp trước ngày 31-3. Về nguy cơ vấp phải bế tắc trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, ông Peskov khẳng định Nga sẽ không "làm từ thiện" nếu châu Âu không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp.
Nga và Ukraine bắt đầu vòng đàm phán mới tại Thổ Nhĩ Kỳ
Chiều 29/3, các chuyên gia đàm phán của Nga và Ukraine đã bắt đầu vòng đàm phán hòa bình mới tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
Tổng thống nước chủ nhà Recep Erdogan đã nồng nhiệt chào đón hai phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine tại Cung Dolmabahce ở thành phố Istanbul.
Tổng thống Erdogan cho rằng đây là thời điểm để các cuộc thương lượng mang lại kết quả rõ ràng. Ông nhận định tiến trình đàm phán đang làm gia tăng hy vọng về hòa bình, đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc họp này sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia và khu vực.
Nỗi lo lạm phát 'bủa vây' châu Á
Ông Akio Shibata, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên thiên nhiên Nhật Bản, cảnh báo rằng sự gián đoạn nguồn cung phân bón có thể đe dọa sản xuất lúa gạo và dẫn đến tình trạng bất ổn. Ông nhấn mạnh lương thực là yếu tố ổn định xã hội và điều đặc biệt quan trọng đối với chính phủ các nước đang phát triển là đảm bảo giá mặt hàng này vẫn ổn định.
Một số nhà kinh tế cho rằng châu Á vẫn chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng, nhưng không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Ông Kensuke Tanaka, phụ trách các vấn đề châu Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cảnh báo: "Tình hình có thể thay đổi và có thể có nhiều áp lực hơn".
Chuyên gia kinh tế Irfan Qureshi tại Ngân hàng Phát triển châu Á, nhận định lạm phát gia tăng trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được. Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương trong khu vực phải theo dõi tình hình lạm phát của mỗi nước một cách chặt chẽ. Lạm phát cao và kéo dài ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo và do đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội.