Đối với kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần (Tết âm lịch 2022), Bộ Lao động thương binh và xã hội đã gửi dự thảo đề xuất nghỉ Tết âm lịch Nhâm Dần 9 ngày, bao gồm 5 ngày nghỉ Tết theo Bộ luật lao động 2019 và 4 ngày nghỉ theo lịch hàng tuần tới các bộ ngành.
Sơ bộ, đa số cơ quan được lấy ý kiến đều đồng ý với phương án nghỉ Tết của Bộ Lao động thương binh và xã hội đưa ra. Tuy vậy, lịch nghỉ Tết âm lịch Nhâm Dần chính thức vẫn phải chờ Chính phủ quyết định.
Đề xuất hỗ trợ thêm lương cho lao động dôi dư nghỉ hưu trước tuổi
Đây là đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH trong Tờ trình về việc sửa đổi chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Người lao động dôi dư nghỉ hưu trước tuổi có thể được hỗ trợ thêm 0,4 hoặc 0,2 tháng lương tối thiểu vùng bình quân cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội...
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, chính sách đối với người lao động dôi dư phát sinh một số bất cập như: không thống nhất trong cách xác định thời gian làm việc để áp dụng mức hỗ trợ và thời gian làm việc để tính khoản tiền hỗ trợ; chưa quy định cụ thể thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động dẫn đến một số doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cổ phần hóa đã thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nên không có nguồn kinh phí để chi trả chế độ cho người lao động. Trong khi đó, chế độ tiền lương năm 2004 và chính sách sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2015 - 2020, đến nay các căn cứ này đã có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021 có một số thay đổi về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo lộ trình lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ.
Vĩnh Long: 18 đơn vị cấp xã thành vùng đỏ
Liên tục ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, chỉ trong 1 tuần, số đơn vị cấp xã ở Vĩnh Long chuyển sang màu đỏ tăng gần gấp đôi.
Tính từ ngày 1/1 đến 20/11, Vĩnh Long ghi nhận 6.543 ca dương tính với Covid-19, điều trị khỏi bệnh, xuất viện về nhà 3.210 ca và có 58 ca hợp tử vong.
Sở Y tế Vĩnh Long cũng có thông báo về cấp độ dịch Covid-19 của tỉnh theo Nghị quyết 128 Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long vẫn ở cấp độ 2 (vùng vàng); 5/8 huyện, thị xã, thành phố gồm: Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, TP.Vĩnh Long và TX.Bình Minh cấp độ 3 (vùng cam) và 3 huyện còn lại ở cấp độ 2 (vùng vàng).
Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng cao liên tục khiến 18 đơn vị cấp xã chuyển sang cấp độ 4 (vùng đỏ); 34 xã, phường ở cấp độ 3. Các địa phương còn lại ở cấp độ 1 và 2. Trước đó một tuần (tức 12.11), tỉnh Vĩnh Long chỉ có 10 đơn vị cấp xã là vùng đỏ.
TPHCM: Nguy cơ thiếu thuốc Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà
Hiện nay, mỗi ngày TP.HCM đều ghi nhận hơn 1.000 ca COVID-19 mới được công bố, ngày cao nhất lên đến 1.609 (ngày 18-11). Gần đây, số ca nhập viện cũng luôn cao hơn số ca xuất viện, thậm chí số ca nặng, tử vong có tăng.
Hiện TP chỉ còn 2.000 liều thuốc Molnupiravir và sẽ cấp phát hết trong 2 ngày nữa. Sở đề nghị cục xem xét cấp bổ sung 100.000 liều Molnupiravir cho TP. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chiều 19-11 cho biết, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là gần 52.000 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 5.384 người.
Trong ngày 19-11 có 1.373 ca nhập viện tầng 2, 3, nâng tổng số ca đang điều trị tại đây là 12.958 người. Hiện số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 2.364 người. Số ca tử vong trong ngày là 55 người, trong các ca tử vong thì người trên 50 tuổi chiếm tỉ lệ trên 80%.
Hà Nội: Lên phương án thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà
Để chủ động cách ly F0 và F1 tại nhà, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận huyện, thị xã rà soát các điều kiện thực hiện cách ly tại nhà, lập danh sách các hộ gia đình có đủ điều kiện cách ly F0, F1 (điều kiện cách ly tại nhà thực hiện theo hướng dẫn ngày 14-7 của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế), báo cáo về Sở Y tế trước 12h ngày 21-11. Theo CDC Hà Nội, số ca mắc mới ở Hà Nội những ngày gần đây tăng nhanh, chiếm tỉ lệ lớn là ca ghi nhận tại cộng đồng và ca ghi nhận trong khu cách ly.
Từ ngày 22/11, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu thu phí
Từ 21/11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông sẽ kết thúc thời gian chạy miễn phí. Để sử dụng dịch vụ, hành khách phải mua vé với nhiều loại vé và cách thức khác nhau.
Hành khách đi tàu theo hình thức vé ngày sẽ mua vé tại quầy. Vé ngày có giá 30.000 đồng. Được sử dụng đi lại không giới hạn số chuyến trong ngày.
Người mua vé lượt có thể mua trực tiếp tại máy bán vé tự động, giá mỗi lượt giao động từ 8.000 – 15.000 đồng tùy theo cự ly di chuyển. Để mua vé tại quầy bán vé tự động, khách hàng dùng tiền mặt đưa vào khe nhận tiền, chọn ga đến. Các nút bấm trên máy dạng cảm ứng tay. Sau khi nhận tiền, máy sẽ nhả vé (thẻ nhựa) và tiền thừa.
