Tọa đàm Đồng hành cùng bầu cử - kỳ 2: Sức mạnh toàn dân

(VOH) - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang đến gần.

Những ngày qua chúng ta nói nhiều đến công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử và trách nhiệm của các ứng cử viên. Nhưng chủ thể quan trọng làm nên thành công và hiệu quả của cuộc bầu cử chính là cử tri. Nếu cử tri làm hết quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong bầu cử, thực sự có trách nhiệm, sát sao trong việc đánh giá, lựa chọn ứng cử viên, chắc chắn, sẽ khiến các ứng cử viên nếu trúng cử trở thành đại biểu dân cử sẽ trách nhiệm và nỗ lực nhiều hơn trong hoạt động của họ.

Tọa đàm Đồng hành cùng bầu cử: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân qua lá phiếu 1
Toàn cảnh Tọa đàm Đồng hành cùng bầu cử.

VOH tiếp tục giới thiệu kỳ 2 của chủ đề: Sức mạnh toàn dân trong tọa đàm “Đồng hành cùng bầu cử”, với sự tham gia của các vị khách mời:

- Bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026.

- PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

-  PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Việt Nam, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia Thành phố, Thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa bà Tô Thị Bích Châu việc tạo điều kiện để các giới, các tầng lớp Nhân dân được tiếp cận những thông tin về cuộc bầu cử kỳ này được Mặt trận tổ chức thực hiện như thế nào thưa bà?

Bà Tô Thị Bích Châu: Với trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố thì chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến với các giới, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố. Ví dụ như chúng ta ngồi với nhau hôm nay là buổi tuyên truyền để cho đồng bào các giới, cử tri thành phố hiểu hơn về công tác bầu cử. Để người dân hiểu hơn về quyền và trách nhiệm của mình khi thực hiện bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, thì chúng tôi có kế hoạch để tuyên truyền phổ biến về ý nghĩa và tầm quan trọng của bầu cử. Chúng tôi tổ chức những chuyên mục, chuyên trang để tuyên truyền, phổ biến về các nội dung liên quan đến bầu cử, để người dân thực hiện tốt nhất quyền của mình. Chúng tôi cũng thiết kế những ấn phẩm nhằm truyền thông và phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền lựa chọn những người đại diện tốt nhất cho người dân. Chúng tôi có tổ chức hội thi lớn cũng mong các cấp, các ngành hết sức tham gia để chúng ta hiểu hơn về công tác bầu cử. Đó là tổ chức hội thi tìm hiểu về cách thức chọn người đức, tài cho nhân dân.

Chúng tôi phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh…để tổ chức những nội dung, chuyên đề đồng hành bầu cử. Qua các hoạt động tuyên truyền như vậy thì chúng tôi tiếp tục kêu gọi trên phương tiện thông tin đại chúng và đồng bào các giới để làm sao có nhiều thông tin cung cấp cho nhân dân đủ thông tin, đủ tư liệu để sáng suốt lựa chọn những ứng cử viên của mình đủ đức, đủ tài, bảo đảm quyền và trách nhiệm của mỗi cử tri. 

*VOH: Một trong những việc cử tri quan tâm nhất là làm sao giám sát lời hứa của các ứng cử viên sau khi trúng cử. Theo bà Tô Thị Bích Châu, cử tri giám sát việc thực hiện lời hứa của các ứng cử viên như thế nào?

Bà Tô Thị Bích Châu: Tại những hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ cử tri của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thì trước khi đó thì chúng ta có những ứng cử viên trình bày chương trình hành động và sau khi những ứng cử viên này được bầu cử, trúng cử là đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thì cử tri tiếp tục giám sát chương trình hành động của họ sẽ được thực hiện trong quá trình diễn ra mình là đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Như vậy thì cử tri căn cứ vào những lời hứa đó để trong quá trình giám sát của bản thân cử tri để làm sao đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện lời hứa của mình. Ít nhất mỗi năm một lần thì đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ báo cáo trước hết về đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân của mình, cũng như về Mặt trận kết quả hoạt động của mình trong thời gian qua.

Cũng như luật định 1 năm ít nhất 4 lần đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân có buổi tiếp xúc cử tri mà Mặt trận tổ chức tại các nơi ứng cử của mình trước và sau kỳ họp theo quy định. Đồng thời, có tổ chức tiếp xúc cử tri theo giới, theo các nội dung đại biểu quan tâm cũng như cử tri quan tâm. Như vậy chúng ta có hình thức kết nối này, người dân sẽ tiếp tục phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của mình và tiếp tục giám sát những lời hứa của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

