Tin Covid-19 ngày 28/11: Nhiều nước cấm chuyến bay từ Nam Phi do lo ngại biến chủng Omicron

(VOH) - Ngoài một số nước ở châu Phi, Omicron đến nay đã xuất hiện tại nhiều nước, vùng lãnh thổ ở châu Âu và châu Á như Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy, Israel và Hong Kong (Trung Quốc).

Bộ Y tế Đan Mạch đang nhanh chóng làm xét nghiệm đối với 2 trường hợp nghi nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt lên là Omicron.

tin-covid-19-ngay-28-11-nhieu-nuoc-cam-chuyen-bay-tu-nam-phi-do-lo-ngai-bien-chung-omicron-voh.com.vn-anh1
Ảnh: Health Line

Theo Bộ Y tế Đan Mạch, 2 ca nhiễm nói trên mới vừa trở về nước từ Nam Phi - quốc gia phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên vào tuần trước. Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke ngày 27-11 cho rằng nhiều khả năng đây là 2 ca nhiễm biến thể mới, tuy nhiên vẫn cần kết quả xét nghiệm xác nhận trong vài ngày tới.

Tại CH Séc, cùng ngày, một bệnh viện tại thành phố Liberec, phía Bắc nước này thông báo về một bệnh nhân nữ đã nhiễm biến thể Omicron. Người phát ngôn của bệnh viện này khẳng định kết quả phân tích gene và chẩn đoán cho thấy 90% khả năng bệnh nhân này này nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2.

Trước đó, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis cũng đã thông báo về 1 ca nghi nhiễm Omicron, cho biết bệnh nhân từng có thời gian lưu trú tại Namibia và trước khi về CH Séc có quá cảnh qua Nam Phi và Dubai.

Việc CH Séc xác nhận trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên ở nước này cần kết quả xét nghiệm và phân tích của Cơ quan y tế quốc gia. Ngoài một số quốc gia châu Phi, Omicron đến nay đã xuất hiện tại nhiều nước, vùng lãnh thổ châu Âu và châu Á như Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy, Israel và Hong Kong (Trung Quốc).

Giới chức Hà Lan cho hay đã phát hiện 61 ca mắc COVID-19 trong số những người đến từ Nam Phi và đang tiến hành xét nghiệm khẩn cấp xem liệu những trường hợp này có nhiễm biến thể Omicron hay không.

Các ca mắc mới trong số khoảng 600 hành khách trên hai chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Schiphol của thủ đô Amsterdam vào ngày 26/11. Giới chức Hà Lan nêu rõ những hành khách trên hai chuyến bay trên đã được dành khu vực riêng biệt, không liên quan tới hành khách trên các chuyến bay khác, trong khi những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 đã được đưa đi cách ly.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của biến thể này, nhiều nước trên thế giới đã ngay lập tức đưa ra quy định cấm bay đối với những nước có nguy cơ cao, đặc biệt các nước châu Phi đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Biến chủng B.1.1.529 được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi ngày 24/11, một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn sau đó hai ngày và đổi tên biến chủng này thành Omicron, xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta.

Omicron có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn. Giới khoa học đang chạy đua xác định mối đe dọa từ chủng Omicron và có cần điều chỉnh vaccine Covid-19 hiện tại hay không.

Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhắc nhở các quốc gia Đông Nam Á không hạ thấp cảnh giác trong bối cảnh thế giới đang lo lắng về biến thể đáng lo ngại Omicron.

Theo đó, các nước Đông Nam Á nên đánh giá rủi ro nhập khẩu virus thông qua khách quốc tế và thực hiện các biện pháp phù hợp để đối phó biến thể Omicron.

"Ngoại trưởng Antony Blinken đặc biệt ca ngợi các nhà khoa học Nam Phi đã nhanh chóng xác định biến chủng Omicron, cũng như chính phủ nước này vì sự minh bạch trong chia sẻ thông tin. Đây là hình mẫu cho cả thế giới", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor hôm 27/11.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang làm việc với giới chức các nước khác để tìm hiểu thêm về chủng Omicron. Tổng thống Biden nói số ca nhiễm chủng Omicron tăng là lý do người Mỹ cần tiêm vaccine Covid-19 hoặc mũi tăng cường.

Các biện pháp phòng dịch mà nhiều quốc gia áp dụng để ngăn ngừa lây lan biến thể mới Omicron đang giúp các nhà khoa học có thêm thời gian để giải đáp các câu hỏi then chốt liên quan đến biến chủng này.

Mỹ, Canada, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia đã áp đặt hạn chế nhập cảnh với du khách từ phía Nam châu Phi - nơi có nhiều trường hợp mắc Omicron. Các phòng thí nghiệm ở châu Âu, Mỹ và châu Phi đang chuẩn bị nghiên cứu để đánh giá Omicron tác động thế nào đến Nhung người đã được tiêm vaccine COVID-19 hoặc từng mắc COVID-19 trước đó.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.

Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.

Israel dự kiến cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh từ đêm 28/11, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa hoàn toàn biên giới để ngăn nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập.

Bình luận