Chờ...

[Trực tiếp] Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Ngày 30-31/10, QH thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2020

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu); Lưu Thành Công (Vĩnh Long); Lê Công Nhường (Bình Định); Vũ Tiến Lộc (Thái Bình); Nguyễn Như So (Bắc Ninh); Hoàng Văn Trà (Phú Yên); Nguyễn thanh Hiền (Nghệ An); Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ); Bế Minh Đức (Cao Bằng); Dương Minh Ánh (Hà Nội); Tô Văn Tám (Kon Tum); Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang)… đánh giá cao những kết quả đã đạt được về kinh tế, xã hội trong năm 2019; đồng tình với những nhận định, giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ.

Quốc hội thảo luận KT-XH và ngân sách nhà nước. Ảnh VGP

Các đại biểu cho rằng, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, rất ấn tượng trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Những kết quả đã đạt được, tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta và là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Đồng thời, các đại biểu góp ý một số giải pháp về: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; tư vấn cho người nông dân về thị trường nông sản; tháo gỡ rào cản để tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao; xây dựng chương trình hành động tổng thể về ứng phó với các diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu, phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; gỡ vướng trong triển khai Nghị định 67; đẩy mạnh cải cách, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững; hỗ trợ hộ kinh doanh "lớn lên"; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật; tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan nhà nước; quản lý thông tin trên mạng xã hội; cải cách y tế, giáo dục; xây dựng đời sống văn hóa mới…

Cảnh giác, tỉnh táo, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống

Phát biểu tham luận, Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng (đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng: Năm 2019, tình hình an ninh chính trị thế giới có rất nhiều biến động, đặc biệt là các nước lớn đã điều chỉnh về chính sách và chiến lược quốc phòng quân sự, tăng chi ngân sách quốc phòng và tăng cường luyện tập, diễn tập thực binh ở quy mô vừa và quy mô lớn.

Tình hình khu vực biển Đông có rất nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh an toàn biển có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới; đồng thời đe dọa đến an ninh khu vực và an ninh thế giới.

Trước tình hình này, Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát nắm chắc tình hình; tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền không thể chối cãi  của Việt Nam theo Công ước, Luật pháp quốc tế, Luật Biển năm 1982.

Trung tướng Trần Việt Khoa. Ảnh VGP

Theo Trung tướng Trần Việt Khoa: Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta,... Tình hình hiện nay với đặc điểm, những yếu tố tác động tới sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong việc giữ vững môi trường độc lập, phát triển đất nước.

“Việc bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phải luôn phải cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra. Vì lợi ích quốc gia của dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”, Trung tướng Trần Việt Khoa phát biểu.

Tăng trưởng nhanh nhưng Việt Nam vẫn chưa “hóa rồng, hóa hổ”

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), thời gian qua kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”.

Cho rằng để tìm được căn nguyên của vấn đề này thì cần nhìn lại cả quá trình phát triển, đại biểu dẫn chứng: Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000.

Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam.

Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300; 18 khoảng 8.400).

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ). Ảnh VGP

“Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn” – đại biểu ví von và cho rằng, nếu không khắc phục được những bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, do đó cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu. 

Cần đột phá vào các vấn đề cốt lõi

Theo đại biểu, có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu gồm: Trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

Đại biểu phân tích: Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục, đào tạo với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp; có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Muốn vậy phải có kênh, nguồn vốn, chính sách cho khởi nghiêp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro vì theo thống kê chỉ có khoảng 6% ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thành công còn 94% là thất bại nhưng nếu thành công thì mang lại lợi ích và giá trị gia tăng rất lớn.

Theo đại biểu, ba vấn đề trên không mới, song nó đã được minh chứng ở nhiều quốc gia, quan trọng là triển khai thực hiện. Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chúng ta chưa đột phá thành công các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu và là căn nguyên dẫn đến chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ…