Các chuyên gia của Ủy ban sông Mekong ngày 19/11 đã đưa ra thông báo cảnh báo nạn hạn hán đã khiến mực nước sông Mekong xuống mức thấp nhất trong 60 năm qua. Từ tháng 6/2019, nhiều đoạn ở hạ lưu sông Mekong đã nhìn thấy đáy.
Thái lan và Campuchia chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với Lào và Việt Nam.
Cảnh khô hạn tại đoạn sông Mekong qua tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan vào ngày 21/7. Ảnh: Bangkok Post.
“Năm nay, điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài có thể tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và mùa vụ. Nếu hạn hán tiếp tục, tình trạng thiếu nước tiêu dùng có thể xảy ra”, theo tiến sĩ Lâm Hùng Sơn, giám đốc Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán Khu vực của ban thư ký Ủy hội sông Mekong.
Nguyên nhân được cho là lượng mưa thấp trong mùa mưa, mưa gió mùa bắt đầu muộn và kết thúc sớm và hiện tượng El Nino làm nhiệt độ cao bất thường, nước bốc hơn với lượng lớn.
Dự báo, trong vòng 3 tháng nữa từ tháng 11/2019 - tháng 1/2020, hạn hán sẽ nặng hơn khi lượng mưa càng thấp đi. “Tuy nhiên, điều kiện được dự báo sẽ dần tốt lên từ tuần thứ hai của tháng 1 khi dự kiến tình hình mưa sẽ được cải thiện hơn một chút”, các chuyên gia cảnh báo qua thông cáo của ủy ban.
Ủy ban sông Mekong thành lập năm 1995 là một tổ chức liên chính phủ làm việc trực tiếp với chính phủ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm điều phối việc quản lý tài nguyên nước trên sông Mekong. Thành viên của tổ chức này bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan.
Bão Kalmaegi sẽ khiến biển Đông dậy sóng - (VOH) - Hồi 19 giờ ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines).