Tin nóng trưa 7/3: Giá vàng vượt mức 71 triệu đồng/lượng vào sáng 7/3

(VOH) - Giá vàng trong nước sáng đầu tuần hôm nay (7/3) một lần nữa phá đỉnh lịch sử và ghi nhận mức đỉnh mới ở 71 triệu đồng/lượng.

TIN TRONG NƯỚC

Bộ Y tế, SARS-CoV-2
Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh chỉ xét nghiệm 1 lần trong 24 giờ đầu, trừ trẻ dưới 2 tuổi (Ảnh: Sở Y tế TPHCM) 

Đề xuất người nhập cảnh chỉ xét nghiệm 1 lần trong 24 giờ đầu, trừ trẻ dưới 2 tuổi.

Trong đề xuất vừa gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế đề nghị người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 24 giờ (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh về Việt Nam. Trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), người nhập cảnh thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi). Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú nhưng phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và các biện pháp phòng chống dịch khác của địa phương. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định.

Giá vàng vượt mức 71 triệu đồng/lượng vào sáng 7.3.

Các đơn vị kinh doanh vàng trong nước tăng mạnh giá vàng miếng SJC khá nhanh, lên mức đỉnh từ trước đến nay. Mi Hồng đã tiếp tục tăng thêm 200.000 đồng mỗi lượng vàng miếng SJC, giá bán đẩy lên mức kỷ lục 71,1 triệu đồng/lượng và mua vào lên 69,8 triệu đồng/lượng. Mức giá 71 triệu đồng mỗi lượng vàng bán ra được các công ty kinh doanh vàng như Doji, Vietnam Gold đẩy lên đầu ngày, còn giá mua vào ở mức 69,4 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC cũng có giá mua vào 69,4 triệu đồng/lượng nhưng bán mềm hơn, ở 70,6 – 70,62 triệu đồng/lượng, thấp hơn các đơn vị khác 400.000 đồng/lượng. 

Tin nóng trưa 7/3: Giá vàng vượt mức 71 triệu đồng/lượng vào sáng 7/3 2
Giá vàng ghi nhận mức đỉnh mới với 71 triệu đồng/lượng (Ảnh: FX Empire)

Tốc độ tăng giá của vàng miếng SJC nhanh hơn đã làm giãn mức đắt đỏ lên kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay với 15,7 triệu đồng/lượng. Người mua vàng trong nước thời điểm này sẽ phải trả mức giá cao hơn quốc tế 28,5%. Sau đợt tăng khá mạnh đầu ngày, kim loại quý quốc tế duy trì mở mức 1.992 – 1.994 USD/ounce.

Hãng xe công nghệ đầu tiên tăng giá cước vì áp lực giá xăng

Theo thông báo mới nhất Grab vừa gửi các đối tác tài xế, hãng xe công nghệ này sẽ bắt đầu tăng cước phí tất cả các dich vụ từ 10.3. Cụ thể, giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP.HCM tăng từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng, loại 7 chỗ từ 32.000 đồng lên 34.000 đồng. Mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này là 10.000 đồng, tăng thêm 500 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000 - 2.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.

Trong khi đó, đại diện các hãng xe công nghệ khác như Gojek, Be vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước.

TP.HCM kiến nghị gỡ vướng xây mới chung cư cũ

Văn phòng UBND TP.HCM cho biết lãnh đạo TP.HCM đã đăng ký lịch làm việc với Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành T.Ư nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình di dời, bố trí tái định cư và xây dựng mới chung cư cũ trên địa bàn. Theo thống kê, vướng mắc về bồi thường nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có 9 dự án, gồm: chung cư 23 Lý Tự Trọng, 128 Hai Bà Trưng, 289 Trần Hưng Đạo - 74 Hồ Hảo Hớn, 100 Cô Giang (Q.1), 251 Hoàng Văn Thụ, 350 Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), chung cư Tân Phước (Q.11), chung cư Soái Kình Lâm (Q.5), chung cư Nguyễn Kim (lô K, L, M, N, O thuộc Q.10).

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong các trường hợp như không kêu gọi được nhà đầu tư, không thể xây dựng lại chung cư ở vị trí cũ. Hiện có 7 dự án đang gặp vướng mắc về vấn đề này, gồm: 155 - 157 Bùi Viện (Q.1), 6Bis Nguyễn Tất Thành, Trúc Giang (Q.4), 440 Trần Hưng Đạo (Q.5), 119B Tân Hòa Đông (Q.6), 137 Lý Thường Kiệt, 149 - 151 Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình). UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo hướng xử lý là nhà nước sẽ tổ chức di dời, bố trí tái định cư cho người dân ở các địa điểm khác bằng nguồn vốn đầu tư công; đồng thời khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi quy hoạch và mục đích sử dụng đất để tổ chức đấu giá, thu hồi ngân sách.

