"Ủng hộ quy định, kiến trúc sư phải thi sát hạch mới được cấp chứng chỉ hành nghề"

(VOH) – Một trong những vấn đề đang được nhiều người công tác trong ngành kiến trúc rất quan tâm đó là việc trắc nghiệm sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này còn bất cập và vô tình tạo thêm rào cản cho môi trường hoạt động của ngành kiến trúc ở Việt Nam.

Từ nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này, làm sao để đơn giản hóa, công bằng trong việc thi cấp chứng chỉ hành nghề và tạo điều kiện làm nghề tốt nhất cho kiến trúc sư Việt Nam, Đài TNND TPHCM (VOH) đã trao đổi với Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Hội kiến trúc sư TPHCM. 

* VOH: Nhiều ý kiến cho rằng cấp chứng chỉ hành nghề để công tác là cần thiết nhưng vì sao phải sát hạch trắc nghiệm, trong khi kiến trúc sư đã học rất nhiều năm ở trường, còn những kiến trúc sư đi làm nhiều năm thì người ta cũng đã có kinh nghiệm và cũng đã từng được cấp chứng chỉ hành nghề. Việc sát hạch này nghe có vẻ như chưa thỏa đáng lắm, ông có ý kiến như thế nào?

KTS Nguyễn Trường Lưu:  Theo tôi, chúng ta phải hiểu một cách rõ ràng rằng Bằng tốt nghiệp sau khi học đại học kiến trúc trên toàn thế giới người ta gọi là bằng cử nhân chứ không phải là bằng kiến trúc sư. Từ kiến trúc sư là chỉ sử dụng cho những ai đã hành nghề, đã làm công trình. Lý do tại sao phải thi cấp chứng chỉ thì năm 1994 Bộ Xây dựng lần đầu tiên có quyết định phải cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng lúc đó chỉ cấp chứ chưa sát hạch.

Chứng chỉ hành nghề này cũng chia ra hạng 1, hạng 2,  quy định là những kiến trúc sư nào sau khi tốt nghiệp đại học kiến trúc 5 năm, làm được bao nhiêu công trình, quy mô công trình, chức năng công trình… thì được cấp chứng chỉ hạng 2. Chỉ cần làm đủ hổ sơ là Bộ cấp ngay, phải chứng minh đầy đủ công trình này là của mình. Còn bao nhiêu công trình trở lên, với quy mô nào thì được cấp 1, đó là quy định của năm 1994.

Tuy nhiên sau đó từ năm 2005 – 2006 thì lượng kiến trúc sư rất đông, Bộ không trực tiếp cấp mà phân về cho các sở xây dựng cấp. Cấp đại trà mà không phân biệt hạng 1, hạng 2, cho đến nay thì có nhiều điều không ổn.

Theo tôi thì kiến trúc sư phải rất nhiều kinh nghiệm, hành nghề xong vẫn phải thi, để mình có thêm nhiều kinh nghiệm và không bị mắc lỗi. Cho nên tôi nghĩ kiến trúc sư muốn hành nghề thì sát hạch để cấp chứng chỉ là cần thiết.

KTS Nguyễn Trường Lưu - Ảnh: DanViet

* VOH: Đối với 1 số trường hợp, ví dụ như người đó đã từng được cấp chứng chỉ hành nghề, hoặc kiến trúc sư đó đang làm giảng viên tại một trường đại học nào đó so với 1 sinh viên mới tốt nghiệp ra trường thì nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có thể thi nhưng chúng ta sẽ phân loại, ông suy nghĩ như thế nào về ý kiến này?

KTS Nguyễn Trường Lưu: Theo tôi việc cấp chứng chỉ mà không sát hạch là chưa hợp lí. Bây giờ chúng ta sát hạch thì nên có lộ trình, chứ không thể cắt ngang được. Lộ trình này theo tôi nghĩ là người nào chưa được cấp chứng chỉ, đủ niên hạn 5 năm, làm được bao nhiêu công trình thì phải sát hạch. Sát hạch để lấy hạng 3, hạng 2, rồi nếu đủ yêu cầu của hạng 1 thì sát hạch hạng 1.

Còn những người nào mà trước đây đã 5 năm hành nghề xong được cấp chứng chỉ thì hiện tại nên phiên ngang cấp chứng chỉ hạng 3. Nếu họ muốn lên hạng 2, hạng 1 thì phải sát hạch. 

Ngược lại những người nào đã được cấp chứng chỉ hành nghề hạng 1, đã có nhiều công trình lớn, hiện tại họ vẫn làm nghề và chứng minh mình đủ năng lực tương đương thì nên phiên ngang cấp chứng chỉ hạng 1 cho họ mà không nên thi với những trường họp này.

* VOH: Một ý nữa đó là nhiều kiến trúc sư cho rằng môi trường hành nghề tại Việt Nam của các kiến trúc sư rất khó khăn, nhiều công trình lớn họ rất thích những kiến trúc sư nước ngoài, công tác nhiều năm thì ông nhận định ra sao?

KTS Nguyễn Trường Lưu: Tôi nghĩ kiến trúc sư nước ngoài họ có điều kiện học tập tốt hơn, bài bản hơn, tiếp theo nữa để được cấp chứng chỉ hành nghề thì ở nước của họ, họ đã được sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề, được chứng minh qua nhiều công trình. Đi học kiến thức là một chuyện, nhưng va chạm thực tế lại là chuyện khác. Đó là những lợi thế mà kiến trúc sư nước ngoài có.

Vậy thì bây giờ chúng ta phải có những quy định cụ thể, kiến trúc sư nước ngoài vào Việt Nam làm  việc thì sẽ làm gì, tức là chỉ làm ý tưởng, phương án, sau khi đã có phương án thì phải giao lại cho kiến trúc sư của  chúng ta làm. Có như thế thì chúng ta mới dần dần học được, tiếp cận được, chứ chúng ta giao hết thì không bao giờ chúng ta phát triển được.

Tôi cho rằng ví dụ như có vài điểm nào đó ở Thông tư  về việc hướng dẫn sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chưa đúng thì chúng ta cứ ý kiến. Nếu chúng ta xác định mình sẽ làm nghề thì chúng ta nên chấp hành, chúng ta vừa làm vừa hoàn thiện, chúng ta cứ kiến nghị để tính khả thi của thông tư tốt hơn.

* VOH: Cám ơn ông