[Trực tiếp] Ngày 31/10 - Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế- xã hội và ngân sách

(VOH) - Hôm nay (31/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019

Hôm nay (31/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Ngoài ra, sẽ có 4 Bộ trưởng tham gia thảo luận gồm: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xem trực tiếp theo địa chỉ sau: www.vtv.vn http://media.chinhphu.vn/video/truc-tuyen-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xiv-12810

Hôm qua (30/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Sau 1 ngày thảo luận, có 49 đại biểu tham gia thảo luận, 3 đại biểu tham gia tranh luận, còn 66 đại biểu chờ phát biểu. Không khí thảo luận rất sôi nổi và các ý kiến khá toàn diện.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu, giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Trần Việt Khoa – đoàn Hà Nội thông tin: Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, đe dọa an ninh khu vực và các nước trong khu vực. Thời gian qua, khi hoạt động dầu khí trên biển, nước ngoài đã đưa lực lượng tới phản đối chúng ta một cách rất phi lý, không thể chấp nhận được. Họ đưa tàu thăm dò tới khu vực và có thời điểm điều từ 35 đến 40 tàu đi theo bảo vệ. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đấu tranh pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Ông Trần Việt Khoa nói: "Đất nước ta từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta thấy được sự tàn khốc của chiến tranh và sự mất mát của mỗi gia đình, dòng họ. Việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Chúng ta cũng luôn luôn phải cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra. Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ, đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – đoàn Thái Bình cho rằng, mặc dù, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nước ta. Trong nước thì những yếu kém của nền kinh tế không thể khắc phục ngay được, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, nhưng chúng ta đã có 1 năm thành công, cả 12 chỉ tiêu về kinh tế xã hội đều hoàn thành, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở Châu Á. Đó là thành quả rất quan trọng và không dễ dàng. Tuy nhiên, về tầm nhìn đến năm 2020 và những năm tiếp theo thì chúng ta vẫn chưa thể yên tâm. "Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan trong bối cảnh kinh tế thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có thể tới ngưỡng suy thoái toàn cầu. Thì mức tăng trưởng 6,8% của nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu như nước ta liệu có khả thi. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần có phương án chủ động để ứng phó với tình trạng này", đại biểu Vũ Tiến Lộc ý kiến.

Theo các đại biểu, năm 2019, mặc dù, tình hình tai nạn giao thông có giảm cả 3 tiêu chí, nhưng vẫn ở mức cao, kết quả đạt được chưa bền vững. Một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận. Nhất là những vụ tai nạn do sử dụng rượu bia, chất có cồn, ma túy, chất kích thích nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng băn khoăn về tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; tệ nạn ma túy còn cao; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; sạt lở gia tăng; ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến cuộc sống người dân...

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: SGGP

Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu lý do triển khai một số dự án trọng điểm và giải ngân vốn chậm: "Do nhiều công trình tập trung chuẩn bị đầu tư, cuối năm chúng ta mới khởi công. Do đó, một phần kinh phí sau khởi công chúng ta sẽ cho nhà thầu tạm ứng để giải ngân phần san lấp. Dự kiến đến cuối năm giải ngân được 10 ngàn tỷ cho phần mặt bằng. Thứ 2 chậm nữa là do chúng tôi có khoảng 10 ngàn tỷ liên quan đến vốn ODA, có một số dự án đã được giao mới. Những dự án này kinh phí rất lớn nhưng thông qua Quốc hội ghi danh mục chậm. Do đó, có vốn nhưng chúng tôi triển khai tương đối chậm. Ngoài ra một số dự án đang triển khai do các vướng mắc về mặt thủ tục, điều chỉnh nên cũng hơi chậm".

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thì cho rằng, sự không thống nhất của một số luật với hệ thống pháp luật và việc chậm ban hành các văn bản dưới luật là do quy trình: "Theo tôi, việc chậm ở đây có những cái liên quan đến quy trình. Tức là chúng ta phải lập đề nghị, chúng ta phải xem xét, chúng ta phải đưa vào chương trình, phải trình các cơ quan có thẩm quyền, cũng có 1 phần là do sự e dè của các cơ quan. Vấn đề đặt ra là chúng ta định rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp. Sắp tới, theo tôi những việc làm cần ngay đó là những luật mà sắp tới Quốc hội sẽ thảo luận, đồng thời cũng kiên quyết để ban hành kịp thời các Nghị định chậm. Chúng ta cố gắng để có 1 hệ thống văn bản pháp luật có chất lượng hơn, dễ tiếp thu, dễ tiếp cận người dân hơn".

Mưa liên tục, gió mạnh khiến hàng loạt cây xanh bật gốc ở những nơi bão số 5 đi qua:
Mặc dù bão Matmo - bão số 5 đã đi khỏi đất liền Bình Định, Phú Yên, song gió lớn kèm theo dông lốc vẫn tiếp tục càn quét, gây nhiều thiệt hại cho các địa phương.
Bình luận