Chờ...

TPHCM đề xuất giữ lại 21% ngân sách để tăng tốc phát triển sau 2025

VOH - UBND TPHCM vừa gửi báo cáo lên Quốc hội, đề xuất giữ lại ít nhất 21% ngân sách sau năm 2025.

Theo TPHCM, việc giữ lại nguồn lực này là cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước đột phá trong đầu tư hạ tầng và nâng cao phúc lợi cho người dân, cũng như cải thiện thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

Thời gian qua, TPHCM duy trì vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Với năng suất lao động cao gấp 2,8 lần trung bình cả nước, thành phố đóng góp khoảng 23% GDP và 27% thu ngân sách quốc gia mỗi năm. Đặc biệt, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng của thành phố góp 0,23% vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Tuy nhiên, UBND TPHCM nhấn mạnh rằng, mặc dù đã đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia, nhưng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố lại có xu hướng giảm dần qua các giai đoạn.

Thu ngan sachẢnh minh hoạ

Từ năm 2000 đến nay, tỉ lệ ngân sách giữ lại của TPHCM đã giảm từ 33% xuống còn 23% vào giai đoạn 2011-2016 và 18% trong giai đoạn 2017-2021. Đến giai đoạn 2022-2025, tỉ lệ này mới tăng lên 21% nhưng vẫn thấp hơn so với nhu cầu phát triển của thành phố. Mặc dù thành phố nhiều lần kiến nghị tăng tỉ lệ giữ lại lên ít nhất 23%, nhưng mức tối đa được chấp thuận chỉ là 21%.

Vào cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 31, cho phép TPHCM duy trì tỉ lệ giữ lại 21% ngân sách đến hết năm 2025, và yêu cầu giữ mức này không thấp hơn trong các năm tiếp theo. UBND TPHCM cho rằng đây là cơ hội để thành phố có thêm nguồn lực phục vụ cho các dự án chiến lược.

Theo đề xuất lần này, UBND TPHCM nhấn mạnh việc duy trì mức giữ lại 21% sẽ giúp thành phố đáp ứng các nhu cầu phát triển ngày càng lớn. TPHCM hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với cả nước, tỷ trọng xuất khẩu giảm, cho đến hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, cản trở sự phát triển bền vững của thành phố.

Các nguồn lực từ việc giữ lại ngân sách sẽ giúp TPHCM tập trung vào đầu tư hạ tầng, cải thiện phúc lợi xã hội và tăng thu nhập cho đội ngũ công chức và người lao động. Điều này đặc biệt quan trọng khi thành phố đang hướng tới các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi phải có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và các dự án trọng điểm.