TPHCM sắp ban hành mức chuẩn nghèo mới

(VOH) - Dự kiến đến cuối tháng 11/2020, Sở Lao động Thương binh Xã hội Thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành mức chuẩn nghèo mới của giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, hộ lao động thu nhập dưới 36 triệu đồng/người/năm là hộ nghèo; Hộ lao động có thu nhập dưới 46 triệu đồng/người/năm là hộ cận nghèo. Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Thành phố trả lời phỏng vấn VOH về nội dung này

Đoàn Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM khảo sát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố.
Đoàn Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM khảo sát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố.

*VOH: Thưa ông, xin ông cho biết trong hệ thống an sinh xã hội thì giảm nghèo bền vững đóng vai trò như thế nào trong hệ thống này?

Ông Lê Minh Tấn: Hệ thống an sinh xã hội có 6 trụ cột, gồm Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, chính sách người có công cho cách mạng và giảm nghèo bền vững. Trong thời gian qua, TPHCM đã thực hiện tốt các trụ cột về an sinh xã hội này. Muốn bảo đảm an sinh xã hội tốt, được bền vững, chúng ta phải giải quyết việc làm cho lực lượng lao động Thành phố. Về vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động hay chính sách người có công với cách mạng, hoặc giảm nghèo bền vững, đó là vấn đề an sinh xã hội về lâu dài, hỗ trợ cho người lao động sau này. Để thực hiện tốt những vấn đề này, thì việc làm, giáo dục nghề nghiệp, lao động phải giải quyết tốt cho lực lượng lao động trên địa bàn Thành phố. Nghĩa là không để “lọt sàng xuống nia” mà phải giữ lực lượng lao động này ở trên “sàng”, còn “cái nia” là trụ cột an sinh xã hội, là nơi cuối cùng.

Nhưng ở đây, giảm nghèo bền vững đóng vai trò rất quan trọng, vì đó là đa số bà con lao động nghèo, là những người yếu thế nhất… Giảm nghèo bền vững tác động rất lớn đến vấn đề an sinh xã hội, giúp cho người dân – những người yếu thế này thoát được cảnh nghèo, khổ, để vươn lên trong cuộc sống, mà vấn đề an sinh xã hội mới bảo đảm cuộc sống sau này cho mọi người dân. Việc này mang tính nhân văn rất sâu sắc.

Trong 6 trụ cột an sinh xã hội, trụ cột về chính sách người có công – đây là một an sinh xã hội đặc thù của Việt Nam, của TPHCM chúng ta. Đây là an sinh về đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với đất nước, những người đã cống hiến xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành được độc lập tự do ngày hôm nay. Trong thời gian qua đã thực hiện tốt vấn đề chính sách có công này để bảo đảm cho các đối tượng chính sách có công trên địa bàn Thành phố có mức sống ngang, bằng, hoặc cao hơn mức sống bình quân khu dân cư. Đây là một việc làm có tình có nghĩa của TPHCM chúng ta.

*VOH: Uỷ ban nhân dân TPHCM sẽ ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025. Xin ông thông tin chi tiết về chuẩn nghèo này?

Ông Lê Minh Tấn: Dự kiến đến cuối tháng 11/2020, Sở Lao động Thương binh Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân TP sẽ ban hành mức chuẩn nghèo mới của giai đoạn 2021 – 2025, nghĩa là tăng gấp 1,3 lần so với giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, hộ lao động thu nhập dưới 36 triệu đồng/người/năm là hộ nghèo; Hộ lao động có thu nhập dưới 46 triệu đồng/người/năm là hộ cận nghèo. Chuẩn nghèo này theo Sở Lao động Thương binh Xã hội đánh giá có tác động về mặt kinh tế, xã hội của Thành phố, và phù hợp với tình hình phát triển về kinh tế, xã hội của Thành phố, kể cả là phù hợp với sự phát triển chung của khu vực ASEAN. Chuẩn nghèo mới lần này so với tiêu chuẩn cả nước thì gần gấp 2,5 lần so với cả nước. Và cả nước, giai đoạn 2021 – 2025 thì hộ nghèo thu nhập dưới 24 triệu đồng/người/năm, còn đối với TPHCM thì hộ nghèo là thu nhập dưới 36 triệu đồng/người/năm.

Nhờ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của các ngành, các cấp, giai đoạn 2016 – 2020, TPHCM về trước Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X của Thành phố 2 năm; 2016 – 2018 chúng ta đã kết thúc được giai đoạn chuẩn nghèo mới. Giai đoạn 2019 – 2020 này tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo của Thành phố để nâng cao mức sống, nâng cao mức hưởng thụ cho người dân trong diện hộ nghèo và hộ cận nghèo theo phương thức đa chiều. Có 5 chiều dịch vụ cơ bản của xã hội để đảm bảo cho người dân được đáp ứng đủ yêu cầu này. Dự kiến tháng 11/2020 kết thúc giai đoạn 2019 – 2020. Đến nay, toàn TPHCM có 5 quận và 85 phường của 12 quận không còn hộ nghèo theo chuẩn của Thành phố có thu nhập dưới 28 triệu đồng/người/năm và chuẩn hộ cận nghèo trên 28 triệu đồng/người/năm đến 36 triệu đồng/người/năm; Thành phố cũng có 1 quận và 22 phường của 8 quận không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của Thành phố giai đoạn 2019 – 2020. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Thành phố, cũng như cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự nỗ lực của Sở/ngành, quận/huyện, phường/xã, đến ấp/khu phố/Tổ dân phố/ Tổ Tự quản giảm nghèo bền vững… đã thực hiện thắng lợi việc này.

*VOH: Theo ông, với những giải pháp nào thì chúng ta sẽ thực hiện có hiệu quả đối với chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025?

Ông Lê Minh Tấn: Có nhiều giải pháp để bảo đảm thực hiện thắng lợi, đạt hiệu quả giai đoạn này, nhưng ở đây, tôi xin nêu một vài giải pháp cơ bản nhất cần phải quan tâm:

Thứ nhất, phải cho vay vốn ưu đãi và vốn tín dụng nhỏ nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo cũng như Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đến tận tay từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từng người nghèo của Thành phố mà sử dụng đồng vốn vay này làm ăn một cách có hiệu quả nhất trong điều kiện hiện nay.

Thứ hai, hỗ trợ về đào tạo nghề, tạo việc làm. Đây là giải pháp cơ bản nhất. Mỗi thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được đào tạo nghề và phải được có việc làm, có như thế mới giảm nghèo bền vững, bảo đảm được an sinh xã hội.

Thứ ba, hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội khác như hỗ trợ về điều kiện sống, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, cũng như tạo điều kiện hưởng thụ về mặt công nghệ thông tin, sử dụng Quỹ Vì người nghèo của Thành phố, của Quận/huyện, của Phường/xã, để hỗ trợ cho những thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn. Một việc nữa là chúng ta cần phải tuyên truyền vận động trên mọi phương tiện thông tin truyền thông để nêu gương những hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo có ý chí làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.

Chúng ta cũng cần phải xây dựng các Tổ Tự quản giảm nghèo thật vững mạnh để hỗ trợ, giúp đỡ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo quản lý đồng vốn và cách làm ăn tốt nhất; Cũng như kiểm tra giám sát Chương trình giảm nghèo bền vững này, thực hiện đúng đối tượng, đúng người, bình nghị công khai để mọi người dân đồng thuận, để mọi người đều chung tay, góp sức chăm lo cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm làm sao không ai bị bỏ lại phía sau.

* VOH: Cảm ơn ông!

Xem thêm:

Bình luận