Từ năm 2025, cách tính lương hưu theo Luật BHXH 2024 chính thức áp dụng

VOH - Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều thay đổi trong cách tính lương hưu. 

Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật BHXH 2024

Theo quy định, người lao động đủ hai điều kiện sau đây sẽ được nhận lương hưu:

Về tuổi: Nam từ đủ 62 tuổi, nữ từ đủ 60 tuổi.

Về thời gian đóng BHXH: Tối thiểu 15 năm.

Đối với người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, điều kiện hưởng có sự điều chỉnh linh hoạt.

BHXH_voh
Người nghỉ hưu nhận lương hưu. - Ảnh: PLO

Cách tính lương hưu cụ thể

Tỉ lệ lương hưu cơ bản:

Nam: Tỉ lệ hưởng lương hưu là 40% cho 15 năm đóng BHXH đầu tiên.

Nữ: Tỉ lệ hưởng lương hưu là 45% cho 15 năm đóng BHXH đầu tiên.

Sau đó, mỗi năm đóng thêm được cộng 2%.

Tỉ lệ tối đa:

Nam phải đóng đủ 35 năm BHXH để đạt tỉ lệ lương hưu tối đa là 75%. Nữ cần đóng đủ 30 năm để đạt tỉ lệ này.

Ví dụ bà A, 55 tuổi, nghỉ hưu vào năm 2025, có 32 năm 4 tháng đóng BHXH và bị suy giảm khả năng lao động 61%. 15 năm đầu: 45%. 17 năm tiếp theo: 17 x 2% = 34%. 4 tháng: Tính là nửa năm, thêm 0,5 x 2% = 1%. Tổng: 45% + 34% + 1% = 80% (nhưng chỉ tính tối đa 75%).

Bà nghỉ hưu trước tuổi 56 tuổi 8 tháng, bị giảm 3% (2% cho năm đầu và 1% cho 8 tháng).

Tỉ lệ cuối cùng: 75% - 3% = 72% lương hưu hằng tháng.

Ngoài ra, với thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm, bà A còn được nhận trợ cấp một lần, tính bằng 0,5 lần mức bình quân tiền lương cho mỗi năm đóng thêm.

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Người lao động có thời gian đóng BHXH vượt mức tối đa (35 năm với nam, 30 năm với nữ) sẽ được nhận trợ cấp một lần.

Mỗi năm vượt trước tuổi nghỉ hưu: 0,5 lần mức bình quân tiền lương đóng BHXH.

Mỗi năm vượt sau tuổi nghỉ hưu: 2 lần mức bình quân tiền lương đóng BHXH.

Ví dụ ông D đủ tuổi nghỉ hưu với 38 năm đóng BHXH, nhưng tiếp tục làm việc thêm 3 năm, nâng tổng thời gian đóng lên 41 năm. Trợ cấp trước tuổi nghỉ hưu (3 năm vượt mức): 3 x 0,5 = 1,5 lần. Trợ cấp sau tuổi nghỉ hưu (3 năm): 3 x 2 = 6 lần. Tổng trợ cấp: 7,5 lần mức bình quân tiền lương.

Thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu

Người lao động đủ điều kiện sẽ được hưởng lương hưu từ tháng liền kề sau khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Nếu tiếp tục làm việc và đóng BHXH sau khi đủ tuổi, thời điểm hưởng lương hưu tính từ tháng liền kề sau khi chấm dứt công việc.

Ví dụ: ông A sinh ngày 10/10/1964, đủ điều kiện nghỉ hưu vào tháng 4/2026. Nếu ông A nghỉ việc vào tháng 4/2026, thời điểm hưởng lương hưu bắt đầu từ tháng 5/2026.

Điều kiện đóng BHXH bổ sung để đủ điều kiện hưởng lương hưu

Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu tối đa 6 tháng đóng BHXH có thể đóng bổ sung một lần.

Quy định cụ thể:

Người lao động bình thường: Phải đóng ít nhất 14 năm 6 tháng trước khi bổ sung.
Người suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên: Phải đóng ít nhất 19 năm 6 tháng.

Mức đóng bổ sung tính bằng tổng mức đóng BHXH của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Bình luận