Tin tổng hợp tối 22/11: TPHCM không còn quận huyện 'vùng cam'

(VOH) - 11 quận huyện đạt vùng xanh (cấp 1), 11 địa phương vùng vàng (cấp 2), TPHCM không còn đơn vị cấp huyện ở vùng cam (cấp 3), theo công bố của Sở Y tế.

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM không còn quận huyện 'vùng cam'

Theo Sở Y tế TPHCM, từ 12-18/11 có 11 quận, huyện ghi nhận dịch ở cấp 1 là 1, 4, 6, 7, 8, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh, Củ Chi; 11 địa phương cấp 2 là 3, 5, 10, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Thủ Đức, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè.

Tuần qua, có 2 địa phương tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 5 và Phú Nhuận (cấp 1 lên cấp 2); 4 địa bàn giảm cấp độ dịch là 11, Bình Thạnh, Củ Chi (từ cấp độ 2 xuống cấp 1) và Cần Giờ (từ cấp 3 xuống cấp 2).

Đối với tiêu chí 2, hết ngày 18/11, gần 99,92% (trên 18 tuổi) tại TPHCM đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin (đạt trên 70% theo tiêu chí Bộ Y tế) và gần 97,23% người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Với tiêu chí thứ 3 - đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh theo các tuyến, TPHCM có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và đảm bảo số giường hồi sức, cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám, chữa bệnh; sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Bên cạnh đó, các quận huyện thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn đáp ứng khi xảy ra dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tin tổng hợp tối, vùng cam, vùng xanh
Có 11 quận, huyện ghi nhận dịch ở cấp 1 là 1, 4, 6, 7, 8, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh, Củ Chi; 11 địa phương cấp 2 là 3, 5, 10, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Thủ Đức, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè.

Việc đánh giá cấp độ dịch được các tỉnh, thành thực hiện hàng tuần theo Nghị quyết 128 quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 để có biện pháp phòng chống dịch, bệnh thích hợp.

TPHCM tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi

Theo thông tin từ Sở Y tế, hôm nay (22/11) TPHCM bắt đầu tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Thời gian tiêm dự kiến diễn ra đến hết ngày 28/11.

Tính đến hết ngày 21/11, đã tiêm hơn 13,9 triệu liều vắc xin. Trong đó có hơn 7,8 triệu liều mũi 1 và hơn 6 triệu liều mũi 2. Hiện tại TPHCM còn hơn 1,3 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, 238.200 liều AstraZeneca; 659.018 liều Vero Cell và 464.268 liều Pfizer.

Ngày 21/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sau kiến nghị của TPHCM, Bộ Y tế đã cấp 5.000 liều thuốc Molnupiravir kháng vi rút. Bộ Y tế sẽ tiếp tục cân đối để cấp thuốc đủ cho F0 ở TPHCM và các tỉnh tham gia chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát bằng thuốc Molnupiravir. Trước đó, Sở Y tế TPHCM có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị xem xét cấp thêm 100.000 liều Molnupiravir vì hiện số F0 tại TPHCM gia tăng.

TPHCM tiếp tục ở cấp độ 2 dịch Covid-19, kích hoạt 8 cụm bệnh viện

Cổng thông tin Covid-19 TPHCM công bố TP đang ở cấp độ 2 (vùng vàng – nguy cơ trung bình). TP ghi nhận 445.369 ca nhiễm Covid-19 đến thời điểm này.

UBND TPHCM cũng vừa mới ra văn bản thông báo về cấp độ dịch của TP và các địa phương, dựa trên báo cáo đánh giá của Sở Y tế.

Theo bản đồ Covid-19 TPHCM, hiện quận 7 và quận 8 đã đạt 100% tỷ lệ địa phương vùng xanh. Riêng quận Gò Vấp chỉ đạt 6% vùng xanh trên địa bàn.

Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 tăng, Sở Y tế TPHCM đã kích hoạt lại các bệnh viện điều trị Covid-19 theo địa bàn các quận, huyện. Theo đó, các bệnh viện chia thành 8 cụm tương ứng với 22 quận, huyện để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Nhiều địa phương trên cả nước cho học sinh đi học trở lại từ 22/11

Tại Hà Nội, việc cho học sinh trở lại trường được áp dụng ở những địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2.

Tương tự tại Hà Nam, sau khi xem xét đề nghị của Sở Giáo dục & Đào tạo về việc cho học sinh đi học lại, UBND tỉnh đã quyết định cho trẻ trở lại trường từ ngày 22/11.

Trong khi đó ở Nghệ An, sau một tuần triển khai dạy học trực tiếp, sáng nay, thành phố Vinh quyết định tiếp tục cho học sinh các khối 9, 10 và 11 trở lại trường sau gần 3 tháng học trực tuyến.

Đà Nẵng cho phép học sinh lớp 12 đi học trực tiếp từ ngày 22/11, học sinh lớp 10 và 11 được đến trường từ 29/11.

Riêng trường hợp tỉnh Đồng Nai, sinh viên, học sinh các cấp được trở lại lớp từ ngày 22/11 đến 1/12, tùy theo tình hình dịch bệnh.

Học sinh lớp 12 Đà Nẵng đi học trở lại

Hôm nay học sinh khối lớp 12 ở TP Đà Nẵng chính thức quay trở lại trường học sau gần 3 tháng học trực tuyến. Theo kế hoạch của Sở Giáo dục & Đào tạo TP, học sinh khối lớp 11 và lớp 10 đi học trực tiếp từ ngày 29/11.

Chỉ những cơ sở giáo dục ở địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 mới được tổ chức dạy học trực tiếp. Những cơ sở giáo dục ở địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến. Đối với học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên cư trú ở địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 chưa tham gia dạy học trực tiếp. Cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức cho học sinh, học viên học tập tại nhà.

Đến nay, đã có 97% giáo viên và học sinh trung học phổ thông trên địa bàn TP Đà Nẵng được tiêm 1 mũi và chuẩn bị tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19. 

TP. Hà Nội: Hôm nay học sinh lớp 9 ở 17 huyện, thị xã trở lại trường

Trong ngày 21/11, các trường học ở 17 huyện, thị xã đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh lớp 9 trở lại trường học trực tiếp từ sáng nay sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.

Học sinh đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, do đó, các trường chủ động có phương án sẵn sàng ứng phó, chuyển trạng thái dạy học nếu bất ngờ xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng có liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định, tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, có thể bố trí thời gian đi học của học sinh cho phù hợp, chậm nhất trước ngày 24/11. Các trường phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch, chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân.

Du khách bối rối chuyện xét nghiệm khi đến Đà Lạt

Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng ra văn bản yêu cầu du khách, người dân vào tỉnh Lâm Đồng phải có xét nghiệm âm tính có hiệu lực trong vòng 72 giờ, bất kể người dân đến từ vùng 1 hoặc 2 (xanh - vàng).

Quy định này khiến người dân và du khách phản ứng, vì trái với nghị quyết 128 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" của Chính phủ, cũng như văn bản trước đó do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành. Không chỉ phản ứng, người dân còn bối rối không biết phải tuân thủ theo quy định nào cho đúng luật.

Theo Nghị quyết 128, người dân không phải xét nghiệm, trừ người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Những người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh chỉ phải thực hiện xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế; người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Ca mắc Covid-19 cao, Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành văn bản mới

Liên tục trong gần 2 tuần qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục, đa số là các ca ghi nhận trong cộng đồng. Ngày 21/11, toàn tỉnh ghi nhận 541 ca mắc mới, trong đó có 430 ca ngoài cộng đồng.

Hôm nay 22/11, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản hướng dẫn tạm thời quản lý, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà, nơi làm việc. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 25/11.

Theo đó, việc điều trị F0 tại nhà sẽ thực hiện đối với những người mắc Covid-19 được xét nghiệm khẳng định dương tính bằng kỹ thuật PR-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên, không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhưng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, tê lưỡi…

Những F0 được điều trị tại nhà không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, không có dấu hiệu bất thường trong khi thở.

Hà Nội: Phát hiện 12 công nhân dương tính, H.Mê Linh phong tỏa một công ty

Huyện Mê Linh (Hà Nội) đã phát hiện 12 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là công nhân tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Quang Minh.

Trao đổi với báo chí sáng nay, 22/11, lãnh đạo H.Mê Linh cho biết, địa phương đã phát hiện 12 công nhân Công ty C.C. có kết quả dương tính.

Trước đó, sau khi phát hiện hàng chục mẫu test nhanh dương tính, cơ quan y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lại các trường hợp này và đến sáng nay, đã có kết quả.

Trong 12 ca F0 là công nhân công ty này, có 4 người ở H.Mê Linh và 8 người ở H.Sóc Sơn. Trong ngày hôm qua, H.Mê Linh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động, phong tỏa toàn bộ công ty này và lấy mẫu xét nghiệm đối với 320 công nhân.

Quảng Nam ghi nhận số ca Covid-19 tăng kỷ lục trong ngày

Tối 21/11, Quảng Nam ghi nhận 143 ca mắc mới trong ngày, trong đó 89 ca cộng đồng. Các ca bệnh cộng đồng được phát hiện tại huyện Tiên Phước, Điện Bàn, Hiệp Đức, TP. Hội An, Tam Kỳ, Đại Lộc, Quế Sơn và 54 ca đã được giám sát, cách ly từ trước.

Đáng chú ý, nhiều trường học tại Quảng Nam đã xuất hiện F0 là học sinh và giáo viên. Cụ thể: Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (thị xã Điện Bàn) có 56 ca là học sinh và giáo viên. Ngoài ra, có 5 ca là học sinh Trường tiểu học Phan Ngọc Nhân; Tại trường Tiểu học Tiên Cẩm (huyện Tiên Phước) có 23 ca bệnh đều là học sinh.

Bắc Ninh: Tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ

Cụ thể, tạm dừng hoạt động đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ tất cả thời gian trong ngày (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người đến hết ngày 30/11/2021.

Yêu cầu người dân không ra ngoài từ 21h đến 4h sáng hôm sau, trừ các trường hợp: thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm… (phải có giấy tờ xác minh của cơ quan).

Dừng hoạt động đối với các dịch vụ karaoke, quán bar, phòng tập thể hình, Spa cho đến khi có thông báo mới.

Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở: tự tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. 

Quảng Ninh: Dừng liên hoan xiếc vì có ca mắc Covid-19

Ngay sau khi có trường hợp dương tính Covid-19 trong đoàn xiếc, Sở Văn hóa - Thể thao đã phối hợp với các cơ quan chức năng tạm dừng chương trình liên hoan xiếc, cách ly các thành viên đoàn xiếc, truy vết, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc gần. Các địa điểm có liên quan đến các mốc dịch tễ của 5 người này đã được phong tỏa, những người làm việc tại khách sạn, nhà hàng được yêu cầu cách ly tại chỗ, lấy mẫu xét nghiệm.

Trong đêm qua (21/11), thông qua truy xuất quét mã QR Code, thành phố Hạ Long sẽ truy vết toàn bộ những trường hợp liên quan đến buổi biểu diễn xiếc tối 20/11 và sử dụng các dịch vụ tại các cơ sở trên.

Tất cả những người này được coi như trường hợp F1, trước mắt cần thực hiện cách ly tại nhà và liên hệ với Trạm Y tế xã, phường gần nhất để khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm. Những trường hợp là công chức, viên chức, giáo viên, học sinh có liên quan sẽ tạm dừng đến nơi làm việc và học tập.

Nhiều tỉnh ĐBSCL có số ca nhiễm Covid-19 tăng

Tỉnh Đồng Tháp ghi nhận thêm 508 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tỉnh này là 16.736 ca. Đồng Tháp đã chuyển toàn bộ Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc thành cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2, 3. Đến nay, Đồng Tháp đã tiêm vắc xin mũi 1 đạt 90,72%, mũi 2 đạt 60,96% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Tại Sóc Trăng, số ca mắc Covid-19 những ngày qua liên tục tăng. Trong ngày 21/11, Sóc Trăng ghi nhận 486 ca, nâng tổng số ca mắc lên 12.389 ca. Hiện tỉ lệ dân số trên 18 tuổi ở Sóc Trăng được tiêm mũi 1 là 92,63% và mũi 2 là 72,54%.

TP Cần Thơ, tiếp tục tăng cao với 897 ca. Như vậy liên tục từ đầu tháng 11 đến nay số ca F0 trong ngày liên tục tăng cao từ 400 đến trên 900 ca/ngày.

Hiện Sở Y tế TP Cần Thơ đã thành lập tổ điều phối tiếp nhận, phân loại để điều trị các ca F0 tại nhà, củng cố 83 trạm y tế lưu động, thành lập các tổ cấp cứu lưu động để sẵn sàng hỗ trợ các trạm y tế trong việc khám chữa bệnh, cấp cứu các ca F0 chuyển nặng.

TIN THẾ GIỚI

CEO BioNTech: Vắc xin Covid-19 cần được tiêm nhắc hằng năm

Giám đốc điều hành BioNTech cho biết, hiệu quả bảo vệ ở mức "rất cao" của vắc xin Pfizer-BioNTech sẽ được duy trì đến 9 tháng. Tuy nhiên, ông cho biết mức độ bảo vệ này bắt đầu giảm dần từ tháng thứ tư.

Để duy trì mức độ phòng bệnh cao, cần tiêm mũi vắc xin tăng cường. Ông lập luận mũi vắc xin tăng cường sẽ không chỉ khôi phục mức kháng thể, mà còn có khả năng giúp "phá vỡ các chuỗi lây nhiễm".

Giám đốc điều hành BioNTech tin rằng trong tương lai, mọi người có thể cần tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 mỗi năm một lần, giống tiêm phòng cúm. Trước đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt liều vắc xin Covid-19 tăng cường của Hãng Pfizer-BioNTech và Moderna cho tất cả người Mỹ từ 18 tuổi trở lên.

Australia nới lỏng thêm các hạn chế biên giới quốc tế

Chính phủ liên bang Australia đang nỗ lực triển khai các kế hoạch nhằm đưa những người lao động có tay nghề và kỹ năng, có thể từ Hàn Quốc và Nhật Bản, trở lại nước này mà không phải cách ly trước Giáng sinh.

Hiện 2 thành phố lớn nhất của Australia gồm Sydney và Melbourne đã mở cửa biên giới từ đầu tháng 11. Theo đó, du khách quốc tế nhập cảnh sẽ không phải cách ly, mặc dù quy định này mới chỉ áp dụng cho công dân và những người có thẻ cư trú dài hạn tại Australia.

Australia đã đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020 để phòng chống đại dịch, hầu như chỉ cho phép người dân nước này nhập cảnh nhưng phải cách ly 2 tuần tại khách sạn và tự thanh toán chi phí.

Đến nay, hơn 80% trong số những người trên 16 tuổi ở 2 bang lớn nhất Australia và Vùng Thủ đô (ACT) đã được tiêm phòng vắc xin đầy đủ, một điều kiện để nối lại hoạt động đi lại quốc tế.

Học sinh Hàn Quốc bắt đầu trở lại lớp học trực tiếp

Học sinh các trường mẫu giáo và trường học trên toàn Hàn Quốc sẽ bắt đầu trở lại lớp học trực tiếp toàn diện kể từ ngày 22/11.

Đây là bước tiếp theo của chính phủ nước này nhằm thực hiện kế hoạch "Sống chung với Covid-19", từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao.

Các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ và các chuyến đi thực tế, dã ngoại sẽ được nới lỏng dần tùy thuộc diễn biến dịch Covid-19. Học sinh có thể tham gia lớp học ngay cả khi một thành viên trong gia đình có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2, với điều kiện học sinh đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính và không có các triệu chứng. Ngoài ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết sẽ tăng cường nhân lực và ngân sách liên quan đến kiểm dịch để thiết lập một môi trường giáo dục an toàn cho học sinh. 

Trung Quốc đưa nhiều loại thuốc chống Covid-19 vào thử nghiệm lâm sàng

Trong các nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 tái bùng phát, Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng nhiều loại thuốc ngăn chặn Covid-19 khác nhau.

VV116 là một loại thuốc chống vi rút dạng uống do nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc phối hợp phát triển. Các nghiên cứu dược lực tiền lâm sàng cho thấy, VV116 có tác dụng ức chế đáng kể các chủng vi rút gốc và các dạng biến thể của Covid-19 như Delta.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, VV116 có độ an toàn cao và không có độc tính di truyền.

Một loại thuốc uống chống Covid-19 khác cũng đang được nghiên cứu có tên gọi FB2001. Loại thuốc này có hoạt tính ức chế enzyme và có tác dụng kháng vi rút SARS-CoV-2 cao. Một nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 thử nghiệm FB2001 đã được thực hiện tại Mỹ vào hồi đầu năm nay.

Ngoài ra, một loại thuốc mới có quyền sở hữu trí tuệ độc lập của Trung Quốc Prokalamide” đã bắt đầu 3 thử nghiệm lâm sàng tại Brazil từ tháng 9 năm ngoái. Thuốc có tỷ lệ bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi rút lên đến 92% và giảm 72% nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân nặng.

Hiện thuốc Prokalamide đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm toàn cầu giai đoạn 3, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình. Dự kiến kết quả thử nghiệm lâm sàng sẽ được công bố vào nửa đầu năm sau.

Các điều kiện để F0 cách ly y tế tại nhà

Về mức độ bệnh, F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ, tuổi từ 1 tuổi đến dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không béo phì, không mang thai.

Người bệnh phải có khả năng tự chăm sóc bản thân như tự ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh, có khả năng liên lạc với cơ sở y tế nếu bệnh chuyển nặng. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu này thì phải có người chăm sóc.

* Gia đình và F0 cần chuẩn bị gì?

  • Lưu các số điện thoại cần thiết.
  • Xác định về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.
  • Phân công người phù hợp chăm sóc người nhiễm (nếu cần).
  • Chuẩn bị các vật dụng: khẩu trang y tế, găng tay y tế sạch; nhiệt kế, máy đo huyết áp; thùng đựng chất thải lây nhiễm; dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm; thuốc đang điều trị cho người trong nhà có bệnh sẵn; thuốc và đơn thuốc cho người nhiễm (nếu có)
  • Theo dõi nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 (nếu có thể), huyết áp (nếu có thể) và điền thông tin vào bảng theo dõi sức khỏe hằng ngày.

Các triệu chứng thường gặp ở F0: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy; ho ra máu, thở dốc/khó thở, đau tức ngực…

Triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ…

* Chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người nhiễm Covid-19

Bộ Y tế hướng dẫn lúc này người bệnh tránh quan tâm quá mức về dịch Covid-19 trên mạng xã hội, chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần của bản thân, ăn uống lành mạnh, cân bằng.

Nên tập thể dục, ngủ nhiều, có thể ngồi thiền, hằng ngày nên dành thời gian tập thở bằng cách hít thở vào đồng thời phồng căng bụng, thở ra chậm và thót bụng, nhằm giãn nở lồng ngực, tăng không khí vào phổi.

Thư giãn bằng cách đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, nấu ăn, gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần kéo dài, tăng cường giao tiếp, kết nối, tâm sự...