Tin nóng chiều 4/1: TPHCM cho phép karaoke, massage, vũ trường mở trở lại; một sản phụ sinh

(VOH) - TPHCM cho phép quán karaoke, massage, vũ trường mở cửa lại; một sản phụ sinh ra bé trai nặng hơn 5 kg; ‘Vật thể lạ’ rơi ở Phú Thọ là khí cầu từ Myanmar bay sang là những tin mới chiều nay.

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM cho phép quán karaoke, massage, vũ trường mở cửa trở lại
TPHCM cho phép quán karaoke, massage, vũ trường mở cửa trở lại

TPHCM cho phép quán karaoke, massage, vũ trường mở cửa trở lại

Trưa nay, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ ngày 10.1 với điều kiện phải đảm bảo theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch đối với các loại hình nêu trên.

Quyết định của TP.HCM đưa ra sau khi Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản đề xuất chủ trương cho phép dịch vụ karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ hoạt động trở lại.Trước khi hoạt động trở lại, các cơ sở kinh doanh loại hình nêu trên phải được chính quyền địa phương thẩm định và cho phép hoạt động.

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành các Quyết định số 4244 ngày 20.12.2021 về bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh masage, spa và Quyết định số 3583 ngày 15.10.2021 về các tiêu chí đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, các cơ sở kinh doanh vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ….

Năm 2022, TPHCM cần khoảng 310.000 lao động

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, năm 2022, thị trường lao động thành phố dự kiến cần khoảng 255.000-310.000 lao động, tùy tình hình dịch bệnh.

Cụ thể, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, dự kiến thành phố cần khoảng 255.000-280.000 lao động.

Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát và diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến thành phố cần khoảng 280.000-310.000 lao động. Trong đó, quý 1 cần khoảng 78.500-86.900 người; quý 2 cần khoảng 65.500-72.500 người; quý 3 cần khoảng 66.500-73.500 người và quý 4 cần khoảng 69.500-77.100 người.

Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm hơn 86%, trình độ sơ cấp chiếm 22,5%, trung cấp chiếm 24,5%, cao đẳng chiếm 18,6%, đại học trở lên chiếm hơn 20,7%. Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm hơn 19%, gồm cơ khí chiếm gần 4,4%; sản xuất hàng điện tử chiếm gần 7%; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống chiếm gần 4%; hóa dược - nhựa - cao su chiếm hơn 4%. Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm hơn 51%.

'Ngóng' thông tin gói kích cầu, chứng khoán vượt đỉnh lịch sử
'Ngóng' thông tin gói kích cầu, chứng khoán vượt đỉnh lịch sử

'Ngóng' thông tin gói kích cầu, chứng khoán vượt đỉnh lịch sử

Sáng nay 4/1, thị trường chứng khoán giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Tâm lý lạc quan đã bao trùm trên thị trường bởi thông tin về gói kích cầu kinh tế của Chính phủ sẽ được Quốc hội xem xét trong cuộc họp bất thường sáng cùng ngày.

Mở cửa phiên giao dịch, sắc xanh đã bao trùm nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu, nhanh chóng đẩy VN-Index vượt trở lại mức 1.500 điểm. Các cổ phiếu ngân hàng như LPB, STB, CTG, TPB, TCB, MBB... đồng loạt tăng giá. Trong đó, LPB tăng 1,8%, STB tăng 2,4%, BID tăng 1,3%... Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như BVH, VRE, GAS, BCM, HPG... cũng đua nhau tăng giá. Đến 10 giờ, VN-Index đã vượt 1.514 điểm, cao hơn mức đỉnh lịch sử lập được trong năm 2021.

Thông tin gói kích cầu kinh tế được nhà đầu tư đón nhận trong tâm lý tích cực. Tại báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022, Trung tâm phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên nền so sánh thấp giai đoạn 2020 - 2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý 3/2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số). Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ ít nhất là thêm một năm nữa.

