Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, rất nhiều những sáng kiến, thử nghiệm, các mô hình mới, ví dụ như là thí điểm phát triển kinh tế nhiều thành phần, rồi cổ phần hóa đều bắt đầu từ Thành phố, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… mang lại hiệu quả đột phá và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Trong những nhiệm vụ đột phá như cải cách hành chính, phát triển giao thông, đổi đất lấy hạ tầng, tinh thần sáng tạo, đổi mới không ngừng được phát huy, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố Hồ Chí Minh anh hùng.
Nghe nội dung bài viết tại đây
Đẩy mạnh cải cách hành chính cũng là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong chương trình Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, xuyên suốt và kịp thời từ Thành phố đến phường-xã-thị trấn.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, liên thông điện tử, thực hiện thủ tục kết hợp và công tác tiếp nhận, trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông, đang được tiếp tục thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Số lượng thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng được mở rộng và được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện.
Ông Nguyễn Thái Phương quận Bình Thạnh cảm nhận việc đi làm thủ tục hành chính nay đã được phục vụ nhanh chóng hơn và người dân cũng được tạo điều kiện để có quyền chấm điểm hài lòng hay không hài lòng khi được phục vụ:
"Trước đây đi công chứng thủ tục còn hơi lâu nhưng hiện tại nhờ những thay đổi nên nhân viên phục vụ dân lẹ làng, nhanh, gọn, đánh giá về người nhân viên đó làm việc tốt thì mình đánh giá tốt, còn xấu thì mình đánh giá xấu, hoặc có thái độ phục vụ nhân viên đối với người dân thì mình có quyền đánh giá qua bảng điện tử phần mềm."
Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công, dịch vụ công đã có sự chuyển biến tích cực hơn.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBNDTP nhận định: "Từng bước việc xây dựng chính quyền điện tử có những hiệu quả nhất định, thứ nhất là các quận huyện tỷ lệ triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 có nhiều tiến bộ, trung bình tăng khoảng 35 đến 40%, các sở ngành việc liên thông để giải quyết các thủ tục hành chính, cũng như việc áp dụng thư mời điện tử, hạn chế thư mời bằng giấy, các văn bản liên thông với nhau bằng giấy cũng giảm dần, giúp cho tiến độ thời gian và nội dung minh bạch, công khai hơn."
Trên cơ sở này, UBND Thành phố đặt ra các nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục chủ động, tăng cường triển khai khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước để chấn chỉnh kịp thời các hạn chế.
Thành phố phấn đấu nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%. Sự hài lòng của cá nhân trong lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020. TPHCM cũng nghiên cứu thực hiện đổi mới mang tính đột phá về công tác thể chế, kết hợp đồng bộ với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, nghiên cứu phương thức từ “tiền kiểm sang hậu kiểm” trong thủ tục hành chính…
Có thể thấy cải cách thủ tục là yêu cầu quan trọng của cải cách hành chính, nhằm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Để đạt hiệu quả thì cần sự phối hợp từ nhiều phía như việc rà soát cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức phục vụ của cán bộ, công chức.
Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: "TP đã công bố đề án xây dựng TP là đô thị thông minh, thì để thực hiện việc đó thì trước hết thì phải thực hiện cho tốt công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính. Và để làm được điều đó thì vấn đề cốt lõi là vấn đề con người, vấn đề tập huấn, bồi dưỡng, thông tin, thì như vậy thì chính quyền này mới thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân."
Từ tháng 11/2017, đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã được công bố, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mới của Thành phố thời công nghệ 4.0. Năm 2018, chính quyền Thành phố tiếp tục xác định là "Năm thực hiện cải cách hành chính - nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền Thành phố" bằng nhiều giải pháp hiệu quả và hiệu lực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
TPHCM đầu tư 250 triệu USD xây dựng giao thông thông minh - Ảnh: TTO.
Cùng với mỗi bước phát triển, ngành giao thông vận tải đã có nhiều đóng góp quan trọng. Trong năm 2017 vừa qua, hàng loạt những công trình giao thông trọng điểm đã được TPHCM đầu tư quyết liệt, nhiều công trình hoàn thành vượt tiến độ.
Có lẽ trong lịch sử của ngành giao thông vận tải Thành phố, chưa bao giờ có việc hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị liên tiếp thi đua hoàn thành thi công, đưa vào sử dụng trước kỳ hạn như vừa qua. Những dấu ấn này không chỉ khắc phục nhiều vấn đề còn hạn chế mà còn tạo nên một diện mạo mới cho một Thành phố năng động.
Có đến hơn 80 công trình hạ tầng giao thông được thực hiện tại TPHCM trong năm qua, trong đó có rất nhiều công trình trọng điểm. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố cho biết, dù các công trình đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công, nhất là áp lực giao thông rất lớn, song quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo sở là phải nỗ lực đảm bảo chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ vượt tiến độ, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Văn Tám nói: "Sở Giao thông, các đơn vị liên quan, trong quá trình nghiên cứu dự án đã chọn những giải pháp thiết kế phù hợp nhất với điều kiện TP. Khi triển khai, phải đảm bảo vấn đề tổ chức giao thông, đảm bảo mỹ quan, ảnh hưởng thấp nhất đến sinh hoạt của người dân TP.
Đã triển khai thi công thì yêu cầu nhà thầu phải tập trung nỗ lực, tranh thủ thời điểm thuận lợi để thi công để rút ngắn thời gian, sớm đưa công trình vào khai thác, rút ngắn việc ảnh hưởng đi lại của người dân Thành phố".
Điểm nổi bật trong năm 2017 có thể nhắc đến là những công trình giúp kéo giảm tình trạng kẹt xe ở khu vực có mật độ giao thông cao, nhất là hai cầu vượt ở điểm ùn tắc đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, được Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố thực hiện theo lệnh khẩn cấp. Đây được đánh giá là một trong 10 sự kiện nổi bật của Thành phố trong năm.
Thành phố cũng xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý và điều hành giao thông, từng bước phát triển hệ thống giao thông thông minh nhằm cải thiện tình hình giao thông trong thời gian tới là cấp thiết.
Việc xây dựng phát triển hệ thống giao thông thông minh trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trong tâm mà Thành phố đã đặt ra trong thời gian tới, giúp người tham gia giao thông có thể đi lại thông minh hơn.
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đã và đang xây dựng hệ thống dữ liệu về hạ tầng giao thông, xây dựng hệ thống cung cấp tình hình giao thông và các thông tin giao thông, tích hợp trên điện thoại di động giúp người lưu thông dễ dàng nhận được thông tin về các điểm ùn ứ, các điểm xe di chuyển chậm hoặc các điểm có sự cố giao thông, nhằm chủ động chọn lộ trình thích hợp, nhanh gọn cho mình. Những dự án phi công trình như thế này là hết sức cần thiết.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT nói: "Hệ thống giao thông thông minh mà chúng ta đang xây dựng, tiến tới 2020 xây dựng thành 1 trung tâm hoàn chỉnh. Ứng dụng CNTT cũng là một trong những nội dung đột phá của TP trong việc giảm ùn tắc, giảm tai nạn. Không mất nhiều thời gian và chi phí, chúng ta bằng công nghệ, thực hiện những giải pháp phi công trình giải quyết ùn tắc.
Cũng là kênh tương tác giữa người dân với chính quyền. Sau đó tiếp tục xây dựng hệ thống dữ liệu để có những dự báo cho việc đầu tư phát triển hơn, tổ chức giao thông khoa học hơn".
Song song đó, thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Thành phố sẽ hình thành Trung tâm quản lý điều hành giao thông làm đầu mối kết nối toàn bộ hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu và trong tương lai như hệ thống đường sắt đô thị, đường cao tốc, hệ thống thu phí, các bãi đậu xe, hệ thống camera giám sát…
Tất cả đều ở tâm thế sẵn sàng, góp phần tạo nên những bước chạy đà mạnh mẽ cho Thành phố tăng tốc phát triển, xứng với kỳ vọng và tiềm năng.
>>>> TPHCM sẵn sàng cho sứ mệnh bứt phá - Kỳ cuối: Kỳ vọng và quyết tâm bứt phá