"Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp… chưa được ngăn chặn hiệu quả”

(VOH) - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dù có nhiều kết quả tích cực nhưng công tác phòng chống tham nhũng còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sáng 8/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Theo báo cáo, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm. Tiến hành 3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, đã phát hiện 283 vụ việc, chấn chỉnh và xử lý 386 người có vi phạm. Kiểm tra tại 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện, chấn chỉnh và xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

Về công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.844 cuộc thanh tra hành chính và 195.326 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.075 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 89%.

Các Cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can; kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can; đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó đã xét xử 410 vụ/945 bị cáo. Công tác thi hành án đã thi hành xong 1.895 việc (tăng 290% so với năm 2021).

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế như cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được tổ chức thực hiện đồng bộ và toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn hạn chế.

Xem thêm: Tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng 40,97%

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét.