Tin tức COVID-19 hôm nay 16/12: Cẩn trọng thuốc ngủ, an thần mùa dịch

(VOH) - Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần về lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe nếu không sớm kiểm soát.

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI TPHCM

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tiếp nhận Trung tâm hồi sức COVID-19 từ Bệnh viện Trung ương Huế

Sau Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 13 và 16, ngày 15/12, Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TPHCM đã hoàn thành sứ mệnh và chính thức được chuyển giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.

tin-tong-hop-toi-16-12-voh.com.vn-anh1
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế đang bàn giao công việc cho lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Đại diện đơn vị tiếp nhận, ông Nguyễn Thanh Trường - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết sau khi tiếp nhận chuyển giao, bệnh viện sẽ phát triển Trung tâm sang mô hình bệnh viện 3 tầng với nhân lực chuyên môn từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, các bệnh viện trên địa bàn TP cùng với sự hỗ trợ chuyên môn hồi sức đắc lực từ bệnh viện Trung ương Huế.

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 14 là một trong 5 tuyến cuối trong mô hình tháp 3 tầng điều trị người bệnh COVID-19 tại TP.HCM, là bước ngoặt mới nhằm giảm tải người bệnh ở các bệnh viện tuyến cuối của TP và giảm tử vong.

TPHCM tái khởi động Bệnh viện dã chiến số 12

Bệnh viện Da liễu thành phố đã tái khởi động Bệnh viện dã chiến số 12, tiếp nhận thu dung và điều trị những bệnh nhân COVID-19.

Bệnh viện này cũng vừa điều động khẩn 45 y bác sĩ trở lại Bệnh viện dã chiến số 12 để chuẩn bị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân trong trường hợp mắc COVID-19 thuộc biến chủng mới Omicron.

Theo kế hoạch, những người nhập cảnh về nước, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sẽ được chuyển về bệnh viện này cách ly, điều trị trong 2 khu riêng biệt.

Hiện, các nhân viên y tế đang khẩn trương sắp xếp, dọn dẹp phòng bệnh, kiểm tra các trang thiết bị. Ngoài việc phụ trách Bệnh viện dã chiến số 12, hiện đoàn y bác sĩ BV Da Liễu đang thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị ICU của Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16; tham gia 5 trạm y tế lưu động trên địa bàn quận 12.

Nghe nội dung tin tổng hợp tối 16/12

TPHCM nỗ lực dự trữ thuốc, cấp phát kịp thời cho các F0 tại nhà

TPHCM hiện đã ban hành 6 chiến lược y tế thích ứng, kiểm soát dịch trong tình hình mới. Trong đó chú trọng việc quản lý và chăm sóc F0 tại nhà. Thành phố cũng đang nỗ lực dự trữ các loại thuốc cần thiết, để sẵn sàng cấp phát kịp thời cho các F0 đang cách li điều trị tại nhà. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin F0 trên địa bàn, trạm Y tế phường 3 quận 8 lập tức cử nhân viên đến nhà người dân tư vấn, thăm khám và phát gói thuốc điều trị COVID-19.

Theo quy định, tất cả trường hợp F0 đang cách ly tại nhà và cơ sở y tế phải được cấp phát túi thuốc điều trị COVID-19 trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Túi thuốc điều trị COVID-19 tại nhà phải đúng thành phần theo hướng dẫn của Sở. Hiện TPHCM ưu tiên cung cấp gói thuốc C có thuốc kháng virus dùng điều trị cho bệnh nhân F0 dễ bị tổn thương do COVID-19 trong chiến dịch "Bảo vệ nhóm nguy cơ" mà thành phố đã phát động. 

Trường đại học đầu tiên cho sinh viên chọn học trực tiếp hoặc trực tuyến

Ngày hôm nay, TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TPHCM cho biết, với bối cảnh dịch COVID- 19 hiện nay và trong tương lai thì việc giảng dạy, học tập trực tuyến không thể kéo dài mãi, cần phải có phương án thích ứng trong điều kiện “bình thường mới”.

Theo đó, Trường đại học Kinh tế TPHCM sẽ tổ chức giảng dạy, học tập theo hình thức lớp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp  áp dụng cho học kỳ đầu năm 2022.

Người học có thể tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến nhưng vẫn tiếp cận được đầy đủ nội dung bài giảng từ xa. Người học tùy theo điều kiện y tế, đi lại của cá nhân để tự lựa chọn hình thức học trực tuyến hay trực tiếp.

Để được học tập trực tiếp tại trường, người học các bậc/hệ đào tạo phải đáp ứng điều kiện có thẻ xanh và khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI CÁC TỈNH, THÀNH KHÁC 

Đồng Tháp: Không bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Tối 15/12, tại cuộc họp về khôi phục sản xuất và đầu tư của tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh này, cho biết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất chủ trương sẽ không bắn pháo hoa trong đêm giao thừa đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Đồng Tháp không bắn pháo hoa đón năm mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tuy không tổ chức bắn pháo hoa, nhưng trên tinh thần thì tỉnh vẫn tổ chức đường hoa và tùy theo tình hình dịch Covid-19 thực tế tỉnh sẽ tổ chức các chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân Nhâm Dần 2022 gắn với kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng để tạo không khí đón xuân vui tươi, phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân”.  

Vĩnh Long: Hơn 23.500 người đã tiêm mũi 3 vắc xin ngừa Covid-19

Chiều 15/12, tin từ Sở Y tế Vĩnh Long cho biết trong ngày tỉnh có 12.895 người trên 12 tuổi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Như vậy, đến nay, Vĩnh Long đã có trên 96% người trên 12 tuổi được tiêm đủ 2 vắc xin ngừa Covid-19 và hơn 23.500 người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 3.

Trong ngày, Vĩnh Long ghi nhận thêm 594 ca mắc Covid-19 mới và 8 ca tử vong (đều là người trên 53 tuổi); nâng tổng số ca mắc Covid-19 trong tỉnh từ ngày 1.1 đến nay lên 19.922 ca và 176 ca tử vong. Đến nay, Vĩnh Long đã điều trị khỏi bệnh cho 14.615 trường hợp mắc Covid-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại nhà 4.143 F0 và 13.225 F1.

Đồng Tháp: Đề nghị Bộ rút thời gian tiêm mũi 3 xuống 4 tháng để ứng phó Omicron

Ngày 15/12, ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - ký công văn gửi Bộ Y tế về việc rút ngắn thời gian tiêm liều nhắc lại đối với vắc xin phòng COVID-19 từ 6 tháng xuống 4 tháng trước tình hình biến thể Omicron.

tin-tong-hop-toi-16-12-voh.com.vn-anh2
Đồng Tháp đề nghị Bộ Y tế cho phép địa phương này tiêm liều nhắc lại hay bổ sung còn 4 tháng kể từ khi tiêm đủ liều cơ bản. (Ảnh: TTO)

Tính đến ngày 15/12, Đồng Tháp đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 84% người từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến đến 18-12, sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó trước nguy cơ do biến thể Omicron trong giai đoạn tiếp theo, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng xem xét, chấp thuận cho Đồng Tháp thực hiện rút ngắn thời gian tiêm liều nhắc lại đối với vắc xin phòng COVID-19.    

Quảng Ninh lập đường dây nóng để dẹp đầu cơ, tăng giá kit test nhanh

Sau khi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, tăng giá kit test nhanh, ngày 15/12, thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, đơn vị này vừa thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về tình trạng thổi giá, bán hàng không rõ nguồn gốc… liên quan đến kit test nhanh.

Theo đó, người dân tại Quảng Ninh có thể phản ánh những hoài nghi về giá cả, chất lượng không đảm bảo của bộ kit test nhanh SARS-CoV-2 tới đường dây nóng của sở y tế tỉnh này theo số điện thoại: 0966631313, hoặc 02033825441.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể tra cứu thông tin về các loại kit test xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu tại website của Sở Y tế Quảng Ninh: http://www.soytequangninh.gov.vn tại mục “Thông tin vật tư sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19”. 

