Theo TTXVN, tại cuộc gặp, hai bên bày tỏ hài lòng với những bước phát triển tích cực trong quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác/đối thoại hiện có; hoan nghênh EU đóng vai trò tích cực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy hợp tác của EU với các nước trong khu vực thông qua khuôn khổ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vui mừng nhận thấy sau gần 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã tạo sức bật mới cho thương mại song phương, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong ASEAN và EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, đầu tư của EU vào Việt Nam cũng tăng lên. EU hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả EVFTA, trong đó ưu tiên tháo gỡ những vướng mắc về mở cửa thị trường cho hàng hóa hai bên, bao gồm việc EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, hai bên đề nghị cùng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh và phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, nhất là tội phạm công nghệ cao; EU tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực quản trị công, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn, đặc biệt hỗ trợ Việt Nam tối đa về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực để thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và triển khai hiệu quả Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng như thích ứng các quy định mới của EU về môi trường và phát triển bền vững.
Nhất trí với những đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, bà Ursula von der Leyen khẳng định, EU sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cơ chế trao đổi hiện có để thúc đẩy hợp tác hai bên trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo, đổi mới sáng tạo, giao lưu văn hóa…; tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, triển khai hiệu quả JETP, hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu…
Về tình hình Biển Đông, hai bên nhất trí nhấn mạnh các tranh chấp cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực.