Bộ Y tế nói gì về thông tin Molnupiravir bị loại khỏi danh mục thuốc trị Covid-19? Bộ Y tế cho biết, vừa qua, một số báo có đăng tải thông tin về việc Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) “loại thuốc Molnupiravir khỏi danh mục thuốc điều trị Covid-19 do lo ngại tác dụng phụ”. Tuy nhiên, theo trang tin india.com đăng tải ngày 5.1.2022 trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Bhargava, Tổng giám đốc của ICMR cho biết, đến nay cơ quan này vẫn chưa cập nhật thuốc Molnupiravir vào danh sách các thuốc điều trị Covid-19 theo phác đồ của ICMR do quan ngại về một số phản ứng phụ như đột biến gen, tổn hại đến cơ và xương có thể dẫn tới các nguy cơ cho việc mang thai và cho trẻ em (không phải ICMR loại Molnupiravir ra khỏi danh sách các thuốc điều trị Covid-19).
Bộ Y tế cũng thông tin, tại Ấn Độ, tháng 12/2021, Cơ quan quản lý Dược Ấn Độ (CDSCO) đã cấp phép sản xuất và lưu hành cho thuốc Molnupiravir cho một số nhà sản xuất của Ấn Độ và các thông tin về các phản ứng phụ nêu trên đã được ghi rõ trong giấy phép lưu hành.
Bộ Y tế: Yêu cầu tiêm xong mũi 3 trong quý 1
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng, hoàn thành 2 liều cơ bản cho trẻ từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1, trong quý 1 hoàn thành liều nhắc lại/bổ sung.
So với các hướng dẫn trước đây, yêu cầu hoàn thành mũi bổ sung trong quý 1 là yêu cầu nhanh hơn 3 tháng so với trước (trước đây Bộ Y tế hướng dẫn cần hoàn thành mũi bổ sung/nhắc lại trong 6 tháng đầu năm).
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, tìm kiếm người chưa tiêm đủ liều, khẩn trương tiêm và đảm bảo an toàn tiêm chủng. Quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) đảm bảo được tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất, bố trí tiêm tại nhà cho người đi lại khó khăn.
Tính đến sáng 12/1, cả nước đã tiêm được trên 163,5 triệu liều vắc xin, bao gồm cả trên 10 triệu mũi 3.
Tổ chức tiêm vắc xin tại nhà cho người không thể đến điểm tiêm chủng
Hôm qua 11/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 28 về việc thần tốc tiêm vắc xin và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vắc xin, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và mục tiêu của Chính phủ đề ra; tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vắc xin ngay tại nhà cho những người không thể đến nơi tiêm tập trung.
Những địa phương, cơ quan, đơn vị nào không đủ lực lượng để tổ chức khám chữa bệnh Covid-19, tiêm chủng và nhất là lực lượng y tế cơ sở để triển khai tăng cường điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để tiến hành điều động lực lượng hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.
HĐND TPHCM đề nghị đẩy nhanh chi hỗ trợ Covid-19 đợt 3
HĐND TP.HCM đề nghị một số quận, huyện tăng cường chi hỗ trợ đợt 3 cho người dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn vì Covid-19. Trước đó, theo kế hoạch, việc tổ chức chi trả và quyết toán phải kết thúc trước ngày 15.1.2022.
Tính đến chiều ngày 10.1, theo kết quả giám sát của HĐND TP.HCM, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã chi hỗ trợ cho hơn 6,3 triệu người trong tổng số danh sách đã phê duyệt nhận gói đợt 3 là hơn 7,7 triệu người (mức 1 triệu đồng/người).
Đến nay, có 18 địa phương đạt tỷ lệ chi trả trên 80%, trong đó có 3 địa phương đạt tỷ lệ 100% (TP.Thủ Đức, Q.5, Q.10). H.Hóc Môn và H.Chủ Chi chi đạt trên 50%; còn Q.Bình Tân và H.Bình Chánh mới chi đạt tỷ lệ dưới 50%.
Người lao động miền Tây dự kiến đi xe máy về quê
Các hãng xe khách từ TP.HCM đi miền Tây đã mở bán vé xe tết. Tại nhà xe Phương Trang, tuyến xe từ TP.HCM về TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) vào 27.1 (tức 25 tháng Chạp) và được báo giá là 150.000 đồng/hành khách. Hành khách sẽ khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid và đảm bảo quy tắc 5K khi lên xe.
Còn nhà xe Quốc Hoàng báo giá chuyến xe từ TP.HCM về TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) vào 29.1 (tức 27 tháng Chạp) dự kiến là 140.000 đồng. Các hãng xe hiện tại chỉ yêu cầu hành khách đảm bảo quy tắc 5K.
