Thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND Thủ Đức và các quận - huyện; người đứng đầu các hội có tính chất đặc thù hoạt động trên địa bàn và doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố được yêu cầu thường xuyên quán triệt, phổ biến các quy định pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, quy định về quản lý, xét duyệt đi nước ngoài và bảo vệ bí mật nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị.
Tuyên truyền, thông tin đầy đủ đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia, không để bị lợi dụng, lôi kéo bởi các tổ chức phản động, các thế lực thù địch trong và ngoài nước khi đi nước ngoài.
Các cơ quan, đơn vị rà soát, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài, đặc biệt là các trường hợp đi nước ngoài nhưng không trở về nước và xin nghỉ việc.
Phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh, theo dõi, xử lý đối với các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoặc liên quan đến các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi nước ngoài và quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Đặc biệt là các trường hợp làm lộ, lọt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước gây ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.
Công an thành phố thường xuyên theo dõi, rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của thành phố có liên quan đến các tổ chức phản động, các thế lực thù địch, các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Giám đốc Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm quy định về quản lý, xét duyệt đi nước ngoài và quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.