Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tuần làm việc Quốc hội từ ngày 18-22/11: Tập trung cho công tác xây dựng pháp luật

(VOH) - Tập trung cho công tác xây dựng pháp luật là nội dung bao trùm trong hoạt động của Quốc hội tuần làm việc thứ năm, từ 18 đến 22/11/2019.

Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng khác là Quốc hội thực hiện công tác nhân sự như việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng như việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tổng hợp Quốc hội tuần qua: Tập trung cho công tác xây dựng pháp luật

Quốc hội làm việc ngày 22/11. Ảnh: VOV

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều đại biểu cho ý kiến góp ý về ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Đại biểu Trương Trọng nghĩa, đoàn TPHCM đề nghị thiết lập các điều kiện cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chú ý những ngành nghề phải hạn chế chuyển nhượng ở bên ngoài Việt Nam, có những ngành nghề phải hạn chế người nước ngoài sở hữu: "Hạn chế nghĩa là không cho họ sở hữu và mức sở hữu của người nước ngoài. Ví dụ như vấn đề kinh doanh nước sạch, những đô thị lớn, đây là vấn đề an ninh hệ trọng, liệu chúng ta có nên đưa vào kinh doanh có điều kiện? và một trong những điều kiện là không cho chuyển nhượng ra ngoài của Việt Nam Nhà đầu tư vào có thể chuyển nhượng qua lại hay vấn đề bất động sản, viễn thông. Mỗi ngành nghề có một loại điều kiện thích hợp".

Các đại biểu cũng băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình thì hộ kinh doanh thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình cá nhân kinh doanh như doanh nghiệp tư nhân và nhóm người kinh doanh tương tự như công ty nhưng với cơ cấu sơ khai nhất. Việc đưa hộ kinh doanh vào luật doanh nghiệp phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh: "Đưa hộ kinh doanh và Luật doanh nghiệp vừa bảo đảm tôn trọng tính chất lịch sử đặc thù của kinh tế hộ Việt Nam vừa là bước tiến quan trọng đưa hệ thống pháp luật về doanh nghiệp của nước ta phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế chấp nhận sự linh hoạt và đa dạng của các mô hình kinh doanh và đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập với việc đưa hộ kinh doanh và Luật doanh nghiệp cũng sẽ không làm thay đổi kết cấu và quan niệm của Luật doanh nghiệp về vấn đề này".

Trong khi đó, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, đa số ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật nhằm góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai và đê điều, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các Chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam; thực hiện tốt cam kết, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống thiên tai.

Một vấn đề quan trọng và là tâm điểm của tuần làm việc thứ năm, đó là sau 3 kỳ họp được đưa ra bàn thảo, cuối cùng Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi với những quy định không tăng khung thoả thuận làm thêm giờ tối đa, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh 2/9 và quy định thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Một trong những quy định mới được bổ sung trong Bộ Luật lao động (sửa đổi) được các đại biểu quan tâm là về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn Bình Định đề nghị tập trung tuyên truyền để Bộ Luật lao động (sửa đổi) đi vào cuộc sống: "Tôi nghĩ để Bộ luật đi vào cuộc sống thì trước hết phải tuyên truyền Luật và nếu những vấn đề chưa quy định rõ trong Luật mà giao Chính phủ thì Chính phủ cũng nhanh chóng ban hành Nghị định, thông tư. Bộ Luật Lao động đã trải qua 3 kỳ họp, đầu tiên dự kiến 2 kỳ, sau đó 3 kỳ, nghiên cứu kỹ rồi. Nhưng cách triển khai Nghị định, thông tư cũng phải được giám sát chặt chẽ đảm bảo quyền lợi người lao động cũng như thỏa thuận về chủ lao động và người lao động".

Về tuổi nghỉ hưu, Quốc hội đồng ý Phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Bộ luật lao động sửa đổi cũng quy định thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Việc xây dựng Đề án được Quốc hội đánh giá là cần thiết, giúp hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. Trình bày Nghị quyết phê duyệt Đề án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định: "Mục tiêu tổng quát là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số".

Ngoài ra, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế. Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tuần tới, Quốc hội chỉ làm việc từ ngày 25 đến ngày 27/11 là kết thúc kỳ họp thứ 8. Trọng tâm của 3 ngày làm việc là Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ làm công tác nhân sự và Biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Bình luận