TIN TRONG NƯỚC
TP Thủ Đức sẵn sàng đến tiêm vắc xin tại nhà cho người dân
Tại buổi họp báo chiều 13/12, UBND TP Thủ Đức cho biết theo thống kê, khoảng 60.000 người dân trên địa bàn Thủ Đức thuộc nhóm nguy cơ cao, hiện địa phương đang tiến hành tiêm mũi tăng cường cho những người này. Bên cạnh đó địa phương cũng đang chú trọng rà soát những người chưa tiêm vắc xin.
Thời gian qua, hơn 60% ca tử vong trên địa bàn TP Thủ Đức là do chưa tiêm vắc xin, trong đó có cả người mắc bệnh nền. Nhiều gia đình có ba mẹ, ông bà lớn tuổi mắc bệnh nền hoặc tai biến thường có tâm lý lo sợ tiêm vắc xin sẽ gây biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin sẽ bảo vệ tốt hơn khi chẳng may bị COVID-19.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng cho hay các đối tượng người lớn tuổi, có bệnh nền… bị nhiễm COVID-19 đa số do lây nhiễm từ người thân trong gia đình. "Chúng tôi tha thiết mong người dân TP Thủ Đức nói riêng, người dân TPHCM nói chung hiểu rằng tiêm vắc xin là tự bảo vệ chính mình. Nếu người dân không có điều kiện đến trạm y tế, chúng tôi sẵn sàng đến tiêm tại nhà", ông nói.
TPHCM: Trên 90% học sinh đi học trở lại
Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM cho biết qua khảo sát, tỉ lệ học sinh đi học trở lại là hơn 79%. Tuy nhiên trong ngày 13/12, số học sinh khối lớp 9 và 12 đến trường đều đạt trên 90%.
Cụ thể trong ngày đầu các em học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến, số học sinh lớp 9 đi học trở lại của các trường đạt tỉ lệ 90,69% em (trên tổng số 80.987 em); học sinh khối lớp 12 đi học trở lại đạt tỉ lệ 93,62% (trên 60.566 em). Học sinh khối giáo dục thường xuyên lớp 9 đi học trở lại đạt tỉ lệ 73,6%, lớp 12 đạt 91,17%.
Về việc xử lý F0, F1 trong trường học, Sở Giáo dục và đào tạo đã phối hợp với Sở Y tế để xây dựng các phương án hướng dẫn xử lý và tầm soát F0, F1. Cũng trong hôm qua, Sở Giáo dục và đào tạo đã tổ chức các đoàn kiểm tra các đơn vị trường học trên toàn địa bàn TP. Qua báo cáo, các trường học đã được phê duyệt về mức độ an toàn, đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp dương tính trong trường học.
Đảm bảo an toàn giao thông, kiểm soát tốt dịch COVID-19 dịp Tết
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát tốt dịch COVID-19 dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Công điện ghi nhận năm 2021, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, nước ta đã từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19; đồng thời các hoạt động kinh tế, xã hội cũng đang dần phục hồi và phát triển trở lại, nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa và mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng từng bước phục hồi và gia tăng nhanh trong điều kiện bình thường mới.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND tỉnh, TP tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ năng về bảo đảm TTATGT và phòng chống dịch COVID-19 khi tham gia giao thông cho người dân.
Đồng Nai các trường hợp F0 tử vong đều chưa tiêm vắc xin
Theo Sở Y tế Đồng Nai, đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.005 trường hợp tử vong do COVID-19, chiếm 1,09% tổng số ca mắc. Trong đó, có 25 người tử vong trong quá trình cách ly, theo dõi tại nhà.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết các trường hợp mắc COVID-19 tử vong tại nhà là người lớn tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm vắc xin. Khi những người này mắc COVID-19 thì bệnh nền nhanh chóng diễn tiến xấu, không được đưa vào viện kịp thời nên tử vong.
Hiện nay, Đồng Nai cho phép người mắc COVID-19 theo dõi tại nhà, tuy nhiên, ngành y tế khuyến cáo với người lớn tuổi, có bệnh nền, khi mắc bệnh cần lập tức đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị. Sở Y tế Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc kháng virus cho tỉnh. Các huyện, thành phố tăng cường rà soát, đảm bảo tất cả người dân trong độ tuổi đều được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19.
Đà Nẵng lập thêm bệnh viện dã chiến
Tại cuộc họp chỉ đạo chống dịch tối 13/12, bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng tình hình dịch ở thành phố đang mức độ nguy cơ rất cao do tốc độ lây lan nhanh, số ca mắc vượt quá dự kiến và yêu cầu các địa phương linh động tổ chức xét nghiệm và áp dụng các biện pháp chống dịch trên địa bàn cho phù hợp với tình hình.
Trước tình trạng số ca mắc tăng, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu thành lập bệnh viện dã chiến trên đường Hà Văn Tính, quận Liên Chiểu. Riêng các xã phường thành lập trạm y tế lưu động, mỗi khu công nghiệp thành lập tổ y tế lưu động.
