Sáng 21/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin: “Với tinh thần lo xa, Ủy ban Thường vụ đã tính đến việc xin đại biểu Quốc hội tổ chức thêm kỳ họp bất thường vào tháng 12 để quyết đáp vấn đề này vì nếu để đến kỳ họp tháng 5/2022 thì sẽ bị lỡ nhịp”. Bởi, theo Chủ tịch Quốc hội, phòng, chống dịch gắn với an sinh xã hội phải được coi như “cuộc kháng chiến trường kỳ”, nguồn lực tính toán phải dài hơi, nếu không sẽ rất khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước khi họp Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã có nhiều hoạt động trao đổi, tọa đàm, lắng nghe doanh nghiệp… với mục tiêu là tìm lời giải tốt nhất cho 2 câu hỏi trên. “Trong đó, bao trùm là dù thế nào cũng hết sức tránh chuyện nóng vội, chủ quan và đề phòng chuyện chuyển từ cực này sang cực khác”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nhân dân và cử tri cả nước đang mong đợi 2 quyết sách lớn trong kỳ họp lần này. Đó là, tới đây phòng, chống dịch thế nào; phục hồi phát triển kinh tế-xã hội ra sao? Hai việc này gắn với vấn đề an sinh, trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, thời gian qua, tốc độ tiêm vaccine của chúng ta chậm nhưng đến nay, đã tiến bộ hơn các nước. “Các nước ngại tiêm vaccine, chúng ta có vacxin thì tiêm ngay nên hy vọng tỉ lệ phủ vaccine của nước ta sẽ sớm hơn. Toàn dân cần tiếp tục áp dụng nghiêm ngặt 5K và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch".
Về các gói hỗ trợ an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng năm nay, chúng ta đã làm tốt, có hiệu quả. Tuy nhiên, ông lưu ý khi có các gói hỗ trợ mới thì các ý kiến đều cho rằng chúng ta phải tập trung làm tốt các gói hỗ trợ cũ; cố gắng tận dụng, đốc thúc toàn diện giải ngân đầu tư công.
Thời gian qua, thị trường lao động là một trong những lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Trong quý II, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm giảm 2,4 triệu người so với quý trước; giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp xây dựng giảm 815.000 người; dịch vụ giảm 2,28 triệu người nhưng lao động trong nông nghiệp lại tăng 742.000 người. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Sau đại dịch, chắc chắn sẽ có sự phân bổ lại lao động, dân cư. Đây là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu. Tỉ lệ lao động thất nghiệp đang cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tại thành thị là 4,84%, nông thôn là 3,04%. Nếu như trong quý II vừa rồi, đại dịch chỉ tác động đến khoảng 12,8 triệu lao động thì quý III, ước tác động đến gần 30 triệu lao động, trong đó 5% lao động mất việc làm; 32% là tạm nghỉ hoặc tạm ngừng việc; 50% bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn cách; 80% bị giảm thu nhập”.
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.