Hà Nội: Yêu cầu bố trí đủ trạm y tế lưu động khi số F0 tăng mạnh

Hôm 15/12, cả nước ghi nhận hơn 15.500 ca nhiễm mới. Trong đó, Hà Nội là 1 trong những địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao nhất 1.024 ca, tăng gần 200 ca so với ngày trước đó.

Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi số F0 tăng mạnh, không để người dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.

Từng quận, huyện, thị xã căn cứ theo số dân và cấp độ dịch, đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động; có phương án cụ thể về cơ sở vật chất và nhân lực. Nơi nào cần thì phải thiết lập và vận hành trạm lưu động ngay, những nơi chưa cần ngay phải tập huấn, diễn tập, để khi có lệnh là triển khai nhanh nhất.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các địa phương chưa tổ chức đi học trở lại đối với học sinh chưa được tiêm vaccine. 

Hà Tĩnh: Thêm nhiều ca mắc COVID-19, test nhanh 1.550 người để sàng lọc

Hà Tĩnh vừa ghi nhận thêm 14 ca mắc COVID-19, trong đó có 5 ca cộng đồng. Ngành chức năng Hà Tĩnh đã thực hiện test nhanh 1.550 người để sàng lọc nguy cơ dịch trong cộng đồng.

Như vậy, từ 4/11/2021 đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 828 ca mắc COVID-19, trong đó có 190 ca cộng đồng, 118 ca trong các khu vực phong tỏa, còn lại đều đã được cách ly.

Các địa phương, cơ sở y tế rà soát được 126 trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để tiến hành xét nghiệm. Lực lượng chức năng đã truy vết được 31 trường hợp F1, 65 trường hợp F2 liên quan đến các ca bệnh để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời. 

Sơn La ghi nhận 251 F0, điểm du lịch Nông trường Mộc Châu đổi 'màu cam' nguy cơ cao

Từ ngày 5/10 đến ngày 15/12, Sơn La đã phát hiện 251 trường hợp dương tính với COVID-19 là công dân trở về từ các tỉnh đang có dịch và một số trường hợp lây nhiễm thứ phát trong tỉnh.

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Sơn La ngày 15/12, trong số 251 ca mắc COVID-19 mới có 83 F0 ghi nhận tại cộng đồng. Đặc biệt tại thị trấn Nông trường Mộc Châu - địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện Mộc Châu thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp dương tính với COVID-19, chưa rõ nguồn lây.

Mới đây nhất, trong quá trình xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La, lực lượng chức năng đã phát hiện 12 trường hợp có kết quả dương tính với COVID-19, chủ yếu tập trung ở khu vực thị trấn Nông trường Mộc Châu. Các bệnh nhân đều là trường hợp phát hiện tại cộng đồng ở khu vực đã có nhiều bệnh nhân được xác định dương tính trước đó. 

TÌNH HÌNH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI

Nhiều nước Đông Nam Á cho phép tư nhân tham phân phối và tiêm vaccine

Indonesia vừa cho phép các hãng dược tư nhân ở nước này đã được cho phép nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 trực tiếp từ các nhà sản xuất trên thế giới và bán thẳng cho người dân mà không cần chính quyền làm trung gian. Đây là một trong những quốc gia tiên phong trong việc tận dụng nguồn lực tư nhân trong nỗ lực tăng độ phủ vaccine trong nước.

Chính phủ Philippines hồi tháng 3 đã cho phép chủ doanh nghiệp tự nhập khẩu vaccine để tiêm cho nhân viên và gia đình nhưng hợp đồng mua phải có cả chính quyền lẫn bên sản xuất vaccine. Các chủ doanh nghiệp này cũng được khuyến khích đóng góp một nửa số vaccine được mua vào kho vaccine quốc gia nhưng không bắt buộc.