Hội An: nhà cổ bị cháy trụi trong đêm

Sáng 7-3, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cháy ngôi nhà cổ số 134 Nguyễn Thái Học (phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).  Trước đó, khoảng 22 giờ 10 tối 6-3, người dân phát hiện ngọn lửa bốc lên nghi ngút từ tầng 2 của ngôi nhà và nhanh chóng lan xuống tầng 1 nên đã hô hoán nhau dập lửa đồng thời điện báo cho cơ quan chức năng. Sau khoảng 1,5 tiếng đồng hồ, đám cháy đã được khống chế, không lan rộng ra các ngôi nhà kề bên. Vụ cháy không gây thiệt hại về người tuy nhiên ngôi nhà cổ số 134 Nguyễn Thái Học bị lửa thiêu trơ trọi. Theo người dân địa phương, ngôi nhà cổ trên là cơ sở kinh doanh đồ ăn vặt, nước giải khát. Một số người nhận định nguyên nhân vụ cháy có thể do chập điện từ tầng 2 của ngôi nhà.

Tin thế giới

Người nhiễm biến thể Omicron ít có nguy cơ tái nhiễm trong vài ba tháng

Đây là ý kiến của các chuyên gia Singapore được đăng trên tờ The Straits Times mới đây, trong đó cũng tái khẳng định vaccine vẫn là cách thức chủ yếu để giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Theo Phó Giáo sư Hsu Li Yang thuộc trường Y tế công Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhìn chung nguy cơ tái nhiễm COVID-19 trong vòng 6 tháng là cực thấp. Ông cũng cho rằng nguy cơ nhiễm lại cùng 1 biến thể là không đáng quan ngại trong năm đầu tiên, dù rằng hiện vẫn cần thêm bằng chứng để chắc chắn về điều này. Nhìn chung, khả năng nhiễm virus trở lại sẽ tăng theo thời gian, khi mức độ kháng thể giảm dần.

Trong khi đó, Giáo sư Dale Fisher, cố vấn cấp cao thuộc Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore, dẫn các nghiên cứu gần đây cho biết nguy cơ tái nhiễm ở người nhiễm biến thể Omicron ít xảy ra trong vòng 2 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tăng khi bệnh nhân đã nhiễm 1 biến thể khác trước khi nhiễm Omicron, bởi các biến thể mới ít bị ảnh hưởng hơn bởi kháng thể được sinh ra để chống lại các biến thể trước.

Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm cộng đồng cao nhất từ sau Vũ Hán

Reuters dẫn dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 7/3 cho biết nước này ghi nhận 214 ca nhiễm có triệu chứng lây lan trong cộng đồng trong ngày 6/3.Đây là số ca nhiễm được ghi nhận hàng ngày cao nhất kể từ khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu thống kê từ tháng 3/2020 dưới hình thức tách riêng các ca nhiễm được phát hiện trong nước với các ca nhập cảnh từ bên ngoài Trung Quốc đại lục. Phần lớn trong số 214 ca nhiễm trong cộng đồng ghi nhận hôm 6/3 được phát hiện ở các tỉnh Quảng Đông, Cát Lâm và Sơn Đông.

Gần 6 triệu người chết toàn cầu vì Covid-19

Theo số liệu được Đại học Johns Hopkins công bố, từ khi đại dịch bùng phát tới nay, thế giới đã ghi nhận 5.997.994 người chết vì Covid-19 tính đến chiều 6/3. Đây được coi là lời nhắc nhở rằng đại dịch chưa kết thúc, trong bối cảnh người dân nhiều nơi đã bắt đầu từ bỏ khẩu trang, hoạt động du lịch và các doanh nghiệp cũng đang mở cửa lại trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Ba Lan, Hungary, Romania và các quốc gia Đông Âu khác vẫn ở mức cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại về dịch bệnh diễn biến phức tạp khi các nước này tiếp nhận gần 1,5 triệu người tị nạn từ Ukraine, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tỷ lệ nhiễm cùng tử vong cao. Bất chấp tiềm lực tài chính và nguồn vaccine dồi dào, Mỹ cũng ghi nhận gần một triệu ca tử vong do Covid-19.Tỷ lệ tử vong toàn cầu ở người chưa tiêm vaccine vẫn cao nhất, theo Tikki Pang, đồng chủ tịch Liên minh Tiêm chủng châu Á Thái Bình Dương.

Mưa bão gây thiệt hại lớn ở Úc

Theo Reuters, một hệ thống thời tiết bất thường đã trút lượng mưa của hơn một năm xuống miền Nam bang Queensland và miền Bắc bang New South Wales (NSW) trong vòng hơn một tuần qua. Hậu quả kéo theo là thiệt hại trên diện rộng, khiến hàng ngàn người phải sơ tán và tài sản, gia súc… bị mất mát. Cục Khí tượng của NSW dự báo một đợt mưa lớn mới sẽ xảy ra ở bang này trong vài ngày tới, trong đó có thủ phủ Sydney, làm nguy cơ lũ lụt tăng cao. Nhà khí tượng học Jane Golding cho biết sông Clarence ở phía Bắc NSW tiếp tục ở mức lũ lớn trước khi tình hình thời tiết hiện nay có thể chấm dứt vào giữa tuần này. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đang làm các trận lũ lụt, cháy rừng, bão và hạn hán xảy ra thường xuyên và có mức độ nghiêm trọng hơn ở Úc.