Nhiều người lao động tại TP.HCM quyết định đi xe máy về tỉnh vì sợ phải đến nơi tập trung đông người. Khoảng cách từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây khá gần nên việc di chuyển không mất nhiều thời gian và công sức. Do đó, năm nay, nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch tự chạy xe máy về quê ăn tết.
Dự báo cao điểm đi lại tập trung từ ngày 28 đến 30/1, với lượng khách vào các bến xe giảm 30-40% so với dịp Tết năm ngoái.
Đà Nẵng: Bắt buộc F0 cách ly tại nhà vì số ca mắc mới tăng cao
Số ca mắc mới những ngày qua tăng cao, gây áp lực lên cơ sở điều trị và lực lượng chống dịch. Dù đã có chủ trương áp dụng cách ly, điều trị F0 rộng rãi tại nhà nhưng tỉ lệ ca điều trị ở tại nhà đang rất thấp so với số ca nhiễm hằng ngày. Do vậy, Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã yêu cầu các địa phương xác định cách ly F0 ở nhà là bắt buộc để đảm bảo điều trị hiệu quả và giảm áp lực cho các cơ sở y tế.
Song song đó, thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện các phương án khi F0 tăng cao, hình thành các cơ sở điều trị F0 trả tiền để giảm áp lực cho các cơ sở y tế và đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Hải Dương: Quy định nhà hàng phục vụ trên 50 khách phải làm xét nghiệm Covid-19
UBND TP Hải Dương vừa có quy định điều chỉnh các biện pháp chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đó có yêu cầu chủ các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh lưu trú, kinh doanh tiệc cưới; các nhà hàng, quán ăn, uống lớn có công suất phục vụ từ 50 người trở lên phải tổ chức test nhanh hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của khách hàng (trong thời hạn 72 giờ), kết quả âm tính mới được tham dự.
UBND TP.Hải Dương yêu cầu toàn thể người dân, doanh nghiệp nêu cao ý thức phòng chống dịch; thực hiện nghiêm thông điệp 5K; hạn chế tập trung đông người; thực hiện khai báo y tế đầy đủ, kịp thời; không vì nghỉ tết với các hoạt động lễ hội, du lịch mà chủ quan, lơ là; hạn chế thấp nhất việc tổ chức các hoạt động tập trung đông người trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Yêu cầu các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, ngoài việc thực hiện xét nghiệm theo định kỳ, tổ chức test nhanh cho người lao động trước khi nghỉ tết và sau khi quay trở lại làm việc, báo cáo kịp thời kết quả xét nghiệm về Ban Chỉ đạo các phường, xã.
Một số diễn biến tình về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới:
Trung Quốc phong tỏa thành phố hàng triệu dân
Sau đợt dịch nghiêm trọng do biến thể Delta gây ra ở TP Tây An, Trung Quốc lại phải đương đầu với đợt dịch mới do Omicron ở Thiên Tân. Tính tới ngày 11/1, ít nhất 3 thành phố đã bị phong tỏa.
Tại TP An Dương thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, với 5,5 triệu dân, trở thành TP thứ 3 ở Trung Quốc bị phong tỏa từ tối 10/1. Chính quyền An Dương đã cấm mọi phương tiện giao thông hoạt động, yêu cầu người dân "ở đâu yên đó" trong lúc điều tra dịch tễ. Toàn bộ cơ sở kinh doanh không thiết yếu đều đóng cửa.
2 TP khác ở tỉnh Hà Nam là Vũ Châu và Trịnh Châu lại đang trải qua các đợt dịch mới do biến thể Delta. Vũ Châu (hơn 1 triệu dân) đã bắt đầu đợt xét nghiệm PCR toàn TP lần thứ 7 và áp lệnh phong tỏa từ cuối tuần trước. Trịnh Châu giảm số phương tiện được lưu thông, tàu điện ngầm chỉ hoạt động 50% công suất. Trong khi đó, Tây An (thủ phủ tỉnh Thiểm Tây) đang hứng đợt dịch nặng nhất do Delta gây ra và đã bị phong tỏa tuần thứ 3. Tuy nhiên, số ca nhiễm ở TP 13 triệu dân này cũng đang giảm dần.
Nhật gia hạn lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo nước này sẽ tiếp tục cấm nhập cảnh với những người đến từ nước ngoài mà không phải là công dân hay thường trú nhân cho đến cuối tháng 2 tới. Nhật cũng sẽ giới hạn nhập cảnh ở mức khoảng 3.500 người/ngày. Ngoài ra, thường trú nhân từng đến 11 quốc gia, bao gồm Nam Phi, trong vòng 14 ngày cũng bị cấm nhập cảnh.
Lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản đã được áp dụng từ ngày 30/11 sau khi ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được ghi nhận. Ban đầu, nước này dự kiến áp dụng các biện pháp kiểm soát tại biên giới trong vòng một tháng, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu do biến thể Omicron, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ "tiếp tục có hiệu lực trong thời gian tới".
Bộ xét nghiệm phát hiện biến thể Omicron được đăng ký tại Nga
Bộ phận báo chí Cơ quan Y Sinh Liên bang Nga hôm qua cho biết, hệ thống xét nghiệm do FMBA phát triển để phát hiện biến thể Omicron đã được Cục Quản lý Y tế Liên bang đăng ký lần đầu tiên ở Nga.
Bộ xét nghiệm được phát triển theo lệnh của người đứng đầu cơ quan này và được thiết kế để sử dụng trong chẩn đoán bệnh viêm trùng đường hô hấp cấp trong phòng thí nghiệm khi nghiên cứu các mẫu ARN từ vật liệu sinh học của con người lấy từ những người được chẩn đoán mắc COVID-19". Bộ xét nghiệm này có thể phân biệt biến thể Omicron với biến thể Delta trong vòng 1,5 giờ.
Thuốc xịt mũi ngăn nhiễm COVID-19 trong 8 tiếng, chống mọi biến thể
Phương pháp xịt mũi mới này có thể giúp những người có nguy cơ cao miễn nhiễm với COVID-19 trong thời gian ngắn.
Phương pháp điều trị đang được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Helsinki (Phần Lan) đã cho thấy khả năng ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 lên đến 8 giờ trong các nghiên cứu thử nghiệm.
Nó hoạt động bằng cách ngăn virus SARS-CoV-2 sao chép tế bào trong mũi. Trong các nghiên cứu thử nghiệm, nó chống lại hiệu quả tất cả các biến thể, vượt trội hơn so với các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng phổ biến hiện nay, vốn ít hiệu quả đối với biến thể Omicron.
Nhóm nhà khoa học Phần Lan phát hiện rằng phương pháp điều trị này có thể bảo vệ chuột khỏi nhiễm COVID-19 trong tối đa 8 giờ. Tuy vậy, kết quả này vẫn chưa được thẩm định lại, cũng như cần thêm nhiều bước kiểm tra nữa trước khi thử nghiệm xịt cho con người.
Sân bay lớn nhất nước Anh lao đao vì biến thể Omicron
Trong năm 2021, sân bay lớn nhất nước Anh Heathrow chỉ đón 19,4 triệu hành khách, chưa đầy 1/4 mức trước đại dịch và thấp hơn cả năm 2020, sau khi biến thể Omicron khiến hàng loạt chuyến bay bị hủy vào tháng 12 năm ngoái.
Tình hình bất ổn này đang gây khó khăn cho cơ quan quản lý hàng không Vương quốc Anh trong việc đề ra các quy định dành cho hành khách trong thời gian tới. Và ngành hàng không sẽ chỉ khôi phục hoàn toàn khi tất cả các biện pháp hạn chế đi lại được dỡ bỏ và không được tái áp dụng trong thời gian ngắn, điều mà phải nhiều năm nữa mới có thể xảy ra.
Hướng dẫn tự khai tiêm vắc xin trên PC-Covid
Bên cạnh tối ưu hóa giao diện và cải thiện hiệu suất, phiên bản cập nhật PC-Covid 4.1.6 trên nền tảng iOS được bổ sung tính năng tự khai tiêm vắc xin ngay trên ứng dụng.
Để tự khai báo thêm mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên ứng dụng PC-Covid, hãy thực hiện các bước sau:
Mở ứng dụng PC-Covid, chọn mục Tiêm chủng (hiển thị Chưa tiêm vắc xin hoặc Đã tiêm x mũi vắc xin)
Trước khi khai, hãy thử nhấn Kiểm tra thông tin tiêm mới nhất. Nếu thông tin mũi tiêm vẫn chưa xuất hiện, tiếp tục nhấn chọn Tự khai tiêm vắc xin.
Nhập các thông tin được yêu cầu, đồng thời cung cấp ảnh chụp giấy chứng nhận tiêm (chụp hoặc mở bộ sưu tập ảnh).
Sau khi nhập đầy đủ, nhấp chọn Lưu thông tin.
Sau khi hoàn tất các bước nói trên, thông tin tự khai về mũi tiêm vắc xin Covid-19 sẽ được xác minh và cập nhật bởi đội ngũ kỹ thuật. Trong thời gian đó, mũi tiêm vắc xin bổ sung sẽ được hiển thị chú thích “tự khai”.
Hiện tại, tính năng tự khai tiêm vắc xin chỉ có sẵn trên phiên bản ứng dụng 4.1.6 dành cho nền tảng iOS và sẽ sớm cập bến nền tảng Android trong một vài ngày tới.