Tin tổng hợp sáng 29/11: Đề xuất tạm dừng nhập cảnh hành khách từ 7 quốc gia châu Phi

(VOH) - Bộ Y tế đề xuất tạm dừng nhập cảnh hành khách từ 7 quốc gia phát hiện biến thể Omicron. Khắc phục tình trạng F0 không liên lạc được với trạm y tế tại TPHCM.

TIN TRONG NƯỚC

Việt Nam tiếp nhận 1,4 triệu liều vắc xin Pfizer từ Pháp

Trong các ngày 27 và 28/11, Việt Nam đã tiếp nhận thêm khoảng 1,4 triệu liều vắc xin Pfizer do Pháp hỗ trợ, nâng tổng số liều vắc xin Pháp hỗ trợ cho Việt Nam đến nay lên hơn 2 triệu liều.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong số 1,4 triệu liều vắc xin Việt Nam vừa tiếp nhận, có 400.000 liều thông qua qua kênh song phương và gần 1 triệu liều thông qua cơ chế COVAX.

vắc xin, covid-19
Tổng số liều vắc xin Pháp hỗ trợ cho Việt Nam đến nay lên hơn 2 triệu liều

Đây là kết quả của những nỗ lực ngoại giao vắc xin và là thành quả chuyến thăm chính thức Pháp đầu tháng 11 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Sự hỗ trợ mà Chính phủ và nhân dân Pháp dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có ý nghĩa quan trọng.

Đề xuất tạm dừng nhập cảnh hành khách từ 7 quốc gia phát hiện biến thể Omicron

Chiều tối 28/11, Bộ Y tế cho biết đã có đề xuất tạm dừng nhập cảnh hành khách đến Việt Nam từ 7 quốc gia phát hiện biến thể Omicron.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19.

Đồng thời yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

TPHCM: Khắc phục tình trạng F0 không liên lạc được với trạm y tế

Với lượng F0 đang gia tăng tại TPHCM, một số trạm y tế đã rơi vào tình trạng quá tải. Đơn cử như trạm y tế phường 22, quận Bình Thạnh chỉ có 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng nhưng số lượng F0 của phường đang là 500 ca. Việc chăm sóc F0 quá tải, trạm còn thực hiện các công việc như truy vết, tiêm vắc xin.

Khi các trạm y tế quá tải, F0 tại một số nơi cho biết khó khăn liên lạc trạm y tế. Tuy vậy, vẫn có tình trạng F0 tự test dương tính nhưng không báo cho ngành chức năng. Điều này được ngành y tế khuyến cáo nếu lây lan dịch bệnh có thể bị xử lý.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, người dân có thể gọi lên đường dây nóng của ngành y tế và tổ phản ứng nhanh. Sở Y tế TP đã cung cấp 2 số điện thoại, người dân có thể gọi điện bao gồm 0967.771.010 và 0989.401.155.

Nhiều tỉnh miền Tây tăng cấp độ dịch

Ngày 28/11, tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Tây vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhiều tỉnh vẫn tăng số ca mắc mới, tăng ca bệnh nặng và tử vong.

Tại Cần Thơ, số F0 mới phát sinh tăng quá cao liên tiếp những ngày gần đây, đặc biệt dịch diễn biến phức tạp nhất tại quận trung tâm Ninh Kiều, với hàng loạt ổ dịch tại các khu vực dân cư đông đúc. Trước tình hình quá tải điều trị, Sở Y tế thành phố đã phân loại lại các tầng điều trị tại một số bệnh viện, để gia tăng số giường dành cho bệnh nhân trung bình và nặng tại bệnh viện.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, cùng ngày tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định nâng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (nguy cơ cao), thời gian áp dụng từ 30-11. Đối với các địa phương trong tỉnh, Vĩnh Long chia cấp độ gồm: TP Vĩnh Long, các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn cấp độ 3; huyện Bình Tân cấp độ 2 và TX Bình Minh cấp độ 4.

Còn tại Sóc Trăng, do tình hình dịch phức tạp, tỉnh cũng đã có quyết định nâng cấp độ dịch lên cấp nguy cơ cao vùng 3 (màu cam); cấm người dân ra đường vào buổi tối từ 21h - 4h sáng hôm sau áp dụng từ tối 28/11.

Sóc Trăng kêu gọi trẻ em từ 12 tuổi trở lên đi tiêm vắc xin

Chiều tối ngày 28/11, tỉnh Sóc Trăng thông báo về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Hiện nay Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin đầy đủ cho tỉnh Sóc Trăng để tiêm cho tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các địa phương, đến thời điểm này vẫn còn một số người dân từ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm vắc xin hoặc mới tiêm 1 mũi.

vắc xin covid-19,
Nhiều tỉnh thành đã triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em (Ảnh: Chính phủ)

Để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân trước diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, tỉnh Sóc Trăng thông báo đến tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 (hoặc đã tiêm mũi 1 đủ thời gian) khẩn trương liên hệ ngay trạm y tế xã, phường, thị trấn gần nhất đăng ký để được tiêm vắc xin.

Bình Định điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tại tỉnh Bình Định, Sở Y tế đã triển khai việc chăm sóc và điều trị các ca F0 tại nhà.

Để đảm bảo việc chăm sóc và điều trị các ca F0 tại nhà, hàng ngày, các nhân viên y tế của Tổ chăm sóc trực tiếp sẽ theo dõi, nắm tình hình các ca bệnh. Đồng thời, thường xuyên thăm hỏi và có những hướng dẫn kịp thời khi có tình huống bất thường xảy ra.

