TPHCM “xin” được thí điểm cơ chế bồi thường “bằng đất theo tỷ lệ” khi giải phóng mặt bằng

(VOH) - Đây là một trong những đề xuất của TPHCM trong dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

UBND TPHCM vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM thay thế Nghị quyết 54.

Đặt vấn đề cần thiết ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, UBND TPHCM nhìn nhận, sau 5 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả nhưng về cơ bản chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để thành phố có thể huy động được nguồn lực, mà dư địa còn rất lớn cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Ngoài ra, sự vượt trội của TPHCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và phục vụ đời sống nhân dân.

Nghị quyết 54
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TPHCM đã đạt được một số kết quả nhưng về cơ bản chưa đạt được mục tiêu đề ra (Ảnh minh họa: HL)

Thực tiễn nêu trên đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại. Đồng thời, kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách mà thành phố cần trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước.

Trong dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TPHCM đã đưa ra một số đề xuất:

Về quản lý đầu tư, TPHCM muốn có cơ chế tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư; cơ chế giao đất, cho thuê đất... lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ.

Về tài chính ngân sách, ngoài giữ lại cơ bản các nội dung của Nghị quyết 54, TPHCM kiến nghị bổ sung ban hành thuế tài sản đối với bất động sản thứ hai trở lên của người dân; mở rộng giới hạn 90% các khoản vay của địa phương so với số thu ngân sách địa phương được hưởng lên mức 120%.

Ngoài ra, giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 21% đến hết năm 2025 và không tính vào mức điều tiết các khoản thu từ thuế và phí áp dụng thí điểm (thuế bất động sản thứ 2; các loại phí và mức phí mới).

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, TPHCM kiến nghị phân cấp cho UBND TPHCM được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị nằm trong tổng thể quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt.

Phân cấp cho UBND TPHCM được quyết định các nội dung liên quan đến: xây dựng nhà ở thương mại; nhà ở xã hội, nhà tái định cư; xử lý chung cư cũ; nhà ở trên, ven kênh rạch...

Phân cấp cho UBND TPHCM được thực hiện lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết và lấy ý kiến cộng đồng cùng một lúc để tiết kiệm thời gian điều chỉnh, rút ngắn thủ tục, chi phí điều chỉnh, đáp ứng kịp thời chất lượng cuộc sống người dân.

TPHCM được thí điểm cơ chế bồi thường “bằng đất theo tỷ lệ” khi giải phóng mặt bằng. Bảo đảm tính linh hoạt theo yêu cầu từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất.

Cho phép TPHCM được thí điểm thực hiện việc tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B.

Phân cấp hoàn toàn cho TPHCM trong việc xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất.

nghị quyết 54
TPHCM đề xuất được thí điểm cơ chế bồi thường “bằng đất theo tỷ lệ” khi giải phóng mặt bằng (Ảnh minh họa: HL)

Về quản lý văn hóa xã hội và quản lý trật tự xã hội, phân cấp cho TPHCM quy định các điều kiện thành lập, xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao trong các dự án phát triển đô thị để thu hút đầu tư tư nhân đồng bộ với việc phát triển các khu dân cư phù hợp với từng địa bàn.

Mở rộng thẩm quyền “lập quy” của HĐND TPHCM trong lĩnh vực xử phạt các loại vi phạm hành chính về hành vi và mức phạt phù hợp với tính phức tạp của đô thị lớn, mà quy định hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa đủ sức răn đe. 

Về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, đề nghị bổ sung phân cấp cho TPHCM tổ chức lại, giải thể, thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập. HĐND TPHCM được quyền quyết định thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Phân cấp cho HĐND TPHCM quyết cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại các UBND phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.

Về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM, cho phép áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech) và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, có chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào thị trường tài chính mang tính vượt trội về ưu đãi để tạo dòng đầu tư theo “đàn sếu”.

Về Thành phố Thủ Đức, cho phép HĐND, UBND TPHCM phân cấp cho chính quyền Thành phố Thủ Đức những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình. Cho phép UBND TPHCM chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc Sở, ngành của thành phố cho UBND Thành phố Thủ Đức.

Ngoài ra, cho phép HĐND TPHCM quyết định bộ máy hành chính - và các đơn vị sự nghiệp của Thành phố Thủ Đức. Đồng thời, quy định việc ưu tiên phân bổ ngân sách cho Thành phố Thủ Đức để chi đầu tư phát triển trên địa bàn.

Bình luận