Chính phủ Thái Lan vào tháng 6 cũng cho phép doanh nghiệp và các tổ chức tư nhân mua vaccine trực tiếp từ các cơ quan nhà nước như Cục Kiểm soát dịch bệnh, Viện Vaccine quốc gia hoặc Tổ chức Dược phẩm Thái Lan. 

Campuchia có ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên

Bộ Y tế Campuchia vừa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở nước này, trong một người phụ nữ trở về từ Ghana thông qua Dubai và Bangkok. Tính đến nay đã có hơn 70 quốc gia ghi nhận ca mắc Omicron.

tin-tong-hop-toi-16-12-voh.com.vn-anh3
Tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: Reuters)

Hồi tháng trước, Campuchia đã tái mở cửa biên giới đối với những du khách đã tiêm vắc xin sau khi đạt một trong những tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất châu Á, với hơn 88% của tổng số 16 triệu dân đã được tiêm. Tính đến ngày 14/12, Campuchia ghi nhận 12 ca nhiễm Covid-19 mới và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và số ca tử vong lên lần lượt 120.382 và 2.992.

KHUYẾN CÁO  

Cẩn trọng thuốc ngủ, an thần mùa dịch COVID-19

Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần về lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe nếu không sớm kiểm soát.

tin-tong-hop-toi-16-12-voh.com.vn-anh4
Tác động của dịch COVID-19 khiến nhiều người ảnh hưởng nặng nề về tâm lý phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức). (Ảnh: TTO)

Thuốc thay đổi cơ thể

Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 cho thấy tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.

Sau dịch COVID-19 nhiều người trong đó có nhiều bạn trẻ cho biết bị rơi vào trạng thái trầm cảm, do áp lực về kinh tế, khó khăn trong công việc, nỗi lo những người thân trong gia đình mắc COVID-19... dẫn đến lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần. Sau một thời gian dùng thuốc mới nhận ra cơ thể mình có nhiều thay đổi.

Nhiều người cho biết sau khi dùng nhiều thuốc ngủ, thuốc an thần được một thời gian cảm thấy cơ thể gần như rệu rã không còn sức sống, không kiểm soát được cảm xúc.

Dễ mua, uống tràn lan

ThS.BS Trần Tuấn Thành, khoa vật lý trị liệu Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận một số bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 có lạm dụng thêm các thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm. 

Không chỉ thuốc chống trầm cảm, nhiều người còn lạm dụng luôn các thuốc khác như đông máu, huyết áp, đái tháo đường... mà không có kê đơn. Các bác sĩ phải khai thác kỹ bệnh sử, xét nghiệm tầm soát để điều chỉnh lại lượng thuốc bệnh nhân đã sử dụng.

Bác sĩ Thành cho biết hiện nay do tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người dân hay ra các tiệm thuốc tìm mua thuốc an thần, thuốc ngủ... Tuy nhiên, nhiều nơi lại không tư vấn cho người bệnh mà bán bất chấp.

"Thuốc trầm cảm, thuốc ngủ trong đó sẽ có các chất dẫn truyền thần kinh giúp tạo cho người bệnh có cảm giác hưng phấn, bớt suy nghĩ tiêu cực hơn. 

Tuy nhiên, đối với bệnh nhân dùng thuốc lâu dài khi dừng đột ngột bệnh nhân sẽ dễ rơi vào trạng thái "cai", dẫn đến người bệnh quay về cảm xúc tiêu cực, ăn nhiều, không kiểm soát được cảm xúc. 

Các loại thuốc chống trầm cảm hiện nay bắt buộc phải kê đơn, được sự chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng sau này sẽ gây ra rất nhiều hệ quả như: mất ngủ, hoang mang, lo sợ, nhiều thứ kèm theo", bác sĩ Thành cho hay.

Đến nay các phương pháp châm cứu, xoa bóp, dược liệu... chỉ có tác dụng hỗ trợ, giảm nhẹ cho người bệnh. Người bệnh phải đến các cơ sở uy tín để thăm khám, bác sĩ có chuyên môn trong lĩnh vực đó sẽ đưa ra lời khuyên", bác sĩ Tuyên khuyến cáo.