TPHCM cho phép quán karaoke, massage, vũ trường mở cửa trở lại
Trưa nay, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ ngày 10.1 với điều kiện phải đảm bảo theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch đối với các loại hình nêu trên.
Quyết định của TP.HCM đưa ra sau khi Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản đề xuất chủ trương cho phép dịch vụ karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ hoạt động trở lại. Trước khi hoạt động trở lại, các cơ sở kinh doanh loại hình nêu trên phải được chính
TPHCM: Thêm gần 700.000 học sinh chính thức trở lại trường
Hôm nay, cùng với khối lớp 9 và lớp 12, gần 700.000 học sinh (HS) từ khối lớp 7 trở lên ở TP.HCM bắt đầu được đi học trực tiếp tại trường. Đặc biệt, với xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) sẽ bao gồm cả HS từ lớp 1 trở lên.
Tại Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5), với khoảng 900 HS của 40 lớp, trường sẽ ưu tiên cho HS lớp 12 học hai buổi để đảm bảo tăng cường kiến thức cho HS cuối cấp. Còn lớp 10 và 11 sẽ được bố trí học một buổi.
Tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, do lượng HS quá đông nên trường bố trí HS lớp 9 và một nửa số lớp 7 học buổi sáng, nửa số lớp 7 còn lại và khối 8 sẽ học buổi chiều.
Với hơn 2.000 HS bắt đầu học trực tiếp tại trường từ ngày 4-1, Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Tân Bình) cũng sẽ bố trí cho khối HS cuối cấp là lớp 9 học buổi sáng, lớp 7 và 8 học buổi chiều. Các em sẽ ra vào ở hai cổng để đảm bảo phân luồng.
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố, các trường được chủ động sắp xếp thời lượng dạy học trực tiếp nhưng tại cùng một thời điểm, số lượng học sinh không được vượt quá 50%.
Năm 2022, TPHCM cần khoảng 310.000 lao động
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, năm 2022, thị trường lao động thành phố dự kiến cần khoảng 255.000-310.000 lao động, tùy tình hình dịch bệnh.
Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, dự kiến thành phố cần khoảng 255.000-280.000 lao động.
Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát và diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến thành phố cần khoảng 280.000-310.000 lao động.
Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm hơn 86%, trình độ sơ cấp chiếm 22,5%, trung cấp chiếm 24,5%, cao đẳng chiếm 18,6%, đại học trở lên chiếm hơn 20,7%. Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm hơn 19%, gồm cơ khí chiếm gần 4,4%; sản xuất hàng điện tử chiếm gần 7%; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống chiếm gần 4%; hóa dược - nhựa - cao su chiếm hơn 4%. Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm hơn 51%.
Đà Nẵng sẽ chi tiền hỗ trợ người dân đón Tết
Chiều hôm qua, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết thành phố này sẽ hỗ trợ tiền và quà cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, Đà Nẵng dự kiến hỗ trợ mỗi tổ dân phố 5 triệu đồng, mỗi thôn 10 triệu đồng. Đà Nẵng cũng có chủ trương hỗ trợ quà cho tổ trưởng, tổ phó các tổ dân phố.
TP cam kết đảm bảo cho người dân đón Tết yên vui, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau.
Diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 ở một số tỉnh thành
Cà Mau: Không tổ chức các hoạt động thường niên dịp Tết Nguyên đán
Do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên Tết Nguyên đán năm nay tỉnh Cà Mau không tổ chức các hoạt động thường niên, như: Họp mặt đồng hương tại TP.HCM; họp mặt đồng hương tại TP.Cần Thơ; họp mặt báo chí mừng Đảng, mừng Xuân năm 2022,…
Tuy nhiên, sẽ có các hoạt động được tổ chức, hạn chế thành phần, số lượng như: Thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo thuộc vùng biển Tây Nam; thăm Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và thăm bệnh nhân khoa chăm sóc đặc biệt tại 2 bệnh viện; tặng quà một số gia đình có người tử vong do Covid-19 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Đối với nhóm hoạt động không tổ chức như thường niên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao các sở, ngành, đơn vị liên quan gửi phần quà cho các đơn vị. Tổng kinh phí tặng quà gia đình chính sách và tổ chức các hoạt động thăm viếng, tặng quà Xuân Nhâm Dần 2022 hơn 39 tỉ đồng.
Bình Dương: Hỗ trợ gia đình công nhân khó khăn đón Tết
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương vừa phát động chương trình "Tết ấm áp cùng gia đình công nhân có người thân tử vong do Covid-19".
Đối tượng hỗ trợ là các gia đình đoàn viên Công đoàn có người thân tử vong do Covid-19, đang sinh sống tại các khu nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn và ở lại Bình Dương đón Tết. Hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt 5 triệu đồng/gia đình hoặc thông qua việc trang trí, dọn dẹp phòng trọ; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị; trang trí Tết.
Liên đoàn Lao động tỉnh cũng kiến nghị tỉnh Bình Dương hỗ trợ quà cho 23.950 đoàn viên - lao động khó khăn, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, với tổng kinh phí gần 12 tỉ đồng.
Bình Phước nâng nguy cơ dịch ở cấp độ 3
Tỉnh Bình Phước cho biết đã ban hành công văn nâng cấp độ dịch từ cấp 2 lên cấp 3. Theo đó, hiện nay số ca nhiễm tại Bình Phước mỗi ngày đầu tăng, theo thống kê mỗi ngày tỉnh này ghi nhận khoảng 700 ca nhiễm mới, mà phần lớn là các ca nhiễm trong cộng đồng.
Hiện nay, Bình Phước chỉ có huyện Bù Đốp có nguy cơ dịch ở cấp độ 2; còn lại 10 đơn vị cấp huyện có nguy cơ dịch ở cấp độ 3. Trong đó có 80 xã có nguy cơ dịch ở cấp độ 3.
Cẩn trọng khi tự mua thuốc phòng, điều trị COVID-19 trên mạng
Với việc mua bán tràn lan nhiều loại thuốc được quảng cáo phòng và điều trị COVID-19 trên mạng, người dân không quá khó để mua được các loại thuốc này, chỉ cần chi tiền là có thuốc. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là các loại thuốc được quảng cáo là phòng và điều trị Covid lại do người bán tự hướng dẫn, tự kê liều… người mua không hiểu gì nhưng vẫn uống.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: Những trường hợp người bệnh mắc COVID-19 thì cần được theo dõi chặt chẽ để có sự hướng dẫn tốt nhất về chuyên môn. Người dân không tự ý dùng hoặc nghe theo lời mách bảo của những người bán hàng không có chuyên môn, có thể vừa mất tiền vừa có hại nếu dùng sai.
Với những người là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ thì có thể không cần phải uống thuốc.
Nên kết nối với các bác sĩ, y tế cơ sở, y tế địa phương để các nhân viên y tế căn cứ tình hình thực tế của từng bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn cần phải làm gì. Đồng thời, các y bác sĩ sẽ tiên lượng ở bệnh nhân đó có thể có gì diễn biến bất thường để lưu ý và đưa đi điều trị kịp thời.
Quảng Nam: Không cấm người dân từ vùng dịch về quê ăn Tết
Chiều hôm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, cho biết tỉnh này không cấm người dân về quê ăn Tết mà chỉ vận động người dân ở vùng dịch nên hạn chế nếu không cần thiết.
Theo Chủ tịch Quảng Nam, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao trong dịp Tết nếu không kiểm soát tốt và nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch của người dân. Ông Thanh nói: “Dịp Tết bà con về quê là bình thường, chỉ khuyến cáo những người ở vùng dịch (vùng cam, đỏ) nên hạn chế nếu không thật sự cần thiết, chứ không cấm. Điều này vừa chủ động trong phòng chống dịch vừa tạo yên tâm cho bà con đón Tết yên vui”.
Thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới
Philippines mở rộng áp dụng biện pháp hạn chế ra khu vực lân cận thủ đô
Philippines thông báo mở rộng áp dụng các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 ra các khu vực bên ngoài thủ đô Manila từ ngày mai, theo đó sẽ có hơn 11 triệu người dân sống gần thủ đô thực hiện các quy định mới khi số ca mắc tăng.
Theo các quy định mới có hiệu lực đến giữa tháng 1, những người chưa tiêm phòng phải ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần mua đồ thiết yếu hoặc tập thể dục. Các nhà hàng, công viên, nhà thờ và cơ sở thẩm mỹ sẽ phải giảm công suất hoạt động trong khi các lớp học trực tiếp và hoạt động thể thao có tiếp xúc sẽ tạm dừng.
Anh cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan ở người trên 50 tuổi
Ngày 3/1, Bộ trưởng phụ trách triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Anh cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, ông cho rằng chưa cần phải siết chặt thêm các biện pháp hạn chế bởi tỷ lệ tiêm mũi tăng cường ở người cao tuổi ở nước này hiện đạt mức cao (khoảng 90%). Ông cho biết dự kiến trong ngày 4/1 chính phủ sẽ tiến hành đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại vùng England để quyết định có nên tiếp tục thắt chặt hạn chế hay không. Theo ông, các dữ liệu hiện nay cho thấy việc này là chưa cần thiết.
Với tốc độ lây lan nhanh chóng, biến thể Omicron đang hoành hành tại Anh với số ca mắc mới mỗi ngày lên mức cao kỷ lục. Omicron không chỉ trở thành biến thể chủ đạo tại vùng England và Scotland mà còn đang lây lan với tốc độ nhanh tại Bắc Ireland và xứ Wales. Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đều đã áp đặt các biện pháp như hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa các câu lạc bộ đêm và duy trì giãn cách xã hội tại các quán bar.
Israel thử nghiệm tiêm mũi 4 phòng COVID-19
Bệnh viện Sheba (Israel) ngày 3/1 thông báo sẽ mở rộng chiến dịch thử nghiệm tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 4 bằng một loại vaccine khác với 3 mũi trước nhằm đánh giá hiệu quả chống lại biến thể Omicron.
Loại vaccine mới sẽ được đưa vào sử dụng là của hãng Moderna, sẽ được tiêm cho những người đã được tiêm 3 mũi vaccine của Pfizer. Việc thử nghiệm còn nhằm đánh giá tác dụng của việc sử dụng trộn lẫn các loại vaccine khác nhau trên cùng một bệnh nhân.
Ngày 2/1, Thủ tướng Israel thông báo nước này sẽ tiêm vaccine COVID-19 liều thứ 4 cho những người trên 60 tuổi và đội ngũ nhân viên y tế, trong bối cảnh biến thể Omicron đang gây ra làn sóng lây nhiễm mạnh tại nước này, với gần 5.000 ca/ngày.
Mỹ phê duyệt vaccine Pfizer tiêm mũi tăng cường cho trẻ từ 12-15 tuổi
Ngày 3/1, Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho mũi tiêm tăng cường thứ 3 với trẻ từ 12-15 tuổi, đồng thời rút ngắn khoảng thời gian giữa việc tiêm phòng đầy đủ với mũi tiêm tăng cường từ 6 tháng xuống 5 tháng.
FDA Mỹ cho biết đã xem xét các dữ liệu và thực tế về độ an toàn của mũi tiêm tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech do Bộ Y tế Israel cung cấp, trong đó có dữ liệu của 6.300 trẻ từ 12-15 tuổi tiêm loại vaccine này. Bên cạnh đó, FDA Mỹ cũng thông qua việc tiêm mũi tăng cường thứ 3 cho những trẻ từ 5-11 tuổi có hệ miễn dịch kém.