Sáng 23/4, Chương trình trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” với chủ đề: “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh” do HĐND Thành phố với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện. Tại chương trình, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã thông tin về tình hình của các doanh nghiệp và hỗ trợ vốn, tín dụng và các chính sách cho người lao động.
Trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết: “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, thì ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp với tổng giá trị nợ khoảng 3,5 triệu tỷ đồng cho gần 2 triệu lượt khách hàng vay vốn. Đây là hỗ trợ thiết thực giúp doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trên địa bàn vượt qua khó khăn. Thứ hai, chúng tôi tổ chức tốt các chương trình tín dụng, trong đó, thực hiện cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất khẩu, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…”
Bên cạnh vốn, tín dụng thì vấn đề về lao động - việc làm để phục hồi thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội và không để đứt gãy nguồn lao động cho hoạt động sản xuất kinh doanh là rất cần thiết cho các doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội, cho hay: “Chúng tôi đã xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động để nắm bắt tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng tham gia hoạt động kinh tế của người lao động, đặc biệt quan tâm thiết lập dữ liệu người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức; từ đó có các chính sách ứng phó kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung - cầu lao động”.
Cùng với đó, TPHCM cũng đẩy mạnh liên kết vùng nắm bắt thông tin cung - cầu lao động giữa các địa phương, kết nối thông tin thị trường lao động giữa các tỉnh, thành phố. Triển khai các sàn giao dịch việc làm trực tuyến khu vực, vùng miền, kết nối doanh nghiệp và người lao động để nắm bắt yêu cầu tuyển dụng trong quá trình giao dịch, thỏa thuận trước khi nhận việc để không mất thời gian của người lao động khi quay trở lại tỉnh, thành phố tìm kiếm việc làm; đặc biệt các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động… Ông Đào Minh Chánh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố thông tin thêm: “Tiếp tục triển khai đề án phát triển logistic, phát triển thương mại điện tử năm 2025-2030; Xem xét thí điểm các mô hình, giải pháp tổ chức hoạt động, hướng đến chuyển đổi số và phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững. Mở rộng quy mô xuất khẩu, chú trọng nâng cao các giá trị xuất khẩu trên cơ sở tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kích cầu nội địa tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ… Về công nghiệp, phục hồi sản xuất chuỗi cung ứng, chuỗi gái trị bị đứt gãy, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu cũng như lin kiện thay thế”.
Tại chương trình, ông Đào Quốc Cường, Giám đốc thường trực công ty Juki Việt Nam nêu kiến nghị: “Có hai vấn đề TPHCM làm được, TPHCM có thể liên hệ với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội các tỉnh, các trung tâm giới thiệu việc làm của các quận huyện, các trường cao đẳng và trung cấp nghề, tập hợp nguồn thông tin người lao động, từ đó cung cấp doanh nghiệp. Trong thời đại 4.0, chúng ta cần có trung tâm giới thiệu việc làm trực tuyến để đăng thông tin tuyển dụng, lấy thông tin giữa người tìm việc, làm cầu nối giữa cung và cầu để tăng hiệu quả cho việc tuyển dụng.
Thứ hai, chính sách chăm lo để giữ chân người lao động, thì do ảnh hưởng Covid-19 cũng như vật giá tăng ở TPHCM, nên tỉ lệ thôi việc của công ty cũng tăng, nhiều công ty khác cũng tăng. Ví dụ những năn trước, tỉ lệ nghỉ việc từ 1-1,5%, nhưng đấu năm rồi và đầu năm nay tăng gấp đôi khoảng 3,5%. Do đó, cần có nhiều biện pháp để hạn chế xu hướng người lao động về quê".
"Chúng tôi đề xuất, việc chăm lo cho người lao động, đương nhiên trách nhiệm chính của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng mong muốn Thành phố có những chính sách hỗ trợ thêm cho người lao động, đặc biệt những lao động đến từ các tỉnh. Thí dụ như hỗ trợ người lao động tiếp cận nguồn nhu yếu phẩm bình ổn giá. Việc này có thể kết hợp với các công đoàn cơ sở thực hiện, nếu được chúng ta có thể phát thẻ giảm giá cho người lao động; để họ có thể mua hàng với giá bình ổn, giảm học phí cho con em người lao động” - ông Đào Quốc Cường nêu đề xuất.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, Thành phố Hồ Chí Minh có 127 doanh nghiệp đã được Sở Lao động - TBXH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, góp phần cùng thành phố thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động theo yêu cầu của xã hội.
Theo ông, hiện nay, tại các tỉnh đều có các khu công nghiệp, khu kinh tế với nhiều doanh nghiệp hoạt động, từ đó cũng thu hút lao động vào làm việc, do đó cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây. Vì vậy, về phía doanh nghiệp, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa, chia sẽ khó khăn, đồng hành cùng với người lao động, có các chính sách, chế độ đãi ngộ thiết thực để giữ chân người lao động làm việc lâu dài cũng như thu hút tuyển mới lao động đến làm việc.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, đây là chính sách rất ý nghĩa với người lao động, đặc biệt đối với người lao động muốn nâng cao tay nghề, chuyển đổi vị trí công việc tốt hơn tại công ty hoặc duy trì việc làm để đảm bảo thu nhập.
“Theo quy định, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng/người. Chính sách triển khai từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022. Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét và quyết định việc hỗ trợ theo đúng quy định” - ông Huỳnh Thanh Khiết thông tin.
Tại chương trình, ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố nhìn nhận, nhiều chính sách hỗ trợ donh nghiệp và người lao động của cả Trung ương và thành phố góp sức tạo động lực giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kinh tế của Thành phố đã đề ra, ông Huỳnh Thanh Hùng cho biết, các sở ngành cần tập trung một số giải pháp: “Triển khai thực hiện tốt nhất các chính sách hỗ trợ của Trung ương và Thành phố đối với các doanh nghiệp, trong đó cần tập trung kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách, tháo gỡ những khó khăn, rào cản để giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách được thuận lợi, nhanh chóng và công khai minh bạch.
Tăng cường lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hộ kinh doanh để kịp thời xây dựng và ban hành chính sách theo thẩm quyền hoặc có giải pháp tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh thiết thực, hiệu quả nhất. Tổ chức triển khai thực hiện tốt 8 nhóm giải pháp mà Ủy ban nhân dân Thành phố đã xác định tại Chỉ thị số 08…” - ông Huỳnh Thanh Hùng đề nghị.