Giá vàng hôm nay 4/1/2022: SJC giảm sau kỳ nghỉ lễ

Ngày 4/1, giá vàng miếng SJC giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 60,8 triệu đồng/lượng và bán ra 61,5 triệu đồng/lượng; Eximbank mua vào còn 60,9 triệu đồng/lượng và bán ra 61,4 triệu đồng/lượng…

Giá vàng nữ trang giảm 300.000 đồng/lượng. Công ty SJC mua vàng nhẫn 4 số 9 với giá 52,1 triệu đồng/lượng, còn bán ra 52,8 - 52,9 triệu đồng/lượng. Riêng nữ trang vàng 4 số 9 có giá mua 51,8 triệu đồng/lượng, còn bán 52,5 triệu đồng/lượng. Vàng trong nước giảm chậm hơn so với quốc tế khiến mức chênh lệch SJC cao hơn lên lại 11,5 triệu đồng/lượng.

Trái cây dội chợ, giá rẻ như cho
Trái cây dội chợ, giá rẻ như cho

Trái cây dội chợ, giá rẻ như cho

Thị trường Trung Quốc đóng cửa trong mùa cao điểm cuối năm đã khiến sản lượng nông sản trái cây VN dồn ứ, bán tháo, kéo theo nhiều mặt hàng khác cùng rớt giá.

Dưa hấu thời điểm hiện nay đang thu hoạch rộ khắp cả nước. Nhiều vùng trồng tại Gia Lai, Đắk Lắk đang đổ đống dọc đường chào bán với giá chỉ khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg. Giá dưa hấu loại 1 tại các tỉnh lân cận TP.HCM như Tây Ninh, Bình Dương, Long An cũng ở mức 5.500 - 6.000 đồng/kg. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Long An, nông sản địa phương chỉ tiêu thụ nội tỉnh khoảng 20 - 65% tùy loại, còn lại cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Riêng thanh long, chanh, mít, dưa hấu thì chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó thanh long khoảng 80% sản lượng, chanh không hạt 60% sản lượng… Vì vậy, ách tắc từ cửa khẩu Trung Quốc tạo áp lực rất lớn đến thị trường nội địa.

Giá các loại trái cây khác như khóm (dứa), mãng cầu xiêm, hồng xiêm, xoài... cũng giảm từ 10 - 15% so với tuần trước. Giá xoài keo rớt còn 3.000 đồng/kg, xoài Đài Loan 5.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc còn 22.000 - 25.000 đồng/kg, rớt giá hơn một nửa so với tháng trước.

Trong khi đó, tình hình tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở TP.HCM lại chưa mấy khởi sắc. Ông Nguyễn Đình Phương, Phó giám đốc Chợ nông sản Thủ Đức, thông tin: “Chợ Thủ Đức là đầu mối phân phối nông sản, trái cây lớn nhất TP.HCM, khi chưa có dịch, hằng ngày chợ nhập 3.500 tấn, mùng 1 ngày rằm hằng tháng có thể đến 4.000 - 4.500 tấn, ngày lễ tết âm lịch có thể lên hơn 7.000 tấn. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh nên sức mua giảm sút rất nhiều, chỉ còn khoảng 1.600 tấn/ngày, giảm gần 50% lượng tiêu thụ”.

Lộ diện thêm 2 mẫu xe điện cỡ nhỏ của VinFast

Sáng nay, những hình ảnh đầu tiên về 3 mẫu ô tô điện hoàn toàn mới của VinFast là VF e32, VF e33 và VF e34P lan truyền trên mạng xã hội. Cụ thể, dàn xe đang được vận chuyển vào trung tâm Triển lãm và Hội nghị Las Vegas tại Neveda, Mỹ để tham gia Triển lãm CES 2022.

VF e32, VF e33 và VF e34P đều mang kiểu dáng xe SUV/crossover, thuộc phân khúc A, B và C. Những hình ảnh lộ diện ban đầu cho thấy, nhiều khả năng đây chỉ là phiên bản concept để trưng bày, chưa phải bản sản xuất thương mại bởi xe sở hữu bộ mâm kích thước lớn, lốp mỏng. Dù vậy, phía trước và sau của xe đều mang hệ thống đèn LED vốn là nhận diện thương hiệu đặc trưng của VinFast.

