Tại hội nghị, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TPHCM báo cáo tóm tắt hoạt động của đoàn đại biểu TPHCM từ sau kỳ họp thứ nhất đến ngày 30/9/2021 và thông báo nội dung dự kiến chương trình của kỳ họp thứ 2, quốc hội khóa 15.
Các cử tri tại Quận 4, Quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến tình hình lao động nhập cư rời thành phố, cần có chính sách cụ thể cho lực lượng này, công tác phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề liên quan đến công tác giáo dục, sửa đổi luật.
Bà Đặng Thị Thanh Quyên - Cử tri Khu phố 5, Phường Tân Thuận Tây, Quận 7 quan tâm đến công tác giáo dục, trong đó, theo bà việc học online trong giai đoạn này chỉ phù hợp từ học sinh cấp 2 trở lên, còn đối với học sinh cấp 1 thì đó chỉ là giải pháp tình thế trong 1 giai đoạn nhất định. Do đó, bà Thanh Quyên đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo có lộ trình điều chỉnh, chỉ đạo sớm để cho các em học sinh trở lại học tập tại trường trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Theo bà Quyên: “Hạ tầng kỹ thuật, đường truyền của chúng ta chưa hoàn thiện, giáo viên thì chưa được đào tạo, tập huấn phương pháp này từ đầu nên hiệu quả chỉ ở chừng mực. Do vậy, chúng tôi chưa yên tâm lắm về kết quả giáo dục. Mặt khác, hình thức này không thể thay thế giờ lên lớp của giáo viên bởi sự tương tác, sự lan tỏa cảm xúc trong giáo dục rất hạn chế. Về kiểm soát uốn nắn, chế độ học tập của các em học sinh rất khó đạt hiệu quả.
Nhiều khi các bậc cha mẹ không có phương pháp giảng dạy cho các bé, sự truyền đạt không được tốt. Do đó cần tinh giảm nội dung, thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo phần cốt lõi. Cần có kế hoạch bù đắp thời gian sau đó, có thể kết thúc năm học chậm hơn 2 hoặc 3 tuần so với kế hoạch”.
Theo ông Cao Xuân Đạt - cử tri Phường 13, Quận 4, đại dịch Covid-19 tạo ra những xáo trộn lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội trên thế giới và trong nước, dự báo vẫn còn nhiều tiềm ẩn khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Do vậy, trong thời gian tới phát triển kinh tế bền vững là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc duy trì tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng kinh tế hợp lý, tăng thu nhập của người dân và dân nghèo, tạo việc làm và tăng năng suất lao động thì việc phát triển nhà ở cho công nhân là cấp thiết.
Ông Đạt hi vọng: “Trong kỳ họp quốc hội sắp tới, khi bàn về sự phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới, cần đưa nội dung nhà ở cho công nhân vào thảo luận. Để đạt mục tiêu nhà ở, rõ ràng cần có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư gồm cả hỗ trợ từ ngân sách, vốn, lãi suất cho doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân.
Cùng với đó, mỗi địa phương phải coi chỉ tiêu phát triển nhà ở cho công nhân là quan trọng trong kế hoạch phát triển nhà ở nói chung. Đặc biệt, mỗi dự án phát triển khu công nghiệp phải đồng bộ các khu chức năng văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở và ràng buộc rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc hoàn thiện các thiết chế này”.
Theo ông Đạt, về lâu dài, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân nói chung, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng cần phải được xây dựng thành nghĩa vụ bắt buộc trong luật, nghị quyết của quốc hội hay nghị định để có tính pháp lý cao thay vì chỉ dừng ở khuyến khích.
Cử tri huyện Cần Giờ, Nhà Bè cũng có nhiều ý kiến mong muốn đóng góp xây dựng nhiều hạng mục cho địa phương cũng như góp ý để có giải pháp phát triển TPHCM trong thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến của các cử tri, đại biểu quốc hội Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM đã trả lời, giải thích nhiều ý kiến của cử tri tại hội nghị và tiếp thu: “Có rất nhiều ý kiến chúng tôi thấy rất xác đáng. Chúng tôi xin thay mặt các đại biểu tiếp thu đầy đủ các phát biểu, góp ý của đại diện các cử tri để từng đại biểu chúng tôi tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng tại các diễn đàn của quốc hội ở kỳ họp lần thứ 2”.