Khách mua vé tháng chỉ cần đến trả tiền, vé có tác dụng ngay lập tức để sử dụng trong 30 ngày, Khi thẻ vé tháng hết hạn, hành khách tiếp tục tới thanh toán tại quầy và đóng tiền gia hạn nếu có nhu cầu. Vé tháng có ba mức giá, 100.000 đồng với đối tượng ưu tiên; 140.000 đồng dành cho đối tượng mua vé tập thể từ 30 người trở lên; 200.000 đồng với đối tượng không ưu tiên.
Quảng Ninh: Không được đón trả khách tại vùng dịch từ cấp 2 trở lên
Theo đó, Quảng Ninh sẽ tạm dừng hoạt động vận tải khách nội tỉnh, liên tỉnh có điểm đi, điểm đến thuộc địa bàn có dịch của tỉnh, từ cấp 2 trở lên. Phương tiện vận chuyển khách liên tỉnh, nội tỉnh có hành trình đi qua những địa bàn này không dừng, đỗ, đón trả khách.
Những ngày qua đang bùng phát một số ổ dịch nên tỉnh yêu cầu phải tạm thời điều chỉnh để khoanh vùng truy vết, sau đó sẽ lại nới lỏng. Đợt dịch thứ tư, Quảng Ninh ghi nhận 433 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ vào tỉnh kết nối với Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang vẫn hoạt động. Tỉnh vẫn đang dừng hoạt động karaoke, vũ trường, bar.
Tin thế giới
Mỹ phê duyệt khẩn cấp mũi vắc xin tăng cường cho người từ 18 tuổi
Hôm qua, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ FDA cho biết nước này đã phê duyệt liều vắc xin COVID-19 tăng cường của Hãng Pfizer và Moderna cho tất cả người trưởng thành Mỹ từ 18 tuổi trở lên.
Quyết định này mở đường cho hàng triệu người Mỹ được tiêm mũi vắc xin tăng cường và nhằm giải quyết vấn đề suy giảm miễn dịch ở những người Mỹ đã tiêm đủ liều trong bối cảnh xuất hiện nhiều "ca nhiễm đột phá" do biến thể Delta.
Italy đẩy sớm việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người trên 40 tuổi
Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy tuyên bố việc tiêm liều vaccine tăng cường cho những người trong độ tuổi từ 40-59 sẽ được bắt đầu từ ngày 22/11, thay vì 1/12 như kế hoạch, do số ca mắc COVID-19 ở nước này đang gia tăng.
Vaccine là công cụ chính để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và giảm số ca bệnh nặng. Do đó, việc đẩy sớm chiến dịch tiêm chủng tăng cường cho nhóm tuổi 40-59 là đúng đắn. Italy đang trong làn sóng lây nhiễm thứ tư và cần đặc biệt theo dõi sát tình hình.
Quân đội đầu tiên trên thế giới vận hành máy bay điện
Không quân Đan Mạch vừa tiếp nhận hai máy bay điện Velis Electro từ nhà sản xuất Slovenia Pipistrel đồng thời trở thành quân đội đầu tiên trên thế giới vận hành phương tiện này.
Theo Quân đội Đan Mạch thì chiếc máy bay điện 100% không xả thải, sở hữu công nghệ thân thiện với môi trường, rất yên tĩnh và có chi phí vận hành khá rẻ, giúp giảm chi phí vận tải hàng không.
Dòng sông bốc mùi bia tại Mỹ
Con sông nhỏ bốc mùi bia khá mạnh đã được phát hiện tại một trong những hòn đảo nhiệt đới ở Hawaii (Mỹ).
Con sông nằm tại đảo Oahu, cách Honolulu 24km. Con sông này chảy ra thung lũng Waipio sau đó hòa mình vào thác nước cao 30m. Các nhà hoạt động môi trường địa phương đã chú ý đến mùi đặc biệt phát ra từ con sông. Giới chức y tế địa phương cho biết họ đang xử lý tình trạng này.
Cháy rừng bùng phát tại California thiêu rụi hàng nghìn cây cự sam khổng lồ
Giới chức Mỹ cho biết, các trận cháy rừng hoành hành tại những khu rừng của bang California trong năm nay đã thiêu rụi hàng nghìn cây cự sam khổng lồ.
Bang California và nhiều khu vực khác ở khu vực miền Tây Hoa Kỳ đã bị tàn phá bởi các trận cháy rừng nghiêm trọng, bùng phát mạnh và di chuyển nhanh trong năm nay trong bối cảnh hạn hán kéo dài trong nhiều năm qua và khí hậu trên Trái đất ấm lên.
Rừng Amazon bị tàn phá nặng nề nhất trong 15 năm qua
Tốc độ tàn phá diện tích rừng nhiệt đới Amazon trên lãnh thổ Brazil trong năm 2021 đã tăng 22% so với năm 2020.
Nhiều tổ chức và hội nhóm hoạt động môi trường đã lên tiếng chỉ trích chính sách buông lỏng công tác kiểm soát phá rừng để thúc đẩy chăn nuôi của chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro, cũng như việc Chính phủ Brazil không công bố các số liệu tiêu cực này trước hoặc trong thời gian diễn ra Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa kết thúc tại Glasgow.