Họp Quốc hội tháng 10/2021: TPHCM kiến nghị chính sách phục hồi sau dịch Covid-19

(VOH) - Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày mai 20/10. Đợt 1 từ ngày khai mạc đến 1/11 sẽ họp theo hình thức trực tuyến.

Đợt 2 diễn ra từ ngày 8/11 đến 13/11 theo hình thức trực tiếp.

Kỳ họp lần này sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về báo cáo Kinh tế xã hội của Chính phủ, về công tác phòng chống dịch thời gian qua.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. (Ảnh: TTXVN)

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có nhiều buổi tiếp xúc cử tri tại các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức và các buổi tiếp xúc chuyên đề. Xung quanh các kiến nghị của cử tri được gửi đến Quốc hội, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.  

*VOH: Những nội dung chính nào sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2, thưa bà?

- Bà Văn Thị Bạch Tuyết: Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết và đồng thời cũng sẽ xem xét cho ý kiến 5 dự án luật khác. Trong 2 dự án luật thông qua lần này, đó là Luật sửa đổi bổ sung Luật thống kê, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự. 5 dự án luật Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến, đó là Luật Điện ảnh sửa đổi, Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cảnh sát cơ động. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ xem xem xét các báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương của năm 2022. Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn một số cơ quan của Trung ương và của Chính phủ và Quốc hội cũng sẽ xem xét một số cái nội dung quan trọng khác của quốc gia do Chính phủ và các cơ quan trình.

*VOH: Qua các buổi tiếp xúc cử tri vừa qua, theo bà thì những nội dung được cử tri thành phố quan tâm là gì?

- Bà Văn Thị Bạch Tuyết: Người dân vẫn rất là quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid trong điều kiện hiện nay, người dân cũng lo lắng là tình hình dịch bệnh có thể tái phát trở lại nếu như mà chúng ta không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, người dân cũng lo lắng về tình hình an sinh xã hội, các điều kiện việc làm. Cử tri cũng kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ nghiên cứu có thêm các gói hỗ trợ để giúp cho các đối tượng khó khăn trong cái thời gian sắp tới để giúp người ta vượt qua cái giai đoạn khó khăn này đến lúc họ có thể tìm được việc làm, họ có thể quay trở lại được với công việc và có thu nhập. Qua dịch lần này, cử tri cũng phản ánh nhiều đến các tồn tại, hạn chế của hệ thống y tế cơ sở. Một mặt nữa thì cử tri cũng rất quan tâm đến việc làm người lao động rời Thành phố về quê sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động. Cử tri cũng quan tâm đến việc học online của các cháu học sinh hiện nay. Bởi vì việc học online thì phụ huynh đánh giá rằng là cái tính hiệu quả của nó không cao.

*VOH: Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố có tiếp xúc với cử tri ngành y tế và doanh nghiệp. Qua 2 buổi tiếp xúc đó, những nội dung nào được đề cập và kiến nghị đến Quốc hội nhiều nhất?

- Bà Văn Thị Bạch Tuyết: Qua hai cuộc tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố tiếp nhận rất nhiều ý kiến phản ánh. Có thể nêu một số vấn đề mà cử tri của ngành y tế quan tâm, ví dụ như là phải quan tâm tiêm ngừa Covid cho trẻ em. Bởi vì hiện nay, các bác sĩ cũng cho rằng là trên thế giới đã có vắc xin để tiêm cho trẻ em. Bên cạnh đó, cử tri của ngành y tế cũng quan tâm đến đề xuất một số vấn đề, ví dụ như là bác sĩ dự phòng và ngành dự phòng thì trong đào tạo cần phải quan tâm hơn, phải đầu tư hơn cũng như là phải tăng cái chỉ tiêu đào tạo, liên quan đến hệ thống y tế của các cơ sở cần phải có một chủ trương rõ ràng hơn nữa và đầu tư hơn nữa, có chính sách nhiều hơn nữa. Thứ nhất là để thu hút lực lượng y, bác sĩ về công tác tại các trạm y tế, về khối dự phòng, rồi chính sách đào tạo, ưu đãi cho đối tượng này. Bên cạnh đó, cử tri cũng có kiến nghị một số vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế và cho rằng một số quy định bảo hiểm xã hội mà hiện nay đang bất hợp lý, không có phù hợp trong điều kiện thực tế.

Liên quan đến doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua thì cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội một số vấn đề, ví dụ như là cần có kế hoạch chống dịch với những phương án là cụ thể, căn cứ vào diễn biến của dịch để có một phương án xử lý đi kèm, diễn biến dịch đến mức nào thì kịch bản xử lý ra sao? Để doanh nghiệp có thể và người dân chủ động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cần có những cái gói hỗ trợ giảm, giãn thuế kéo dài hơn nữa rồi là một số chi phí của doanh nghiệp trong công tác chống dịch thì có thể là nhà nước hỗ trợ luôn giúp cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này. Cử tri cũng rất quan tâm đến việc là làm sao để đảm bảo lưu thông hàng hóa để  doanh nghiệp có thể khởi động lại sản xuất.

*VOH: Trước tình hình khó khăn hiện nay của thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố sẽ kiến nghị gì với Quốc hội để sớm tháo gỡ khó khăn và phục hồi phát triển?

- Bà Văn Thị Bạch Tuyết: Từ thực tiễn của thành phố cũng như những kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố sẽ kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố để giúp cho thành phố có nguồn lực đầu tư phát triển cũng như là tiếp tục chống dịch trong thời gian sắp tới. Thứ hai nữa là tiếp tục kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có chính sách để mà hỗ trợ cho doanh nghiệp, cũng kiến nghị Quốc hội có thêm các chính sách để mà mở rộng thêm các đối tượng hỗ trợ cho người nghèo, người khó khăn có điều kiện để đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian sắp tới. Chúng tôi cũng kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ quan tâm cho các hệ thống y tế của chúng ta để đảm bảo, nhất là thế hệ thống y tế đủ sức vừa chống dịch, vừa phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.