Cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cập nhật chất lượng không khí theo giờ cho thấy gần trưa 18/11, không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương ở miền Bắc như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên có chất lượng không khí ở ngưỡng xấu (cảnh báo đỏ).
Tại Hà Nội, trạm quan trắc ở đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) và đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) đều cho kết quả chất lượng không khí xấu.
Cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) cảnh báo chất lượng không khí xấu, "những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khoẻ".

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TPHCM có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra các nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn. Nguồn ô nhiễm lớn nhất là từ hoạt động giao thông vận tải.
Sau đó là các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, hoạt động đốt, sử dụng bếp than tổ ong. Ngoài ra yếu tố thời tiết, khí hậu cũng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Ngoài ra các khu vực quanh Hà Nội người dân vẫn đốt rơm rạ tại cánh đồng khá phổ biến. Và các yếu tố khác như điều kiện khí hậu, thời tiết cũng là nguyên nhân khách quan tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh thành ở phía Bắc.