TPHCM quyết tâm "xóa sổ" xe dù, bến cóc

(VOH) - Chiều 27/2, tại TPHCM, lãnh đạo Bộ GTVT có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM về công tác quản lý nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn TPHCM.

Vấn đề xe dù, bến cóc được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhắc lại tại cuộc họp này, bởi cách đây không lâu chính đồng chí Bí thư sau khi nghe phản ánh của người dân đã chỉ đạo cắm biển cấm xe ô tô trên 9 chỗ dừng đậu ở đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm (Q.1).

Tuy nhiên tình trạng xe dù, bến cóc vẫn còn. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng giao Sở GTVT phối hợp với Công an để xử lý nghiêm tình trạng này.

Cần thiết thì chấm dứt cho thuê vỉa hè

Trong khi vấn đề ùn tắc, kẹt xe ngày càng diễn ra nghiêm trọng thì tại nhiều tuyến đường các quận, huyện lại được sử dụng lòng đường, vỉa hè để cho thuê buôn bán, làm bãi giữ xe. Ông Thăng cho rằng cần thiết thì chấm dứt cho thuê vỉa hè, lòng đường để buôn bán, làm bãi giữ xe. Chỗ nào cần thì giữ xe không thu phí, quan trọng là phải quản lý tốt.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ GTVT và TPHCM trong thời gian qua, nhất là phối hợp giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan đến việc đầu tư hạ tầng giao thông.

Ông Phong cho biết, với trách nhiệm của mình, những vấn đề nào liên quan đến Thành phố thì sẽ chỉ đạo các cấp, ngành giải quyết triệt để. Những cuộc họp tiếp theo sẽ cập nhật lại những vấn đề gì đã làm được, chưa làm được để tiếp tục thực hiện.

Bí thư Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hoàng Minh)

Cần xây dựng cơ chế đột phá

Kết luận buổi làm việc, ông Thăng cho rằng để TPHCM có bước phát triển đột phá cần xây dựng cơ chế đột phá: “Một đô thị đặc biệt thì phải có cơ chế đặc biệt, giải pháp đặc biệt, quyết tâm đặc biệt”. TPHCM phải tranh thủ cầu thị các Bộ, Ban ngành Trung ương để xây dựng cơ chế này.

Đồng chí Bí thư thống nhất chủ trương một quý sẽ tổ chức cuộc họp giữa Bộ GTVT và TPHCM một lần để giải quyết các vấn đề vướng mắc. Tuy nhiên, những vấn đề gì phát sinh phải xử lý nhanh chứ không cần đợi đến khi họp mới báo cáo.

“Vấn đề gì vướng mắc báo cáo tôi sẽ điện thoại yêu cầu xử lý ngay chứ không cần đợi đến khi họp. Cải cách hành chính là ở chỗ đó”, ông Thăng nhấn mạnh.

Tất cả giải pháp trên nhằm xây dựng TPHCM thành một trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước, trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu của khu vực - một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong năm 2015, Thành phố đã tăng thêm 584.000 m2 diện tích mặt đường dành cho giao thông với 12 cây cầu, 32,6km đường. Công tác đầu tư xây dựng giao thông vận tải TPHCM đã bám sát các quy hoạch, nhưng vẫn chưa đảm bảo tiến độ thực hiện so với quy hoạch vì các vấn đề như: thiếu vốn đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng… Nhiều công trình đến nay vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn hoặc vốn được giao chưa đầy đủ do khó khăn từ nguồn ngân sách TP; công tác kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trong danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT không xác lập được phương án tài chính khả thi dẫn đến nhiều công trình giao thông trọng điểm, tuyến đường giao thông huyết mạch chưa được đầu tư xây dựng như đường Vành đai 2, Tỉnh lộ 15, đường Vườn Lài... và một số cây cầu lớn, quan trọng vẫn chưa được xây dựng như: Phú Định, Bình Quới, Phú Xuân 2, Vàm Thuật.

Để kéo giảm ùn tắc giao thông, Thành phố ưu tiên nguồn vốn 44 tỷ USD phát triển hạ tầng giao thong đường sắt đô thị (metro), xe buýt nhanh, đường sắt trên cao đến năm 2030.

Bá Nam