VinFast công bố sẽ nhận đặt hàng trước các mẫu xe điện VF e35 và VF e36 từ 5.1.2022 (giờ Las Vegas, Mỹ).

Tại Việt Nam, VF e35 nhận đặt trước 15 triệu đồng, phiếu mua hàng 150 triệu đồng, VF e36 đặt trước 20 triệu đồng, nhận phiếu mua hàng 250 triệu đồng.

Theo kế hoạch của hãng xe Việt, 3 mẫu ô tô điện mới của VinFast sẽ mở bán trên toàn cầu từ năm 2023. Ngoài 3 mẫu ô tô điện hoàn toàn mới, tại Triển lãm CES 2022, VinFast sẽ công bố giá bán, chính sách hậu mãi của bộ đôi VF e35 và VF e36 tại Việt Nam và Mỹ.

Sản phụ sinh thường, bé trai nặng 5,15 kg
Sản phụ sinh thường, bé trai nặng 5,15 kg

Sản phụ sinh thường, bé trai nặng 5,15 kg

Ngày 4.1, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa đỡ sinh qua ngã tự nhiên cho sản phụ T.T.N (37 tuổi, ngụ Cà Mau), bé trai ra đời nặng 5,15 kg. Đây là lần sinh con thứ 3 của sản phụ này.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Thanh Xuân, Phó Khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương, cho biết đây là trường hợp sinh qua ngã tự nhiên với con to hiếm gặp. Theo bác sĩ Xuân, nguyên nhân thai nhi to có thể do trước sinh mẹ mắc tiểu đường hay nội tiết rối loạn gây rối loạn chuyển hóa. Những bào thai quá to dễ dẫn đến khi sinh kẹt vai con, mẹ tổn thương tầng sinh môn. Một số trường hợp con quá to, buộc phải sanh mổ. Sau sinh em bé lớn cân dễ hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, đái tháo đường, hạ canxi nên thường được theo dõi ở Khoa Nhi.

Bác sĩ Xuân khuyến cáo, trong thai kỳ cần theo dõi đường huyết để nếu rối loạn chuyển hóa thì bác sĩ sẽ tư vấn dinh dưỡng hoặc có thể sử dụng thuốc. Với các sản phụ đái tháo đường trong thời gian mang thai kỳ thì sau sinh cũng cần khám kiểm tra đường huyết để sớm điều trị.

‘Vật thể lạ’ rơi ở Phú Thọ là khí cầu từ Myanmar sang
‘Vật thể lạ’ rơi ở Phú Thọ là khí cầu từ Myanmar sang

‘Vật thể lạ’ rơi ở Phú Thọ là khí cầu từ Myanmar sang

Liên quan đến “vật thể lạ” rơi tại cánh đồng ở xã Đông Thành (H.Thanh Ba, Phú Thọ), ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch UBND H.Thanh Ba, cho biết bước đầu lực lượng chức năng xác định đó là khinh khí cầu và đã xác minh được nguồn gốc bay đến.

Ông Thành cho biết, miệng của “vật thể lạ” có đường kính khoảng 1 m giống quả kinh khí cầu, dài khoảng 10 m, dán nhiều ảnh Triển Chiêu (một nhân vật trong phim Bao Thanh Thiên), bên trong chứa nhiều tấm vải, tiền nước ngoài và một tờ giấy viết chữ nước ngoài. Qua dịch thuật, nội dung trong tờ giấy thể hiện quả khí cầu được người dân thả từ Kayin (bang Keren, Myanmar; cách điểm rơi xuống hơn 1.000 km) nhân kỷ niệm ngày Tết Karen. Do quả khí cầu sẽ hạ ở địa điểm không xác định, người thả muốn biết nơi hạ cánh đã viết số điện thoại lên tờ giấy để người nhặt được liên hệ, gửi lời chúc may mắn năm mới, chứ không có nội dung tuyên truyền độc hại.