F0 được cách ly, điều trị tại nhà là người nhiễm Covid-19 không có hoặc có các triệu chứng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng… Việc áp dụng điều trị các bệnh nhân F0 tại nhà, sẽ góp phần giảm áp lực cho các trung tâm y tế cũng như mang lại tâm lý thoải mái cho bệnh nhân.

TIN THẾ GIỚI

CDC Trung Quốc: 'Zero COVID' ngăn 200 triệu ca nhiễm

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu tại CDC Trung Quốc cho biết nước này đã ngăn chặn hơn 200 triệu ca nhiễm Covid-19 và 3 triệu ca tử vong nhờ vào chính sách "Zero COVID" (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng).

Chuyên gia dịch tễ này nói rằng chính sách "Zero COVID" chính là "pháp bảo" của Trung Quốc để kiểm soát dịch bệnh.

Chính sách "Zero COVID" và các biện pháp hạn chế nhập cảnh là phần cốt lõi của chiến lược phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc. Chiến lược này cần phải được tuân thủ trong suốt mùa đông và mùa xuân ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Trung Quốc không thể làm theo Mỹ vì đối với Mỹ và đa số các nước châu Âu, số lượng bệnh nhân Covid-19 trong nước của họ lớn hơn nhiều so với số ca mắc Covid-19 đến từ nước ngoài. Do đó, chiến lược này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh của họ.

Trung Quốc vẫn chưa nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại đối với khách nước ngoài và việc nới lỏng sẽ không sớm diễn ra.

Nam Phi cân nhắc khả năng tiêm vắc xin bắt buộc

Tối 28/11, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định sẽ chưa thắt chặt các quy định phòng chống dịch Covid-19 vì sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 mới mang tên Omicron. Tuy nhiên, Chính phủ nước này đã thành lập một nhóm đặc nhiệm xem xét khả năng bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19.

Covid-19
Chính phủ Nam Phi thành lập một nhóm đặc nhiệm xem xét khả năng bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 (Ảnh: UN)

Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, ông Ramaphosa cho biết, nhóm chuyên trách sẽ thực hiện tham vấn rộng rãi về việc có áp dụng quy định tiêm chủng bắt buộc đối với một số hoạt động và địa điểm cụ thể.

Tổng thống Nam Phi bày tỏ sự thất vọng trước việc một số nước quyết định áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ các quốc gia miền Nam châu Phi. Ông cho rằng, đây là phản ứng gay gắt, không cần thiết và có thể bị coi là đòn trừng phạt đáng tiếc.

Moderna nói năm 2022 mới có vắc xin mới chống biến thể Omicron

Giám đốc y tế Moderna - Paul Burton lo ngại các loại vắc xin hiện tại có thể giảm hiệu quả trước biến thể Omicron, và nếu cần phát triển vắc xin mới chống biến thể này thì chúng ta có thể phải chờ tới năm 2022.

Ông Burton cho biết thêm rằng khả năng bảo vệ của vắc xin trước biến thể Omicron vẫn còn phụ thuộc vào việc đã tiêm vắc xin được bao lâu. Lời khuyên tốt nhất của ông là hãy tiêm một trong các loại vắc xin hiện có.

Moderna đang nghiên cứu khả năng chống lại biến thể Omicron của loại vắc xin hiện tại, đồng thời nghiên cứu hai ứng cử viên vắc xin khác để tiêm liều tăng cường.

Sự xuất hiện của Omicron đã khiến nhiều quốc gia siết chặt biên giới với người từ khu vực phía nam châu Phi. Châu Âu và Mỹ đều đã hạn chế du khách từ Nam Phi và các nước lân cận.

Biến thể Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2, hiện đã có mặt ở nhiều nước.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi Omicron là biến thể "đáng lo ngại" và đang theo sát tình hình.

Đức xác nhận trường hợp thứ ba nhiễm biến thể Omicron

Hôm qua, một trường hợp nghi ngờ nhiễm Omicron đã được phát hiện trong số các hành khách đến từ Nam Phi tại sân bay Frankfurt, bang Hesse, một trong những trung tâm hàng không bận rộn nhất châu Âu.

Cùng ngày, các quan chức y tế ở bang miền Nam Bavaria đã phát hiện hai trường hợp mắc Omicron.

Các hạn chế đối với việc đi lại bằng đường hàng không từ miền Nam châu Phi đã có hiệu lực từ ngày 28/11 sau khi vùng này được phân loại là khu vực có virus. Theo đó, các hãng hàng không chỉ có thể vận chuyển công dân Đức từ Nam Phi về nước và ngay cả những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn phải thực hiện cách ly bắt buộc trong 14 ngày.

Biến thể mới đã gây ra cảnh báo ở Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác, châu lục đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng dịch thứ tư với sự gia tăng các trường hợp mắc Covid-19. Ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu báo cáo về các trường hợp mắc biến thể Omicron mới được phát hiện.

Ấn Độ: Ô nhiễm không khí trong nhà - "kẻ giết người" thầm lặng

Ô nhiễm không chỉ xảy ra trên đường phố mà còn trong chính các ngôi nhà. Các chất độc hại như sơn, chất tẩy rửa có thể gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe còn hơn ở ngoài đường phố.

Khói là "kẻ giết người" thầm lặng trong những nhà bếp ở vùng nông thôn Ấn Độ. Một nửa số hộ gia đình ở nước này dùng củi hay phân bò để nấu ăn. Khói từ những nguyên liệu là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trong nhà. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở Ấn Độ.

"Mỗi năm có 600.000 người tử vong sớm do ô nhiễm không khí trong nhà ở Ấn Độ. 70% trong số đó là những người trên 60 tuổi trở lên và khoảng 10% là trẻ em".

Bình luận