Nhanh chóng triển khai điều trị F0 tại nhà, tập trung bảo vệ nhóm đối tượng có nguy cơ cao với COVID-19 là định hướng chống dịch trong những ngày tới ở Đà Nẵng khi số ca mắc tăng đột biến. Hiện nay tại Đà Nẵng, việc cách ly điều trị F0 tại nhà mới được thí điểm ở vài quận huyện.
Đồng Tháp nâng cấp độ dịch tại 3 huyện
Chiều tối 13/12, tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương.
Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp đã quyết định nâng các huyện Tháp Mười, Lai Vung và TP Sa Đéc từ cấp độ 2 lên cấp độ 3, riêng huyện Châu Thành đã thực hiện cấp độ 3 hơn 2 tuần qua. Có 7 huyện, thành phố có cấp độ 2 gồm: Lấp Vò, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng và TP Cao Lãnh. Hiện chỉ có TP Hồng Ngự thuộc cấp độ 1.
Tình hình dịch bệnh tại Đồng Tháp đang ngày càng diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong có xu hướng tăng. Do vậy, tỉnh đề nghị các ngành và các địa phương khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
TIN THẾ GIỚI
Tình hình dịch COVID-19 thế giới 14/12
Biến thể Omicron đang lây lan nhanh ở Anh, chiếm 44% ca mắc mới tại London. Bộ trưởng y tế Anh cảnh báo trong vòng 48 giờ tới, tức đến ngày 15/12, Omicron sẽ là biến thể thống trị tại London.
Trong ngày 13/12, Anh xác nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron. Một số nhà khoa học cho rằng cần áp dụng một số biện pháp hạn chế tạm thời để kiểm soát số ca nhiễm trong khi đẩy mạnh vắc xin tăng cường và chờ vắc xin phát huy hiệu quả. Họ sợ rằng các biện pháp hạn chế đưa ra vào phút chót sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đón Giáng sinh của người dân.
Tại Đan Mạch, cơ quan nghiên cứu đã phát hiện 3.437 ca nhiễm biến thể Omicron kể từ khi Đan Mạch ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Các nhà khoa học xác định biến thể Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị trong tuần này.
Tại Canada, theo Hãng tin Reuters, các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 có thể tăng nhanh trong những ngày tới do sự lây lan của biến thể Omicron trong cộng đồng.
Cụ thể, số ca nhiễm ở tỉnh bang Ontario, nơi có gần 40% dân số trong số 39 triệu dân của nước này sinh sống, số ca nhiễm đã tăng lên buộc chính quyền phải ngừng nới lỏng các biện pháp hạn chế trước thềm Giáng sinh.
So với tuần trước, số ca nhiễm ở Ontario tăng 70%, trong đó có 80 ca là do biến thể Omicron.
Trung Quốc kêu gọi dân không về quê ăn Tết vì COVID-19
Để ngăn chặn sự lây lan của virus, chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc bắt đầu khuyến cáo người dân không di chuyển "không cần thiết", kể cả các chuyến về quê vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.
Kỳ nghỉ năm nay bắt đầu vào ngày 31/1 Dương lịch, trong bối cảnh biến thể Omicron có nhiều đột biến xuất hiện. Trung Quốc đại lục chưa ghi nhận ca mắc biến thể Omicron trong cộng đồng nhưng đang trong tâm thế hết sức cảnh giác.
Một huyện ở Trương Gia Khẩu - nơi tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022 - đã kêu gọi cán bộ, công nhân viên trong khu vực nhà nước và đảng viên "làm gương" bằng cách không đi chơi xa, chọn nghỉ Tết tại chỗ.
Người dân cũng được khuyên hãy thuyết phục người thân ở nước ngoài hoặc các vùng có nguy cơ trung bình và cao tại Trung Quốc không trở về quê.
Ở tỉnh Quảng Đông, các doanh nghiệp tại thị trấn Tam Hương được vận động tổ chức cho nhân viên ở yên tại chỗ trong dịp Tết Nguyên đán.
Tại Bằng Tường thuộc tỉnh Quảng Tây lân cận, tất cả các cửa hàng được yêu cầu động viên nhân viên không đi lại trong mùa lễ. Những ai che giấu hoặc khai báo gian dối về lịch sử dịch tễ, cản trở nỗ lực truy vết sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Hồi tuần trước, một bác sĩ và là đảng viên ở Nội Mông đã bị khai trừ khỏi đảng vì khai báo gian dối lịch sử đi lại dù đã mắc COVID-19.
Nước Anh đang trong tình trạng khẩn cấp vì Omicron
Mức độ 4 đồng nghĩa với việc "tình trạng lây lan cao và áp lực lớn, ngày càng gia tăng đối với hệ thống chăm sóc y tế".
Thủ tướng Boris Johnson cho rằng, nước Anh đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp trong trận chiến với biến thể mới, Omicron.
Hôm qua, nước này ghi nhận hơn 1.200 ca nhiễm mới biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên hơn 3.100 ca, tăng 65% so với một ngày trước đó.
Trước sự lây lan của biến thể Omicron, Chính phủ Anh nhấn mạnh tới việc cần phải khẩn trương củng cố bức tường bảo vệ vaccine.
Chính phủ Anh đặt mục tiêu tiêm mũi tăng cường cho tất cả những người trên 18 tuổi trước cuối tháng 1/2022. Những người trên 30 tuổi sẽ được tiêm mũi tăng cường từ tuần tới.
Dùng AI và mạng lưới camera truy vết ca mắc COVID-19
Hệ thống mới ở thành phố Bucheon của Hàn Quốc sẽ sử dụng các thuật toán AI và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phân tích video được ghi lại bởi hơn 10.820 camera an ninh, từ đó theo dõi chuyển động của người mắc COVID-19.
Quan chức Bucheon trên cho biết hệ thống mới sẽ giảm bớt tình trạng căng thẳng cho các đội truy vết bên trong thành phố có dân số hơn 800.000 người này, đồng thời giúp các đội truy vết làm việc hiệu quả và chính xác hơn.
Hàn Quốc đã sở hữu hệ thống theo dõi tiếp xúc công nghệ cao, trong đó thu thập thông tin về thẻ tín dụng, vị trí điện thoại di động và các hình ảnh, cùng những thông tin cá nhân khác.
Tuy nhiên, nước này vẫn phụ thuộc vào số lượng lớn các nhà điều tra dịch tễ học để truy vết và liên lạc với các trường hợp mắc COVID-19. Những người này thường phải làm việc xuyên suốt trong 24 giờ.
Hệ thống mới ở Bucheon sẽ có thể truy vết đồng thời 10 người trong vòng 5-10 phút. Hiện tại việc truy vết thủ công một người mất khoảng 30 phút - 1 giờ.
Thành phố New York - nơi tệ nhất về vệ sinh công cộng
Là trung tâm văn hóa, tài chính và truyền thông của cả thế giới, nhưng về vệ sinh công cộng, thành phố New York lại là một trong những nơi tệ nhất.
Khu vực tàu điện ngầm thành phố New York là một trong những hệ thống đường sắt lớn nhất thế giới với 5,6 triệu lượt khách đi lại mỗi ngày làm việc trong tuần. Đông đúc như vậy nên cũng khó tránh khỏi tình trạng mất vệ sinh, rác có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi cùng với những mùi khó chịu.
Còn trên mặt đất, tình trạng những túi rác được chất đống để chờ thu gom cũng rất phổ biến. Nhiều thùng rác công cộng được bố trí ở khắp các tuyến phố, nhưng luôn trong tình trạng quá tải, và khi đó rác sẽ tràn cả xuống đường.
Được xây dựng hiện đại từ cuối thế kỷ 19, hiện nay New York đang đối mặt với tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, dân số quá tải và khách du lịch ngày một đông. Mới đây, thành phố này đã bị bình chọn là 1 trong 3 thành phố bẩn nhất thế giới.
Sự đông đúc, nhịp sống hối hả là một số nguyên nhân gây ra tình trạng mất vệ sinh công cộng tại New York. Tuy nhiên, cũng chính những nguyên nhân này lại tạo nên nét hấp dẫn riêng cho thành phố. Được sống ở New York vẫn là một ước mơ, sự kiêu hãnh, đặc biệt là với những người trẻ tuổi.
Tạp chí Time chọn Tỉ phú Elon Musk là Nhân vật của năm 2021
Ngày 13/12, tạp chí Time của Mỹ đã chọn giám đốc điều hành Hãng xe điện Tesla và Công ty tàu vũ trụ SpaceX, tỉ phú Elon Musk, là nhân vật của năm 2021.
Ông Elon Musk sinh ngày 28/6/1971 tại Pretoria, Nam Phi. Mẹ ông là người gốc Canada, bố là người Nam Phi. Khi Musk lớn lên, bố mẹ li hôn. Năm 1988 ông chuyển đến Canada và sau đó đến Mỹ học tập.
Musk tốt nghiệp cử nhân kinh tế và vật lý tại Mỹ và theo học tiến sĩ ngành khoa học vật liệu và vật lý ứng dụng tại Đại học Stanford nhưng bỏ ngang để cùng với em trai là Kimbal Musk phát triển Zip2, một ứng dụng cho phép xuất bản các nội dung trực tuyến dành cho các hãng thông tấn.
Đến năm 1999, ông kiếm được 22 triệu USD từ việc bán Zip2. Liên tục những năm sau đó, Elon Musk đã thành lập 3 công ty đại diện cho 3 "mơ ước" của mình là PayPal - ở lĩnh vực Internet, Tesla Motors - lĩnh vực năng lượng sạch, và SpaceX - lĩnh vực không gian vũ trụ.
Lần đầu tiên Elon Musk lọt vào danh sách các tỉ phú của tạp chí Forbes là năm 2012, khi đó tổng tài sản ròng của ông là 2 tỉ USD. Vào đầu năm 2020, tài sản của ông khoảng 27 tỉ USD. Theo cập nhật trên bảng xếp hạng tài sản các tỉ phú của Bloomberg ngày 14-12, Elon Musk hiện là người giàu nhất thế giới và giá trị tài sản ròng chính thức là 266 tỉ USD. Người sau ông là tỉ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập đế chế thuơng mại điện tử Amazon.