TIN THẾ GIỚI

Trung Quốc phong tỏa thành phố hơn 1triệu dân
Trung Quốc phong tỏa thành phố hơn 1 triệu dân

Trung Quốc phong tỏa thành phố hơn 1triệu dân

Hơn 1 triệu người ở thành phố Vũ Châu, miền Đông Trung Quốc, đã được yêu cầu ở trong nhà từ ngày 4/1 sau khi giới chức y tế ghi nhận 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không triệu chứng trong những ngày gần đây.

Bắc Kinh hiện vẫn theo đuổi chính sách "Zero COVID" với các biện pháp phong tỏa và siết chặt biên giới kể từ khi bùng phát dịch. Nhưng chiến lược này đang đối mặt với không ít sức ép khi hàng loạt ổ dịch mới bùng phát chỉ một tháng trước khi bắt đầu Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh.

Philippines mở rộng áp dụng biện pháp hạn chế ra khu vực lân cận thủ đô

Philippines mở rộng áp dụng biện pháp hạn chế ra khu vực lân cận thủ đô

Philippines mở rộng áp dụng biện pháp hạn chế ra khu vực lân cận thủ đô

Philippines thông báo mở rộng áp dụng các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 ra các khu vực bên ngoài thủ đô Manila từ ngày mai, theo đó sẽ có hơn 11 triệu người dân sống gần thủ đô thực hiện các quy định mới khi số ca mắc tăng.

Theo các quy định mới có hiệu lực đến giữa tháng 1, những người chưa tiêm phòng phải ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần mua đồ thiết yếu hoặc tập thể dục. Các nhà hàng, công viên, nhà thờ và cơ sở thẩm mỹ sẽ phải giảm công suất hoạt động trong khi các lớp học trực tiếp và hoạt động thể thao có tiếp xúc sẽ tạm dừng.

Hàng ngàn du khách ảnh hưởng vì phát hiện ổ dịch COVID-19 trên tàu du lịch

Khoảng 3.000 hành khách trên một tàu du lịch thực hiện hành trình tham quan quần đảo Canary (Tây Ban Nha) đã bị gián đoạn lịch trình sau khi xuất hiện một ổ dịch COVID-19 trên tàu. 

Theo đó, con tàu chở chủ yếu là khách du lịch Đức đã phải neo đậu tại cảng Lisbon của Bồ Đào Nha sau sự cố trên. Theo Cảnh sát biển Lisbon, các hành khách đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính đã được đưa lên bờ để đến sân bay thành phố vào sáng sớm 3/1 (giờ địa phương) trong khi những người còn lại sẽ tiếp tục được đưa lên bờ vào cuối giờ chiều cùng ngày. 

Giá than nhiệt ở Trung Quốc tăng do Indonesia cấm xuất khẩu than đá
Giá than nhiệt ở Trung Quốc tăng do Indonesia cấm xuất khẩu than đá

Giá than nhiệt ở Trung Quốc tăng do Indonesia cấm xuất khẩu than đá

Khởi đầu năm 2022, giá than nhiệt giao sau ở Trung Quốc đã tăng tới 7,8% do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn sau khi Indonesia, nước cung cấp than đá lớn nhất cho Trung Quốc, ban hành lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch này.

Indonesia ban bố lệnh cấm trên trong bối cảnh thị trường than đá đang trở nên hỗn loạn sau khi giá than đá tăng cao kỷ lục trong năm 2021 do nguồn cung của Trung Quốc giảm, gây ra tình trạng mất điện tại một số khu vực của nước này. 

Sri Lanka đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì khủng hoảng COVID-19

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và y tế ngày càng trầm trọng, Sri Lanka đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ vào năm 2022 khi lạm phát tăng lên mức kỷ lục, giá lương thực tăng vọt và kho bạc cạn kiệt.

Cùng với mức chi tiêu tăng vọt, việc cắt giảm thuế đã khiến nguồn thu của đất nước bị thâm hụt, các khoản trả nợ lớn cho Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong một thập kỷ. Trong khi đó, việc chính phủ in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài đã thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Bình luận