Trọng trách của Mặt trận

(VOH) - Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận tổ quốc Việt Nam lần thứ 8, nhiệm kỳ 2014 – 2019 đã mở ra một giai đoạn mới cho người làm công tác Mặt trận với những đề án, lộ trình, hoạch định chứa đựng những trăn trở lớn lao.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận tổ quốc Việt Nam lần thứ 8, nhiệm kỳ 2014 – 2019 - Ảnh minh hoạ: Mattran.

Tiến trình phát triển đất nước bao giờ cũng đòi hỏi sự đổi thay mạnh mẽ từ trong hệ thống chính trị, từ các chính sách, con người, đến tư duy, cách nghĩ, cách làm, trong đó, có cả sự đồng lòng nỗ lực, dấn thân và hy sinh. Từ đầu nhiệm kỳ, các vấn đề “cần phải làm ngay” đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề ra. Đó là sứ mệnh, cũng là trọng trách mà Đảng và Hiến pháp 2013 đã trao cho Mặt trận.

Cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2016-2020 tới đây, Mặt trận phải lựa chọn cho được những đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân là những người tài - đức, hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để phục vụ nhân dân, đưa được tiếng nói, ý kiến, trí tuệ, kết tinh từ nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đến nghị trường. Tiếp đến là việc góp ý xây dựng Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và triển khai Luật ngay sau khi Quốc hội thông qua.

Rồi việc triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và Hiến pháp 2013. Năm 2015 cũng là năm Mặt trận phải hoàn thành chương trình “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng” theo tiến độ; các chương trình giám sát đã và sẽ ký kết giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với các bộ ngành và các tổ chức thành viên”… Khối lượng công việc rất lớn và không dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực, tập trung cao độ của hệ thống Mặt trận từ trung ương đến địa phương và các tổ chức thành viên.

Trong bàn tròn nghị sự của Mặt trận một năm qua đã liên tục bàn luận nhiều vấn đề quan trọng, tựu trung là làm sao Mặt trận khẳng định được vị trí, vai trò, trọng trách của mình để mở rộng dân chủ. Quyền giám sát phản biện xã hội của Mặt trận phải thực sự có hiệu quả, gắn kết mối thân tình giữa Đảng và dân, hướng mỗi người tới sự đoàn kết, nhân lên lòng yêu nước, tình nhân ái trong nhân dân.

Trên các phương tiện truyền thông gần đây, cụm từ luôn được nhắc nhiều nhất là “giám sát - phản biện xã hội” của Mặt trận. Đây không chỉ là nhiệm vụ được Đảng và nhân dân trao gửi, mà còn là mệnh lệnh thôi thúc từ cái tâm của người làm Mặt trận. Tuy nhiên, việc giám sát không làm tùy tiện mà phải chọn lựa những vấn đề quan trọng được nhân dân quan tâm, đồng tình, giám sát đúng pháp luật theo sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước.

Vai trò này đã đặt ra yêu cầu rất bức thiết về trách nhiệm của Mặt trận với dân, với Đảng. Nhân dân, thông qua Mặt trận thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội để cùng với Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, đói nghèo, tụt hậu có hiệu quả; làm trong sạch bộ máy Nhà nước và đảm bảo sự vững mạnh của Đảng. Đây là niềm kỳ vọng và sự chờ đợi của nhân dân, cũng là nỗi trăn trở rất lớn đối với các cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên.

Phản biện xã hội đòi hỏi Mặt trận phải nói thẳng. Tất cả những vấn đề gì liên quan đến sự phát triển xã hội đều có thể đưa ra để phản biện. Đối với Mặt trận và các tổ chức thành viên, phản biện cần có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm theo chức năng nhiệm vụ của tổ chức nhưng phải đảm bảo tính độc lập. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân mà còn thể hiện rõ cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”.

Chặng đường 85 năm qua, Mặt trận các cấp đã nỗ lực hoàn thành những mục tiêu quan trọng. Các cuộc vận động đang ngày càng thực chất, gần dân, rất thiết thân trong đời sống. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào và ưu tiên ủng hộ đối với những sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.

Cuộc vận động “Vì người nghèo” đã vực dậy nhiều số phận, cảnh đời; xóa nghèo, xóa thất học, trao tương lai cho hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh khốn khó. Cuộc vận động “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ Quốc” hướng mọi trái tim người Việt Nam yêu nước cùng đóng góp, tương trợ, làm yên lòng các chiến sĩ, ngư dân nơi ngư trường, đảo xa.

Cuộc vận động “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” làm đậm thêm tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết, tương trợ giữa cộng đồng dân cư với nhau. Bởi, mỗi cá nhân tốt, mỗi gia đình nề nếp, gương mẫu chính là nét đẹp văn hóa trong cộng đồng mà Mặt trận hướng đến.

Thời kỳ tăng tốc để hội nhập và phát triển đất nước đặt ra cho Mặt trận nhiệm vụ mới, trọng trách mới. Cùng với việc Hiến pháp 2013 từng bước đi vào cuộc sống mà trong đó, không ít điều khoản đã tăng thêm trọng trách, vai trò cho Mặt trận tổ quốc đòi hỏi mỗi người làm công tác Mặt trận phải luôn nỗ lực, tự đổi mới để thích ứng và bắt kịp tinh thần thời đại; có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, đánh giá đúng thực trạng và tình hình nhân dân để triển khai các nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, xây dựng bền chặt khối đại đoàn kết. Gánh vác trọng trách ấy, đội ngũ những người làm công tác Mặt trận hôm nay đã và đang tích cực triển khai thực hiện có lộ trình, kế hoạch, có sự chuẩn bị, họp bàn khoa học để đạt hiệu quả cao nhất. Và với lòng nhiệt huyết, dấn thân, tin rằng họ sẽ tạo nên những dấu ấn mới cho chặng đường tiếp theo của Mặt trận.