Cùng tham dự có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng của TPHCM tăng 5,66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên đến quý 3, do thực hiện giãn cách xã hội kéo dài nên tốc độ tăng trưởng giảm mạnh khoảng 24% so với cùng kỳ.
Tính chung GRDP 9 tháng năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ, dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%).
Trong những tháng còn lại của năm 2021, Thành phố sẽ tập trung vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi kinh tế. Để đạt được mục tiêu đó, TPHCM tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, hiện đã bắt đầu các chiến dịch phục hồi kinh tế cho Thành phố với kế hoạch bài bản: “TP đang khẩn trương triển khai chương trình phục hồi kinh tế. Từng bước phát triển ý tưởng, làm đề cương, đều lấy ý kiến người dân và chuyên gia. Chúng tôi nhận định có thành công hay không là có sự tham gia người dân và doanh nghiệp ngay từ đầu”.
Để góp phần tạo nguồn lực cho Thành phố phát triển nhanh và bền vững, nhất là sau tác động nặng nề của dịch Covid 19, Thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giai đoạn 2022-2025.
Ngoài ra, TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tại buổi giám sát, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TP chuẩn bị nhiều chiến lược trong giai đoạn tới. Trụ cột là chiến lược về y tế, chiến lược chăm lo cho người dân, trong chiến lược về xã hội có quan tâm đến nhà ở cho người lao động: “Chúng ta cần kiến thiết lại một thành phố, một đô thị để người dân đến làm ăn, sinh sống yên ổn, yên tâm và được đảm bảo các yêu cầu cuộc sống an toàn thì cực kỳ khó khăn. TPHCM bày tỏ mong muốn Chủ tịch nước, các ĐBQH tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy cơ chế chính sách giúp thành phố sớm xây dựng nhà ở xã hội cho người dân”.
Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TPHCM nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phục hồi kinh tế TP.HCM từ nay đến cuối năm 2025 nhằm giúp Thành phố lấy lại đà tăng trưởng, tạo sức bật cho các năm sau. Theo Chủ tịch nước, đây là vấn đề cấp bách và căn cơ nên phải khẩn trương từ đây đến cuối năm, nghiên cứu các giải pháp để có đề án khoa học, thực tế, hiệu quả tái cấu trúc kinh tế.
Trong đó Chủ tịch nước tiếp tục nhấn mạnh việc đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt giữa Thành phố và các tỉnh, không có chuyện "ngăn sông cấm chợ". Các tỉnh khác phải phối hợp với TPHCM để tạo nên một chuỗi lưu thông thông suốt: “Tiếp tục đảm bảo lưu thông hàng hóa, huyết mạch kinh tế, di chuyển con người, nối lại chuỗi cung ứng. Pháo đài không phải ngăn sông cấm chợ, tất cả là của quốc gia, không ai có quyền. Các địa phương lân cận phải hiểu được vấn đề này. Chúng ta là một quốc gia thống nhất”.
Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đề nghị các đại biểu Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố từ 18% lên 23% ngay năm 2022 để Thành phố có thêm nguồn lực phục hồi, thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế cả nước.
Ngoài ra, Chủ tịch nước yêu cầu các bộ ngành nên nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố phải cao hơn mức trung bình cả nước, vì các doanh nghiệp Thành phố thời gian qua đã bị ảnh hưởng nặng nề và nếu không sớm phục hồi sẽ tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia.