Theo công văn số 6881 của Bộ Y tế, quyết định này được đưa ra sau khi TPHCM ghi nhận số ca mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số ca bệnh.
Từ đầu mùa dịch đến nay, đã có 349 trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi, chiếm 24% trên tổng số ca bệnh, trong đó phần lớn là trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi.
Vaccine sởi cho trẻ nhỏ: Biện pháp phòng dịch cần thiết
Nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi thường chưa đủ tuổi để tiêm vaccine sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, hệ thống giám sát ghi nhận rằng số ca bệnh ở độ tuổi này đang gia tăng, và kháng thể sởi mà trẻ nhận từ mẹ có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ. Trước thực trạng này, Sở Y tế TPHCM đã đề xuất Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine sởi cho nhóm trẻ từ 6 tháng tuổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong các tình huống dịch bùng phát, trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi có thể được tiêm vaccine sởi đơn giá như một biện pháp phòng dịch tăng cường.
Mũi tiêm này được coi là "mũi sởi 0" và không thay thế lịch tiêm chủng chính. Sau khi tiêm mũi này, trẻ vẫn sẽ được tiêm 2 mũi vaccine sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng vào các thời điểm 9 và 18 tháng tuổi.
Kế hoạch tiêm chủng an toàn và hiệu quả
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TPHCM xây dựng kế hoạch chi tiết, đảm bảo đạt tỉ lệ tiêm chủng ít nhất 95% ở các xã, phường. Thành phố cũng sẽ triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ, tránh bỏ sót trẻ nhỏ chưa được tiêm, đặc biệt là những trẻ đang nằm viện hoặc chưa đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng đúng lịch.
Đại diện Sở Y tế cho biết, vaccine sởi đơn giá sẽ được sử dụng cho nhóm trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi. Đây là loại vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh sởi.
TPHCM cũng sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi trên toàn địa bàn và tiêm đủ các loại vaccine khác cho những trẻ chưa hoàn thành lịch tiêm chủng.