*VOH: Bầu được người xứng đáng nhất đại diện cho mình là mong mỏi của bất cứ cử tri nào. Theo quy định, với những người được bầu nếu sau này không đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì cử tri có quyền bãi nhiệm. Tuy nhiên, đến nay pháp luật chưa hướng dẫn cụ thể về việc này. Ý kiến của bà Phạm Khánh Phong Lan về vấn đề này như thế nào?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Trong thực tế vừa qua, trong qúa trình hoạt động Quốc hội tôi thấy đã có những vấn đề khi đại biểu không đáp ứng được mong mỏi của cử tri, đặc biệt là có những dấu hiệu vi phạm về pháp luật, về các tiêu chuẩn, tiêu chí. Đầu tiên có quy định nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể của pháp luật, cũng tương tự như trường hợp Quốc hội thông qua luật, nhưng chờ Chính phủ cho ra nghị định và thông tư. Không phải vì lẽ đó mà mọi sự ngưng lại. Cho nên trước mắt đây là nội dung mà các đại biểu Quốc hội khóa tới hết sức quan tâm để đưa nội dung này vào, thúc ép, đôn đốc Chính phủ làm cho xong việc này chứ không phải ra Luật để trang trí. Song song đó, với những việc đã xảy ra thì chúng ta đã chủ động để ứng phó cần phải phát huy. Ở đây chính là phát huy vai trò của Mặt trận, bởi vì phải có ý kiến của cử tri, người đại biểu được bầu là do lá phiếu của cử tri, chứ không phải do lá phiếu của các đại biểu Quốc hội khác. Cho nên khi bãi nhiệm, bãi miễn với hệ thống của các đoàn, rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì tôi thấy là cử tri chưa được tôn trọng thỏa đáng. Mặt trận phải đứng ra tổ chức hội nghị để cử tri ý kiến vấn đề này để giải quyết thích đáng.

Tuy nhiên một vấn đề khác hết sức quan trọng là cũng phải đưa vào cơ chế tự trọng của người đại biểu. Khi biết mình vi phạm rồi, không chối cãi nữa, đúng là vi phạm rồi thì trong quy định phải có những vấn đề tự xin rút lui, tự xin bãi nhiệm, chứ không đợi, tất cả đều chờ vào quy trình thì người dân sẽ rất bức xúc.

*VOH: Xin mời Luật sự Nguyễn Văn Hậu và ông Hà Minh Hồng có ý kiến thêm về vấn đề này.

Luật sự Nguyễn Văn Hậu: Tôi cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, tôi xin bổ sung thêm quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân có được xem là quyền dân chủ trực tiếp người dân trao cho đại biểu để thực hiện quyền mình trên những diễn đàn Quốc hội, để chất vấn, thực hiện những quyền mà người dân hiến định.

Hiện nay quyền bãi nhiệm đại biểu thì tại quy định khoản 2 điều 7 của Hiến pháp quy định là đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đánh tín nhiệm. Điều 40 của Luật tổ chức Quốc hội quy định: đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân thì Quốc hội hoặc cử tri miễn nhiệm. Điều 102 đại biểu Hội đồng nhân dân không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của người dân thì bị Hội đồng nhân dân hoặc cử tri bãi nhiệm. Vế trước thì dễ rồi, nhưng vế cử tri bãi nhiệm thì rất nhiều văn bản không quy định. Thì tôi nghĩ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV phải kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có hướng dẫn cái này. Hiện nay thì chưa có.

*VOH: Ở góc độ của PGS.TS Hà Minh Hồng thì có những ý kiến thế nào về vấn đề này, qua ý kiến của bà Phạm Khánh Phong Lan và luật sư Nguyễn Văn Hậu?

Ông Hà Minh Hồng: Chúng ta thấy là cứ xem lại bất cứ nước nào cũng có hệ thống luật rất bài bản, đầy đủ để bảo đảm nền dân chủ của mỗi quốc gia. Nhưng mà hình như không thấy một hệ thống luật của quốc gia nào về vấn đề dân chủ mà đề cập đến tiếp xúc cử tri. Ở ta vấn đề tiếp xúc cử tri không chỉ lúc bầu, vận động tranh cử mà tiếp xúc cử tri cả khi đã và đang trở thành đại biểu trong nhiệm kỳ đó, mỗi nhiệm kỳ quy định bao nhiêu lần tiếp xúc cử tri. Vấn đề đó hết sức quan trọng. Theo tôi phải làm sao cho các đại biểu bám sát vào các cuộc tiếp xúc cử tri trong quá trình vận động tranh cử đã đành, nhưng đặc biệt trong quá trình làm đại biểu, thực hiện tốt hay không giám sát ở đó. Và trong vấn đề tiếp xúc cử tri vai trò của hệ thống Mặt trận ở cơ sở rất quan trọng, theo tôi trong luật đã đưa vào rồi, nhưng thực tế thực hiện thế nào thì chúng ta vẫn phải vận động, linh động thực hiện cho tốt, phát huy làm sao càng ngày càng tốt hơn vai trò Mặt trận ở cơ sở.

*VOH: Xin cám ơn các khách mời. 

Bình luận