Tin tức dịch bệnh ngày 14/12: TPHCM kêu gọi tiêm vaccine phòng COVID-19

Hiện TPHCM đang lên chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI TPHCM

 

TPHCM: Huy động hệ thống nhà thuốc tham gia chăm sóc F0

Theo Sở Y tế, với hơn 6.500 nhà thuốc hoạt động trên địa bàn TP.HCM, việc kêu gọi và huy động mạng lưới các nhà thuốc tham gia phòng, chống dịch COVID-19 là cần thiết để huy động thêm nguồn lực.

Sở Y tế đề nghị các nhà thuốc phải cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà; đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn và theo dõi cho người sử dụng.

Mặt khác, mỗi nhà thuốc phải là một điểm truyền thông, tư vấn và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0. Khi phát hiện người bệnh có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở... nhà thuốc hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử và liên hệ với y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.

TPHCM kêu gọi tiêm vaccine phòng COVID-19

Hiện TP Hồ Chí Minh đang lên chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Với trường hợp dương tính được cấp phát túi thuốc, đồng thời có y, bác sĩ của trạm y tế lưu động phân công chăm sóc hàng ngày. Với những người không thể đi lại được sẽ có đội tiêm lưu động đến tận nhà.

Tin nóng cuối ngày 14/12: TPHCM kêu gọi tiêm vaccine phòng COVID-19 1
Người lớn tuổi tại TPHCM tiêm vaccine phòng COVID-19

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai 6 chiến lược lớn gồm: Chiến lược bao phủ vaccine phòng COVID -19 đến từng người dân trên địa bàn Thành phố; kiểm soát dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID -19; nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Nguy cơ lây nhiễm cao từ F0 tự xét nghiệm dương tính nhưng không thông báo

Bộ Y tế gần đây ghi nhận một số ca vào viện sau khi tự xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính với COVID-19, do bệnh nhân không thông báo có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên diện rộng, đặc biệt tại các cơ sở y tế.

Bộ Y tế cho biết tình trạng kể trên có nguy cơ gây lây nhiễm diện rộng, đề nghị rà soát, phối hợp thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trên website của sở y tế số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test nhanh dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn.

Yêu cầu các tỉnh thành tư vấn và hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tránh việc tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn y tế hoặc di chuyển đến bệnh viện, nơi tập trung đông người, dẫn đến nguy cơ lây lan.

Học sinh lớp 1, lớp 2 phải kiểm tra tại trường

Ngày 13/12, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học phù hợp với tình huống dạy học thích ứng với dịch COVID-19. Trong đó học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ phải làm bài kiểm tra định kỳ tại trường, còn các lớp khác có thể linh hoạt giữa nhiều hình thức.

Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết trong quá trình dạy học, giáo viên được phép linh hoạt trong đánh giá thường xuyên. Nhưng học sinh phải làm bài kiểm tra định kỳ. Với lớp 1, lớp 2 có những kỹ năng trong bài kiểm tra định kỳ cần thực hiện trực tiếp mới đảm bảo tính chính xác.

Hơn nữa việc kiểm tra định kỳ với sự giám sát của lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn để tăng trách nhiệm quản lý. Việc đánh giá đúng chất lượng là căn cứ để căn chỉnh những vấn đề còn bất ổn ở hai lớp đầu cấp rất quan trọng, đồng thời cũng là hai lớp ở bậc tiểu học đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tin nóng cuối ngày 14/12: TPHCM kêu gọi tiêm vaccine phòng COVID-19 2
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Thạnh An (Cần Giờ, TPHCM) trong ngày trở lại trường hồi đầu tháng 11 

Bộ Y tế thông tin về 3 ca nghi mắc biến thể mới bay từ Việt Nam

Cả ba trường hợp (02 công dân Việt Nam và 01 công dân là người nước ngoài) đáp chuyến bay số hiệu CX764 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Hồng Kông.

Ngay khi có thông tin, Cơ quan đầu mối quốc gia IHR (2005) Việt Nam đã liên hệ, chỉ đạo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh thực hiện giám sát, điều tra xử lý ổ dịch và truy vết người tiếp xúc gần với 03 trường hợp trên trong thời gian 14 ngày trước khi xuất cảnh.

Ngày 11/12/2021, phía bạn đã cung cấp thông tin khẳng định, cả 03 trường hợp mắc COVID-19 nhập cảnh từ Việt Nam theo thông báo ngày 10/12/2021, dương tính với virus SARS- COV-2, kết quả giải trình tự gen đều thuộc biến thể Delta, không liên quan đến biến chủng mới Omicron.

Hiện tại, theo thông báo từ phía bạn, cả ba công dân có sức khỏe ổn định, không xuất hiện triệu chứng và đang được cách ly, điều trị.

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI CÁC TỈNH, THÀNH KHÁC

Trà Vinh: Tạm dừng hoạt động các chốt kiểm tra y tế cửa ngõ

Từ ngày hôm nay 14/12, Trà Vinh tạm dừng hoạt động của 4 chốt kiểm tra y tế cửa ngõ vào tỉnh tại cầu Cổ Chiên, cầu Mây Tức tại huyện Càng Long; ngã ba Trà Mẹt huyện Cầu Kè và phà Cầu Quan huyện Tiểu Cần.

Tỉnh cũng chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, hệ thống chính trị ở cơ sở, tổ Covid cộng đồng tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ, thường xuyên nắm chắc tình hình đi lại, tạm trú của công dân, nhất là các trường hợp người từ ngoài tỉnh trở về cư trú trên địa bàn. Lưu ý, các trường hợp về từ khu vực có dịch được công bố ở cấp độ 4, cấp độ 3 phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Tính đến ngày 13/12, Trà Vinh ghi nhận 12.463 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó đã điều trị khỏi cho gần 4.000 bệnh nhân và có 72 trường hợp tử vong.

Tin nóng cuối ngày 14/12: TPHCM kêu gọi tiêm vaccine phòng COVID-19 3
Test nhanh SARS-CoV-2 cho người dân tại chốt kiểm tra y tế cầu Mây Tức, huyện Càng Long.

Hà Nội sẽ lên phương án ứng phó 3.000 F0/ngày

Hiện nay tại Hà Nội số ca bệnh bình quân gia tăng mạnh, TP vẫn kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, người dân còn có tâm lý chủ quan. Tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện "5K" trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà.

Bí thư Hà Nội yêu cầu xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở. 

Tiếp tục tiêm vắc xin mũi 1 phòng COVID-19 cho những người chưa được tiêm, nhất là người có bệnh nền và học sinh cấp trung học cơ sở; tiêm mũi 2 cho học sinh THPT đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm mũi 3 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Quảng Ninh triển khai tiêm vaccine mũi 3 phòng COVID-19 từ 18/12

Tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai tiêm mũi 3 tăng cường vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 18/12 và phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022 với các đối tượng có chỉ định tiêm trên 18 tuổi, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Dịp Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch đang tới gần, các địa phương không tổ chức hoạt động đông người; tăng cường tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, giám sát phát hiện xử lý các vi phạm trong phòng, chống dịch. Hiện, các địa phương đang tiếp tục triển khai tiêm mũi 2 và tiêm mũi 1 cho trẻ đủ 12 tuổi, đạt 93,5% tổng số trẻ em đủ điều kiện được tiêm.

Tỉnh thống nhất chủ trương chậm nhất ngày 15/12, các địa phương phải lập danh sách những người có chỉ định tiêm nhưng từ chối tiêm chủng, những trường hợp này, nếu trở thành F0 sẽ thu phí điều trị.  

Tin nóng cuối ngày 14/12: TPHCM kêu gọi tiêm vaccine phòng COVID-19 4
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tỉnh Quảng Ninh.

Hải Phòng chuẩn bị tiêm mũi 3 vaccine Covid-19

Mới đây, Sở Y tế Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, trong đó có hướng dẫn triển khai tiêm mũi bổ sung và nhắc lại.

Cụ thể, Hải Phòng đặt mục tiêu hoàn thành bao phủ mũi 1 vaccine Covid-19 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trước này 20/12 tới. Đồng thời tiêm mũi 2 cho nhóm đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Về mũi vaccine bổ sung, thành phố sẽ tiêm cho nhóm từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên người trên 50 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản, có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng. Khoảng cách tiêm mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản là 28 ngày.

 

TÌNH HÌNH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI:

Mỹ: Bang California tái áp đặt quy định đeo khẩu trang

Hôm qua, giới chức y tế bang California của Mỹ cho biết bang này sẽ tái áp đặt quy định đeo khẩu trang tại những khu vực công cộng trong không gian kín trên toàn bang trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh.

Quy định này có hiệu lực từ ngày mai và kéo dài trong một tháng. Đây là một trong những biện pháp mà bang đông dân nhất nước Mỹ này áp dụng nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đang khiến các bệnh viện tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp rơi vào tình trạng quá tải. 

Tin nóng cuối ngày 14/12: TPHCM kêu gọi tiêm vaccine phòng COVID-19 5
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại New York (Mỹ)

Số ca mắc COVID-19 tại Peru đang gia tăng

Hôm qua, Peru – quốc gia ghi nhận tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, cho biết nước này đang ứng phó với tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại.

Số ca mắc mới hằng ngày đã tăng lên trung bình hơn 1.500 ca trong tuần qua sau khi dao động ở mức 800 ca trong giai đoạn từ tháng 9 đến đầu tháng 11 năm nay. Ngoài ra, số ca tử vong cũng đã tăng từ mức trung bình 28 ca/ngày trong một tháng trước lên 56 ca/ngày trong tuần qua.   

Anh: Tình trạng béo phì ở trẻ em gia tăng trong dịch COVID-19

Số liệu của Chương trình Đo lường Trẻ em Quốc gia Anh cho thấy, mức độ béo phì ở trẻ 4 và 5 tuổi đã tăng từ khoảng 10% vào năm 2019 - 2020 lên hơn 14% trong năm 2020 - 2021. Đối với trẻ 10 tuổi và 11 tuổi trong năm cuối cấp tiểu học, tỷ lệ béo phì tăng từ 21% vào năm 2019 - 2020 lên hơn 25% trong năm 2020 - 2021.

Các bé trai có nhiều khả năng bị béo phì hơn và trẻ em ở các khu vực nghèo hơn có nguy cơ béo phì cao hơn gấp đôi so với các trẻ em sống trong gia đình giàu có hơn.

Lý do được đưa ra chính do lượng bánh kẹo được tiêu thụ nhiều hơn trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.

Tin nóng cuối ngày 14/12: TPHCM kêu gọi tiêm vaccine phòng COVID-19 6
Ảnh minh họa

 

KHUYẾN CÁO COVID-19 HÔM NAY

Nhà chung vách có lây COVID-19 không?

Nhiều người rất lo lắng khi nhà chung vách có người bị mắc COVID-19, không biết có lây nhiễm không? Một số nhà ở cùng chung hẻm đối diện với nhau thì có nên mở cửa sổ không, có người sợ virus bay qua cửa sổ vào nhà?

Chuyên gia sức khoẻ khẳng định nếu không có tiếp xúc thì không có lây nhiễm COVID-19. Có hai cách tiếp xúc, một là tiếp xúc trực tiếp, tức là khi mình đứng trước bệnh nhân, hít phải giọt bắn của họ vào mũi của mình. Hai là tiếp xúc gián tiếp khi giọt bắn có chứa virus dính vào tay rồi vô tình mình đưa lên mắt, mũi, miệng của mình. 

Giả thuyết virus bay trong không khí là không có cơ sở khoa học, vì virus không thể tồn tại bên ngoài tế bào sống, nó luôn luôn tồn tại và phát triển trong tế bào sống như các tế bào niêm mạc mũi, miệng, phế quản, phổi bị tróc ra khi người ta ho, hắt hơi... giọt bắn lớn thì ta nhìn thấy được, giọt bắn nhỏ, dưới dạng khí dung aerosol thì mắt thường không nhìn thấy được, nhưng nó vẫn có khả năng mang virus.

Về chuyên môn, một người bị lây nhiễm virus phải hội đủ hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất là phải đủ số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, ít nhất phải có trên 1.000 hạt virus từ người bệnh phát tán ra ngoài rồi đi vào mắt, mũi, miệng người lành. 

Điều kiện thứ hai là thời gian tiếp xúc có đủ lâu để virus xâm nhập hay không.

Đối với số lượng virus, khi người bệnh thở sẽ phát tán 20 hạt virus trong một phút; khi người bệnh nói chuyện sẽ phát tán 200 hạt virus trong một phút; khi người bệnh ho, nhảy mũi sẽ phát tán trên 200 triệu hạt virus trong một phút. 

Những hạt virus này tồn tại khoảng 3 giờ trong không khí ở môi trường kín, thiếu sự thông thoáng, tồn tại từ 2 đến 3 ngày trên một số bề mặt xung quanh.

Đối với thời gian tiếp xúc, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nếu một người F0 đi bộ, đi xe đạp, xe máy chỉ đi lướt qua người khác như trường hợp trên, cả hai đều mang khẩu trang thì khả năng lây rất thấp, gần như không có. 

Nếu mình dừng lại nhưng không nói chuyện, giữ khoảng cách trên 2m trong thời gian dưới 45 phút, thì lây nhiễm rất thấp hoặc không lây. Nếu có nói chuyện với nhau trong thời gian dưới 4 phút thì lây nhiễm cũng rất thấp, nói chuyện trên 4 phút thì lây nhiễm cao. 

Trong môi trường thông thoáng khả năng lây nhiễm rất thấp, ngược lại trong một môi trường kín, ít thông thoáng như trong nhà đóng kín cửa, trong hội trường máy lạnh, thang máy, rạp hát, chung cư dùng chung hệ điều hòa trung tâm... thì lây nhiễm rất cao.

Tin nóng cuối ngày 14/12: TPHCM kêu gọi tiêm vaccine phòng COVID-19 7
Ảnh minh họa

Nhà chung vách nhưng mình không "khoét vách" để tiếp xúc với nhau thì không thể và không lây nhiễm được. Còn nhà hẻm đối diện nhau cũng không lây. Virus không bay qua hẻm được nếu cửa sổ không đối diện nhau và khoảng cách hai nhà trên 2m.

Hãy mở tất cả các cửa trong nhà khi có điều kiện để không khí lưu thông thật thông thoáng, càng thông thoáng càng hạn chế lây nhiễm vì lúc đó nồng độ virus đã bị pha loãng và đẩy ra khỏi nhà nhanh chóng.

Bình luận